Làm dâu Ireland, chị Thủy không thích khi cha mẹ, con cái rõ ràng tài chính. Thậm chí, anh em ruột người giàu, người nghèo nhưng không hề hỗ trợ nhau làm thiếu sự gắn kết tình cảm anh em trong gia đình.
5 năm kết hôn, hiện tại, chị Lê Thị Thủy (34 tuổi, Thanh Hóa) đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc bên ông xã James Seymour (41 tuổi, Ireland) và 2 nhóc tì nhí đáng yêu ở Ireland thơ mộng. Vợ chồng chị và bố mẹ chồng ở cách xa nhau 400km nên kể từ khi theo chồng sang đây sinh sống, chị không phải bận tâm chuyện “sống chung với mẹ chồng”. Thậm chí, bố mẹ chồng nay đã 72 tuổi vẫn lái xe đến thăm gia đình chị và các cháu thường xuyên.
Chị Thủy và bố mẹ chồng Ireland.
Chị Thủy và anh James quen nhau qua mạng vào những ngày tháng 3/2014. Hồi đó, chị mới chia tay người yêu cũ nên vào mạng nói chuyện, rèn vốn tiếng Anh với người nước ngoài trên diễn đàn. Nào ngờ gặp đúng anh James – mối duyên mà chị vẫn gọi là định mệnh. Anh James lúc này đang làm việc ở Hàn Quốc, còn chị Thủy làm trợ lý giám đốc cho một công ty của Đức tại TP. HCM.
Khác với nhiều chàng trai khoe vẻ bóng bẩy, hay ăn nói cộc lốc, anh James để lại ấn tượng với chị về một người đàn ông điềm đạm với khuôn mặt phúc hậu. Còn chị Thủy khiến anh James cảm nắng vì sự hóm hỉnh, đặc biệt là hình đại diện mặt mộc dễ thương không chỉnh sửa.
Tuy nhiên, vì 2 người ở cách xa nhau nên khi anh James nói hơn chị 8 tuổi chưa lập gia đình, chị không thể tin nổi. Chị sợ anh lừa mình nên khi anh ngỏ lời tiến xa hơn chị đã khăng khăng từ chối. Để tạo sự tin tưởng cho chị, anh James đã phải về Việt Nam gặp chị và chấp nhận bỏ công việc thiết kế lương rất cao ở Hàn để sang Việt Nam.
Anh chấp nhận xin việc lại từ đầu, đi dạy tiếng Anh ở các trung tâm, nhận vẽ truyện tranh theo đơn đặt hàng từ xa... để dành thời gian "cưa" chị. Những ngày tháng sau đó, anh James thực hiện chiến dịch "mưa dầm thấm lâu", cuối cùng sau gần nửa năm, anh cũng nhận được cái gật đầu từ Thủy.
Sau 9 tháng quen nhau, anh chị dọn về ở chung. Đầu 2015, cả 2 đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới trên bãi biển của một khách sạn 5 sao ở Vũng Tàu khi con gái được 2 tuổi vào năm 2018. Sau 4 năm sinh sống ở Sài Gòn, anh chị quyết định chuyển về Vũng Tàu vào sau Tết Nguyên Đán năm 2018. Và năm 2019, anh chị quyết định về Ireland sinh sống.
Tổ ấm nhỏ của chị Thủy sau 5 năm kết hôn.
Đến bây giờ chị Thủy vẫn nhớ mãi lần đầu tiên đặt chân đến Ireland thăm bố mẹ chồng và gia đình chồng 1 tháng vào năm 2016. Ấn tượng của chị về mảnh đất quê hương chồng là cái gì cũng đẹp, từ con đường cỏ mọc đến những hàng rào. Chị được bố mẹ chồng và mọi người đón chào vô cùng thân thiện, vui vẻ. Bố mẹ chồng chị còn chuẩn bị và bài trí ngôi nhà vô cùng sạch sẽ để chào đón gia đình chị.
Vì gia đình chồng thoải mái nên 1 tháng “sống chung với bố mẹ chồng”, chị không gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, chị không biết nấu ăn cũng không sao, bố mẹ chồng luôn giành việc để cho chị nghỉ ngơi.
