Sau 7 lần thai lưu, vợ chồng Hà Nội “khổ tận cam lai” mới được đón trái ngọt

Thảo Nguyên - Ngày 03/03/2023 16:00 PM (GMT+7)

Khi bế con trai nhỏ vừa chào đời, vợ chồng 36 tuổi không khỏi mừng mừng tủi tủi, rớt nước mắt hạnh phúc sau cả gần chục năm mong con.

Những ngày đầu năm 2023, gia đình chị Nguyễn Thị Tùng, SN 1987, ở Thanh Oai, Hà Nội là những ngày hạnh phúc trọn vẹn nhất. Suốt gần chục năm ròng mong có con với bao lần đau đớn mất con, cuối cùng vợ chồng hiếm muộn Hà Nội cũng được tận hưởng hạnh phúc làm bố mẹ như bao gia đình khác.

Chị Tùng cho biết, vợ chồng chị kết hôn đã 7 năm nay. Sau kết hôn, vì mong có con nên anh chị đều thả, không hề kế hoạch. Và rồi chị cũng được đón nhận tin vui bầu bí như bao phụ nữ bình thường khác. Nhưng chưa kịp tận hưởng những ngày tháng thai kỳ thì chị Tùng đã phải nhận tin bị thai lưu, phải chấm dứt thai kỳ sớm.

7 năm thai lưu, vợ chồng chị Tùng mới được đón con yêu về. (Ảnh minh họa)

7 năm thai lưu, vợ chồng chị Tùng mới được đón con yêu về. (Ảnh minh họa)

“7 năm cưới nhau là 7 lần mình mang bầu. Nhưng lần nào mình cũng bị thai lưu. Tình trạng thai lưu thường diễn ra khi mình bầu 5-6 tuần, lớn hơn thì khoảng lúc 12-14 tuần. Lần nào đình chỉ thai kỳ cũng khiến mình ám ảnh, sợ hãi”, chị Tùng nói.

Đến lần thứ 8 mang thai, người vợ 36 tuổi ở Thanh Oai cảm thấy rất áp lực. Chị lo sợ thai nhi lại có vấn đề như các lần trước. 

“Mình tìm đến bác sĩ Nguyễn Trọng Hùng (Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) khi có bầu mới chỉ được 7 tuần tuổi. Sau đó, được bác sĩ xem lại 1 loạt các xét nghiệm trước đó. Bác sĩ còn nhận ra không có lí do gì để tiêm lovenox điều trị sảy thai, thai lưu nhiều lần vì điều này chỉ gây tốn chi phí, tăng nguy cơ cho bệnh nhân”, chị Tùng kể.

Theo mẹ bầu chia sẻ, sau thăm khám lại, chị bị mất cân bằng hormon 1 chút nên hàng ngày chỉ cần uống 1 lượng thuốc nhỏ để điều trị tình trạng này. May mắn suốt 9 tháng mang thai, dù quá trình giữ thai chật vật và không dễ dàng nhưng cuối cùng chị đã được ôm con sơ sinh đầy mãn nguyện trong vòng tay.

Cụ thể khi mang thai ở tuần thứ 12 của thai kỳ, chị Tùng có nguy cơ cao bị tiền sản giật nên được bác sĩ tiếp tục cho dùng thuốc dự phòng.

Đến tuần thứ 14 của thai kỳ, cổ tử cung bị ngắn, yếu do trước đó chị bị sảy thai, thai lưu nhiều lần nên buộc phải làm quá nhiều thủ thuật. Do đó, chị Tùng được chỉ định khâu eo tử cung giữ thai.

Khi ở tuần thứ 24, chị Tùng còn bị tiểu đường thai kỳ nên phải ngay lập tức điều chỉnh ăn theo chế độ và thực hiện xét nghiệm hàng ngày.

Ở tuần thứ 28 tuần, cổ tử cung của chị Tùng lại hở lỗ trong và tiếp tục ngắn lại. Vì thế mẹ bầu được đặt vòng nâng cổ tử cung Arabin.

