Bị cạn ối khi mới ở tuần 32 và phải đối mặt với nguy cơ sinh non nhưng nhờ 2 lần truyền ối mà bà mẹ trẻ đã có cơ hội đón con chào đời khỏe mạnh ở tuần 36 thai kỳ.
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh viện đã thực hiện truyền ối thành công cho một thai nhi cạn ối tuần 32 đối diện với nguy cơ sinh non. May mắn, bé trai chào đời tuần 36 rất khỏe mạnh, nặng 2,8kg.
Khi ở tuần thứ 32 của thai kỳ, chị N.T.L. (Bắc Ninh) đã được phát hiện thai nhi bị cạn sạch ối. Thời điểm ấy, tử cung của chị T.L. bó chặt, thai nhi nằm co như bị hút chân không. Điều này có thể dẫn đến sinh non hoặc thai lưu. Trong khi đó, thai nhi trong bụng chỉ ước khoảng được 1,8kg khiến gia đình mẹ bầu rất lo lắng vì sợ con sinh non sẽ yếu ớt.
Bởi thế, cả gia đình chị N.T.L. đã tìm kiếm mọi cơ hội để giữ con ở lại lâu nhất trong bụng có thể. Theo đó, chị L. quyết tâm ra Hà Nội, tìm tới Đơn vị can thiệp bào thai (Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nội) để được truyền ối. Đây là một kỹ thuật can thiệp bào thai điều trị thiểu ối với mong muốn kéo dài thời gian mang thai để con cứng cáp, khoẻ mạnh hơn.
Chị L. quyết tâm ra Hà Nội để được truyền ối. (Ảnh minh họa)
TS. BSCKI. Nguyễn Thị Sim - Phụ trách đơn vị can thiệp bào thai đã là người trực tiếp thăm khám, tư vấn và hội chẩn để thực hiện truyền ối cho chị L. Do có sự hỗ trợ tận tình của đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế cùng sự đồng hành của chồng chị L. mà suốt quá trình khám và điều trị, chị L. đã 2 lần truyền ối thành công tại tuần thứ 32 và 34 của thai kỳ.
Do được truyền ối nên thai nhi trong bụng mẹ phát triển tốt. Khi ở tuần 36 của thai kỳ, con đã cất tiếng khóc chào đời và nặng 2,8kg trong niềm vui của cả nhà và ê kíp bác sĩ.
Thiểu ối - nguy cơ cao biến chứng thai kỳ
Nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi, là môi trường lỏng giúp thai nhi phát triển trong suốt quá trình người mẹ mang thai. Nước ối có vai trò vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương khi ở trong bụng mẹ, là môi trường vô khuẩn tránh được các nhiễm trùng đặc biệt ở phổi, dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ giữ cho thai nhi có thân nhiệt ổn định thích hợp.
Nếu trong quá trình mang thai, lượng nước ối không đủ sẽ làm thai chậm phát triển, dị dạng thai nhi, hậu quả là đẻ non hoặc thai lưu.
Trong thai kỳ, tại mỗi thời điểm lượng nước ối là khác nhau. Thai 10 tuần tuổi, lượng nước ối chỉ khoảng 30ml nhưng 3 tháng cuối thai kỳ, lượng nước ối có thể hàng nghìn ml nhưng đến khi sinh, lượng nước ối chỉ còn khoảng 800ml.
Thiểu ối là hiện tượng lượng nước ối ít hơn mức sinh lý bình thường, tức là khi chỉ số ối nhỏ hơn 50 mm hoặc góc ối sâu nhất nhỏ hơn 20mm. Nặng hơn là tình trạng cạn ối khi góc ối sâu nhất nhỏ hơn 10mm.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thiểu ối là do mẹ bị vỡ ối hoặc rỉ ối qua đường âm đạo, làm giảm lượng nước ối trong tử cung hoặc mẹ có một số bệnh lý làm cho quá trình sản xuất nước ối trong bào thai giảm dần dẫn đến tình trạng thiểu ối.
Một nguyên nhân khác nguy hiểm hơn là do thai nhi không có thận, hoặc có nhưng không hoạt động làm quá trình tạo nước ối trong giai đoạn phát triển thai nhi bị hạn chế. Và, có tới 30% số ca thiểu ối không tìm được rõ nguyên nhân.
Nhiều mẹ bầu đã mẹ tròn con vuông nhờ kỹ thuật truyền ối thai kỳ. (Ảnh minh họa)
Thiểu ối tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thiểu sản phổi, thai chậm phát triển, biến dạng mặt, chân tay, ngôi thai bất thường,…Hậu quả nặng nề nhất là thiểu ối ảnh hưởng đến quá trình trao đổi tuần hoàn giữa bánh rau và bào thai bị dừng, dây rốn bị ép chặt lại dẫn đến thai lưu.
Theo thống kê có tới 4-5% thai phụ có nguy cơ rơi vào tình trạng thiểu ối. Trước đây, những ca này, các thai phụ được tư vấn nên uống nước, nghỉ ngơi nhiều hoặc được điều trị bằng cách truyền dung dịch sinh lý nhằm tăng cường tuần hoàn tử cung rau. Tuy nhiên, phương pháp này đem lại ít hiệu quả. Vì thế, trong những trường hợp này bác sĩ sẽ khuyên nên chấm dứt thai kỳ sớm để tránh tình trạng thai lưu.
Nhưng hiện nay, kĩ thuật truyền ối được triển khai đã giúp kéo dài thời gian mang thai của mẹ bầu, tránh gây ra những dị tật không mong muốn do thiểu ối gây ra.