Quyết định giữ con "không đắn đo" của người mẹ ung thư

Ngày 15/10/2024 20:30 PM (GMT+7)

Nhận kết quả chẩn đoán ung thư vòm họng cũng là lúc phát hiện mang thai 12 tuần, chị Y Chánh, 41 tuổi, đứng trước lựa chọn bỏ thai để điều trị hay giữ lại em bé.

Một tháng nay, căn gác nhỏ chưa tới 10 m2 ở khu phòng trọ cạnh Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 1 là "nơi ở cữ" của chị Y Chánh, người dân tộc Gié Triêng. Sữa mẹ không đủ, bé trai vừa tròn tháng phải dùng sữa công thức. Cậu bé chưa được về nhà vì còn phải đợi mẹ hoàn tất xạ trị ung thư.

Từ năm ngoái, chị đau đầu, nghẹt mũi tăng dần, mua thuốc uống không đỡ. Khoảng đầu năm nay, chị rời thôn Peeng Sieel, xã Đăk Pek, đến bệnh viện ở huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán viêm xoang, điều trị không khỏi. Chị tiến triển "nghẹt mũi không chịu nổi", chỉ thở bằng miệng, giọng nói thay đổi, mắt mờ, sụp mi không thể mở mắt.

Đến bệnh viện tỉnh, bác sĩ nghi ngờ ung thư, đồng thời phát hiện thai 12 tuần nên lần lượt chuyển chị đến Đà Nẵng rồi vào Bệnh viện Ung bướu TP HCM.

"Lần đầu trong cuộc đời ra khỏi làng quê, đến được thành phố, lại là lúc đi trị bệnh", chị nói.

TS.BS.CK2 Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ trị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cho biết bệnh nhân vào viện hồi tháng 4, được xác định ung thư vòm họng (vòm hầu), thai 16 tuần. Đây là một trong 10 loại ung thư thường gặp nhất, phát hiện và chữa trị bệnh càng sớm thì cơ hội chữa khỏi càng cao. Người bệnh cần phải được thực hiện CT Scan mô phỏng và xạ trị, có thể nguy cơ ảnh hưởng thai nhi, gây thai chậm tăng trưởng, sinh non, dị tật bào thai...

Bác sĩ đưa ra hai phương án. Một là đình chỉ thai kỳ, tập trung điều trị triệt để cho người mẹ. Hoặc nếu giữ lại thai, bệnh nhân chỉ có thể xạ trị nhanh một đợt để kiểm soát bệnh, đợi sinh con xong mới xạ trị tiếp. Với phương án giữ thai, người bệnh phải ký cam kết chấp nhận các nguy cơ nếu chẳng may xảy ra với em bé sau này.

"Tôi không đắn do, không nghĩ ngợi gì nhiều, đã lỡ có bệnh lúc mang thai thì dù thế nào cũng cùng sống cùng chết với con mình", chị Y Chánh nói, thêm rằng "chẳng may con dị tật thì cũng là con của mình, cứ thế nuôi thôi". Chị lập gia đình muộn, từng có bé trai đầu lòng nay 4 tuổi.

Người phụ nữ vừa tiếp tục thai kỳ với sự giám sát của bác sĩ sản khoa Bệnh viện Nhân dân Gia Định, vừa bước vào quá trình xạ trị tổng cộng 10 tia. Sau hơn hai tuần, chị giảm nghẹt mũi, nhìn rõ hơn, hết đau đầu, hết sụp mi mắt.

Mang bầu trong lúc mắc ung thư, chị không tăng cân như những thai phụ bình thường mà giảm từ 53 kg xuống còn 38 kg. Chồng chị sau ba tháng đồng hành cùng vợ trị bệnh thì phát bệnh trầm cảm, hay nói lảm nhảm, hành động kỳ quặc, phải về quê điều trị ở bệnh viện tâm thần. Dì ruột của chị từ quê đến thành phố sát cánh cùng cháu.

Vượt qua những tháng ngày "rất đau đớn, rất mệt mỏi", chị mổ sinh bé trai nặng 2,7 kg, lúc gần 39 tuần, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đầu tháng 9. Dự kiến, chị bước vào đợt xạ trị chính thức trong vài ngày tới, khi sức khỏe ổn định hơn sau một tháng sinh con.

Chị Y Chánh bên cạnh con trai tại gác trọ gần Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Ảnh: Lê Phương

Chị Y Chánh bên cạnh con trai tại gác trọ gần Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Ảnh: Lê Phương

Theo bác sĩ Hoàng, thỉnh thoảng khoa tiếp nhận những trường hợp thai phụ có chỉ định xạ trị ung thư. Một số người quyết định đình chỉ thai kỳ để điều trị bệnh bởi lo lắng những nguy cơ xảy ra với con cũng như sức khỏe người mẹ. Có những người mẹ kiên quyết giữ thai, bác sĩ phải che chắn xạ trị, như trường hợp chị Y Chánh. Một số trường hợp phát hiện bệnh khi thai đã quá lớn tuần, bác sĩ cũng chỉ "xạ trị tạm bợ", đợi thai phụ sinh con xong mới tiếp tục điều trị.

"Chúng tôi không cổ vũ thai phụ giữ lại con, cũng không khuyến cáo bỏ thai, chỉ biết cố gắng tìm cách điều trị tốt nhất dựa trên ý kiến, nhu cầu của bệnh nhân", bác sĩ nói. Bởi trong điều trị, sức khỏe bệnh nhân vẫn được ưu tiên nhiều nhất, chưa kể những rủi ro có thể xảy ra với em bé. Đặc biệt, ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ gây dị tật ở em bé rất lớn. Nếu trì hoãn điều trị quá lâu để đợi sinh, ung thư ở người mẹ có thể di căn, xuất huyết, thậm chí tử vong, không thể cứu cả mẹ lẫn con.

Dù bệnh nhân chỉ xạ trị vùng đầu cổ, bác sĩ phải phủ thêm áo chì, dùng khung che chắn vùng bụng chậu, để tránh nguy cơ ảnh hưởng em bé. Ban an toàn bức xạ phải đo liều phóng xạ xung quanh vùng bụng, gắn thiết bị cảnh báo nếu liều lượng vượt mức thì phải dừng xạ trị.

May mắn vượt cạn an toàn, chị Y Chánh dự định đặt tên con là Gia Trợ, với mong muốn ghi ơn sự giúp đỡ của nhiều người xa lạ. "Nếu không có sự yêu thương hỗ trợ của mọi người, quyên góp chi phí điều trị, mẹ con tôi không thể sống tới ngày nay", chị tâm sự.

Người giúp việc sinh con ngay trên giường của chủ
Đài Loan - Người giúp việc Indonesia tự sinh con trên giường của chủ trong khi bà cụ ngồi xe lăn bên cạnh không hay biết.

Tin tức mẹ bầu

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện mang thai