Nhờ sự kiên trì, cố gắng không bỏ cuộc tìm con suốt 7 năm qua mà cuối cùng khao khát của vợ chồng chị Tùng đã được đền đáp. (Ảnh: BSCC)

Nhờ sự kiên trì, cố gắng không bỏ cuộc tìm con suốt 7 năm qua mà cuối cùng khao khát của vợ chồng chị Tùng đã được đền đáp. (Ảnh: BSCC)

Thăm khám, điều trị và đồng hành cùng mẹ bầu 36 tuổi trên trong suốt thai kỳ đầy nhọc nhằn vất vả, bác sĩ Hùng cho biết thêm, trong suốt thai kỳ của mình, anh xã chị Tùng chưa từng vắng mặt 1 buổi khám thai nào. Anh luôn là người ở bên dìu vợ từ lúc vào khám đến khi ra xe.

Có lẽ nhờ sự kiên trì, cố gắng không bỏ cuộc tìm con suốt 7 năm qua mà cuối cùng khao khát của vợ chồng chị Tùng đã được đền đáp.

“Ở tuần thứ 38 khi tháo vòng nâng cổ tử cung ra thì sau 15 phút sản phụ Tùng đã có cơn chuyển dạ. Vì thế chị nhập viện đi đẻ khi cổ tử cung đã mở 4cm. Do đã có tuổi nên vợ chồng quyết định sinh mổ. Bé trai 3kg kháu khỉnh đã chào đời trong niềm hạnh phúc của 2 vợ chồng, niềm vui trọn vẹn của gia đình 2 bên”, bác sĩ Hùng nói.

Theo nam bác sĩ sản khoa này, có nhiều nguyên nhân gây thai chết lưu nhiều lần nhưng cũng có nhiều trường hợp thai lưu không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên khi được chẩn đoán thai lưu và thai lưu nhiều lần, mẹ bầu cần:

- Khi đã được chẩn đoán xác định là mang thai lưu, thai phụ sẽ được bác sĩ chỉ định cho thai ra bằng các phương pháp nạo hút thai, gắp thai, gây sảy thai, gây chuyển dạ tùy theo tuổi thai. Đồng thời, bà bầu được chú ý điều trị chống rối loạn đông máu và chống nhiễm trùng.

- Sau khi lấy thai ra rồi, chị em cần có một thời gian phục hồi sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần. Với thai lưu trên 15 tuần cần được nghỉ ngơi trong khoảng 30 ngày. Khi cảm thấy đã khỏe mạnh, tư tưởng thoải mái, có ham muốn tình dục thì có thể quay lại sinh hoạt vợ chồng nhưng phải tránh thai tối thiểu 3 tháng mới nên mang thai lại. Trong thời gian ngắn này, các cặp vợ chồng nên áp dụng biện pháp tránh thai bằng bao cao su hoặc xuất tinh ngoài âm đạo.

- Để chuẩn bị cho lần mang thai sau, cả hai vợ chồng nên khám tổng quát, duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các nhóm chất gồm tinh bột, đạm, chất béo và vitamin cần thiết.

- Sau thai lưu, chị em nên bổ sung axit folic, tăng cường rèn luyện sức khỏe để có một thai kỳ tiếp theo an toàn hơn. Đến khi đã có thai, thai phụ nên đi khám thai sớm và định kỳ ở những cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn, hỗ trợ, đưa ra những lời khuyên đúng đắn, giúp mẹ bầu và thai nhi có thai kỳ an toàn, khỏe mạnh để vượt cạn thành công.

Sau 2 lần thai lưu, mẹ 9X tiêm hơn 500 lên bụng để giữ con, nhìn mà xót xa
Sau hai lần lưu thai, mẹ bầu đã cẩn thận hơn trong lần mang thai thứ 3 và lần này người mẹ phải tiêm hơn 500 mũi vào lưng, vào bụng để giữ thai.

Tin tức mẹ bầu

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện mang thai