“Mẹ chồng mình thoải mái nên mình không làm dâu như ở Việt Nam đâu. Mẹ nói kỳ nghỉ nên cứ nghỉ ngơi. Mình ngủ đến 8-9h sáng dậy, ăn sáng rồi mọi người chở đi chơi. Từ giặt đồ, phơi đồ mẹ cũng làm hết. Cháu vệ sinh xong mẹ cũng giành vứt bỉm vì ở bên này bỉm phải cho vào ni lông cột kỹ mới bỏ rác và rác phải phân loại nữa. Lúc đó mình cũng không biết”, chị Thủy cho hay.
Chia sẻ về cảm nhận cuộc sống ở vùng đất mới, chị Thủy cho biết, ở Ireland khác Việt Nam, các cặp vợ chồng có nhà mới cưới hoặc thuê nhà, không ở chung với bố mẹ chồng. Đặc biệt ở đây, mọi người không nói xấu người khác, thường gặp nhau bàn về chủ đề xã hội, bóng đá, tin tức. Thậm chí, anh trai chồng chị dù đã ly hôn nhưng mẹ chồng chưa bao giờ chê vợ cũ anh trai một lần mà chỉ toàn dành những lời khen có cánh. Đó là nét văn hóa chị rất thích và cần phải học hỏi rất nhiều điều. Tuy nhiên, ở đây cũng có một điều điều chị không thích, đó là cha mẹ và con cái rõ ràng về tài chính. Mặc dù trong gia đình có người giàu, người nghèo nhưng anh em không bao giờ hỗ trợ nhau trong vấn đề tài chính. Điều đó khiến chị cảm thấy thiếu sự gắn kết tình cảm anh em trong gia đình.
“Ở đây, mọi người vẫn quan tâm nhau, gọi điện, nhắn tin, ngày lễ gửi quà cho cháu. Bà nội tháng nào cũng gửi thùng to quần áo nên mình không phải mua gì cho con. Mấy bác của chồng giàu có dịp Noel nào cũng tặng quà cho cháu rất nhiều, nhưng không bao giờ cho tiền, không giống như Việt Nam. Họ sống không để ý tiền bạc, ai làm người ý hưởng vì người ta quan niệm cho nhau tiền bạc sẽ dẫn đến chuyện ỉ lại”, chị Thủy chia sẻ.
Được biết, bố mẹ chồng chị Thủy năm nay đã 72 tuổi và ở cách xa vợ chồng chị tận 400km khoảng 4-5 tiếng chạy xe. Mặc dù ở xa như vậy nhưng bà vẫn chở ông lên thăm gia đình chị thường xuyên. Dẫu lần nào cũng đi lạc 7-8 tiếng mới đến nơi, chơi ở nhà chị được 2 tiếng rồi lại mất 7-8 tiếng về nhà nhưng ông bà chưa bao giờ than vãn, phàn nàn mà luôn nở nụ cười tươi. Và lần nào ông bà đến nhà chị chơi cũng mua sẵn đồ ăn ngoài tiệm mang vào để không làm phiền con dâu nấu nướng.
“Lần đầu bố mẹ xuống sợ phiền mình nấu ăn nên mua sẵn đồ ăn ngoài tiệm mang vào hâm nóng hai ông bà ăn. Bữa đó bố mẹ xuống không báo trước làm cả nhà bất ngờ, đến lúc bấm chuông mới biết.
Lần sau bố mẹ báo trước nên mình năn nỉ bố mẹ để mình nấu. Lần đó mình nấu sườn heo, nướng gà, nướng rau củ, làm dưa chua Việt Nam và nấu mì ý, ông bà và chú bạn thông gia ăn gì cũng khen ngon làm mình mừng quá trời. Mình không giỏi nấu ăn còn mẹ chồng nấu ăn tuyệt đỉnh nên mình cũng sợ không hợp khẩu vị mẹ. Người Tây họ lịch sự là không bao giờ nói xấu ai hay chê ai nhưng bữa đó mình nghĩ món ăn ngon thật vì mẹ hỏi mình cách ướp đồ ăn”, chị Thủy cười cho biết.
