Lấy chồng bộ đội ít khi được về nhà nên những tháng thai kỳ và ở cữ ít khi có chồng bên cạnh, mẹ bầu nhờ cậy hết gia đình nội ngoại chăm sóc.
Mẹ bỉm sữa Lương Thị Thuý Hằng, 27 tuổi ở Đà Lạt đang ở cữ được hơn tháng. Cho dù hiện nay sau khi có con nhỏ, mọi thứ xung quanh Hằng thay đổi chóng vánh, không theo quỹ đạo ban đầu nữa nhưng người mẹ trẻ lại cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.
Hằng cho biết, khi vợ chồng cô đám cưới được 1 tháng thì cô cấn bầu: “Thật ra lúc mới cưới xong, em cũng chưa tính có bầu ngay, với lại do công việc của chồng là bộ đội nên em tính để sang năm cho cuộc sống, nhà cửa ổn định hơn rồi mới nghĩ tới vấn đề sinh con. Nhưng con lại đến quá bất ngờ, lúc cầm que thử 2 vạch lên là lúc em quên hết mọi chuyện. Em vội nhắn tin khoe chồng. Trưa ấy, tranh thủ giờ nghỉ, chồng xin phép thủ trưởng chạy vội về nhà chở vợ đi khám. Biết con vào tổ an toàn, 2 vợ chồng vui và hạnh phúc lắm”, Hằng kể lại hôm biết tin có bầu.
Sau cưới 1 tháng thì Hằng cấn bầu. (Ảnh: NVCC)
Ngay từ lúc mang thai 7 tuần đến tháng thứ 6, mẹ bầu này bị nghén nặng. Hằng ăn gì cũng nôn sạch, đến cả uống nước lọc cũng nôn ra hết. Có mấy lần Hằng còn nôn ra lẫn cả máu. Vì thế 2 vợ chồng lại lo lắng chở nhau đi khám vì bầu lần đầu chưa có nhiều kinh nghiệm.
“Mặc dù nghén nhiều nhưng em vẫn cố gắng ăn cho có chất, trừ những thứ như rau răm và đu đủ xanh còn lại em không kiêng bất kể thứ gì. Một ngày em chia nhỏ bữa ăn thay vì trước kia ăn ngày 3 bữa thì em chia thành 5-6 bữa hoặc khi nào thấy đói là em ăn. Đến tháng thứ 6 em mới bắt đầu hết nghén. Tuy nhiên suốt cả thai kỳ em vẫn tăng được 21kg”, mẹ bầu chia sẻ.
Được biết suốt thời gian bầu bí, ngoài ốm nghén nặng, người vợ 27 tuổi còn không tránh khỏi 1 số stress. Nguyên nhân là bởi công việc của anh xã phải ở đơn vị 24/24 không có nhiều thời gian ở nhà chăm sóc cho vợ. Thêm vào đó, bị nghén nặng khiến Hằng lúc nào cũng lờ đờ, mệt mỏi, nhiều lúc còn không thể đứng lên đi lại bình thường. Đã vậy, Hằng còn có tiền sử bị tim block nhĩ thất độ 3 (rối loạn nhịp tim). Mặc dù đã điều trị đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn nhưng cô vẫn bắt buộc phải đi khám song song giữa khám thai và tim mạch. May mắn trong quá trình mang thai, mỗi lần đi thăm khám định kỳ mẹ bầu này đều có kết quả tốt. Chưa kể thủ trưởng đơn vị của anh xã cũng tạo điều kiện những lúc rảnh hay đơn vị ít việc cho anh xã chạy về chăm sóc vợ bầu.
Sau bao vất vả ốm nghén khi mang bầu, cuối cùng con yêu đã chào đời. (Ảnh: NVCC)
“Em lấy chồng xong thì xuống ở cạnh đơn vị mà anh công tác. Nhưng do tính chất công việc, chồng em không thể ở nhà nhiều và buổi tối cũng không về nhà được mà phải ở lại đơn vị. Thế nên bầu đến tháng thứ 5, em bắt đầu về nhà mẹ đẻ, 2 vợ chồng tạm xa nhau như hồi chưa cưới”, Hằng kể hoàn cảnh vợ chồng xa nhau của mình.
Tuần 38, Hằng có dấu hiệu đau bụng và bị tiêu chảy ngày 6-7 lần. Tuy nghĩ là chưa thể sinh được nhưng mẹ bầu cứ đi khám cho yên tâm. Đến viện, bác sĩ thông báo mở 1 phân và cho siêu âm tim, đo cơn gò. Lúc lên siêu âm, Hằng đau bụng dồn dập hơn, chờ khám lại thì đã mở 3 phân nên bác sĩ cho nhập viện theo dõi.
“Đến lúc này em mới gọi điện thoại báo cho chồng để anh xin phép đơn vị cho đi từ Đồng Nai về Đà Lạt. Trên viện khi ấy chỉ có mẹ đẻ và anh rể đi cùng chứ không có chồng theo. Nhập viện nhìn các chị em khác có chồng đưa đi đẻ nên khi ấy em tủi thân lắm. Đến tận sang hôm sau khi ra khỏi phòng theo dõi, chồng em mới vào tới viện”, Hằng kể lại phút đi đẻ chạnh lòng.
Do mẹ bầu bị bệnh tim nên bác sĩ cũng tư vấn giữa sinh thường và sinh mổ. Cuối cùng Hằng quyết định chọn sinh thường. Song 2 tiếng đau dồn dập mà chỉ mở có 3 phân nên cô lại quyết định sinh mổ để đảm bảo sức khoẻ và tâm lý. Sinh xong, em bé được y tá đưa đi nằm lồng sưởi và sáng hôm sau sản phụ mới được gặp con.
“Sau sinh 1 ngày, con em bắt đầu có dấu hiệu bị vàng da, bác sĩ chỉ định nằm chiếu đèn 2 ngày. Con phải cởi sạch quần áo, chỉ mặc tã và che mắt lại nằm trong đó một mình. Hôm đầu con không chịu hợp tác, nằm trong lồng được lúc thì bắt đầu giật mình và khóc. Lần đầu làm mẹ thấy con vậy em đau lòng lắm. Nhưng bác sĩ dặn cố gắng để con nằm trong lồng chiếu thì mới mau hết vàng da, vì vậy bà nội và bố của con thay phiên nhau bỏ tay vào lồng chiếu để nắm giữ lấy tay chân cho con đỡ giật mình. Hôm sau nằm quen trong đó, con đã chịu nằm yên và ít khóc hơn”, Hằng chia sẻ.
Lần đầu nhìn con phải nằm lồng ấp, lòng bà mẹ sau sinh đau đớn vì thương con. (Ảnh: NVCC)
Đến ngày thứ 4, hai mẹ con Hằng được xuất viện về nhà. Nhưng ở nhà được 1 hôm, con lại có dấu hiệu vàng da hơn nên 2 mẹ con lại nhập viện để chiếu đèn: “Tuần đầu tiên em chỉ mong con mau hết vàng da để được nằm cạnh mẹ, để mẹ được ôm con vào lòng chứ không phải nằm trong cái lồng màu xanh đó nữa. Sinh ra con chỉ được 2,7kg nhẹ cân hơn các bạn mà còn không được mẹ ôm ấp mấy ngày đầu. Khi ấy cứ nghĩ đến chuyện này là nước mắt em cứ tự chảy ra vì thương con”.
Sau đó, 2 mẹ con Hằng về nhà và bắt đầu bước vào giai đoạn ở cữ với nhiều xáo trộn. Về nhà được tuần, anh xã Hằng lại phải về đơn vị. 2 mẹ con mẹ bỉm ở nhà một mình với ông bà nội ngoại giúp đỡ chăm sóc ở cữ chu đáo.
“Ngay những hôm đầu tiên khi ở viện về, bà ngoại đã nấu đủ món cho em ăn để có sữa từ thịt bò, gà, cá. Ngoài ăn ra em uống thêm ngũ cốc, trà gạo lứt để gọi sữa về cho con, mặc dù sữa không nhiều nhưng vẫn đủ để cho em bé bú hàng ngày”, Hằng kể về chuyện ăn uống ở cữ.
Mặc dù không có chồng bên cạnh nhưng vẫn có gia đình nội ngoại thay nhau chăm ở cữ nên mẹ bỉm rất hạnh phúc và thoải mái. Sau sinh hơn tháng, Hằng đã giảm được 15kg, hy vọng 1-2 tháng nữa cô sẽ về dáng lại như ban đầu.
Khi có con rồi, dù không có chồng thường xuyên bên cạnh nhưng mẹ bỉm vẫn rất hạnh phúc. (Ảnh: NVCC)
“Khi có con rồi, bế con trong lòng lúc nào em cũng cảm thấy hạnh phúc thật sự. Mỗi lúc nhìn con ngủ say trong lòng mình hay những lúc mà con ti sữa em đều cảm thấy rất vui. Hồi mới mang bầu cứ nghĩ là mình sẽ không ôm con nhiều, cho con tự nằm chơi vì sợ bám mẹ, sợ con quen hơi sau này mẹ muốn đi làm sẽ khó khăn hơn. Nhưng sự thật là đến lúc có con thì em bị nghiện con, lúc nào cũng muốn nhìn ngắm con mọi nơi”, mẹ bỉm hạnh phúc tâm sự.