Không chỉ vậy, mỗi lần đến chơi, bố mẹ chồng chị lại chở nguyên một xe ô tô đồ xuống, chưa kể đồ gửi hàng tháng khiến nhà chị không còn chỗ để chứa. Đến nay, một năm qua Ireland sinh sống, chị chưa phải mua một đồ gì cho 2 con vì tháng nào bà cũng gửi đồ chơi, sách vở, giầy dép, cặp.... tất tần tật cho các cháu và có những đồ chơi chị phải mang đến shop từ thiện mà vẫn chưa hết. Kể cả từ những đồ làm cỏ ngoài vườn, lót ly, cây rửa chén,…. đến bao tay kem dưỡng da để bảo vệ chị khi rửa bát bằng tay, bà cũng chu đáo chuẩn bị, gửi rất nhiều khiến nhiều lúc chị phải than phiền.
Bố mẹ chị trong một lần đến chơi nhà chị.
Chia sẻ về bố mẹ chồng, chị Thủy tâm sự, bố chồng chị là người vô cùng vui tính. Ông và chồng chị thường trêu nhau như những người bạn. Khi ông vừa ngồi vào bàn ăn, chị nhắc bố ăn nhiều, trong khi đó chồng chị lại trêu “Em nhìn bụng bố xem có nên ăn nữa hay không. Anh nghĩ bụng này không ăn 1 tuần cũng chẳng sao” nhưng ông vẫn vui vẻ, không hề giận.
Còn mẹ chồng chị là một người phụ nữ nhẫn nhịn chồng giống như những người phụ nữ Việt Nam. Mẹ luôn vui và hạnh phúc chứ không bao giờ than vãn. Mẹ còn thuộc tuýp mạnh mẽ, luôn giành hết việc của bố chồng. Từ sửa trần nhà, tắc toilet mẹ chị đều làm hết, bố chồng chỉ việc đi kiếm tiền. Khi xuống nhà chị thấy bồn rửa chén bị tắc nước, mẹ cũng cởi áo phi vào sửa ngay cho chị, rồi đòi rửa cả chén cho chị.
Bố chồng chị vô cùng vui tính.
Mẹ còn luôn quan tâm chị từng ly từng tí. Thấy chị bị đau vai gáy, tay, mẹ liền gửi thuốc uống, gel mát xa xuống liền. Ngày nào cũng gọi không biết bao nhiêu cuộc điện thoại hỏi thăm. Dẫu chị bận không nghe máy được bà vẫn không nản, gọi và nhắn tin chỉ cách xoa bóp, mát xa, cử động tay vai và dặn dò chị ăn uống. Thấy chị bị đau bụng, bà hỏi nguyên nhân rồi khuyên răn đủ thứ khiến chị cảm nhận mình như một đứa trẻ. Thậm chí, ở cách xa 400km nhưng hễ chị cần là bà lại giúp chị nhanh hơn cả chồng.
“Có tháng tiền điện nhà mình tăng gấp 6 lần, mình kêu anh James gọi nhân viên kiểm tra, anh cứ ok mãi mà 2 ngày không thấy gọi. Mình nhắn tin than với mẹ chồng, mẹ bảo mình ra chụp ảnh công tơ và mẹ phát hiện có gì đó sai. Chỉ 2 tiếng sau có anh thợ điện qua kiểm tra hệ thống điện. Trước khi anh đến mẹ còn nhắn tin cho mình “Mẹ gọi nhân viên rồi, tí họ đến”.
Khi mình tìm giáo viên dạy lái xe thực hành mãi không được, chỉ cần nói mẹ là mai có giáo viên đến tận nhà rước và đã được thanh toán trước tiền học. Ông ấy bảo dạy miễn phí nhưng mình không tin hỏi mẹ chồng mới biết bà tặng quà sinh nhật cho chồng mình vì hôm sinh nhật bà chưa gửi quà nên gửi bù”, chị Thủy kể.
Mẹ chồng chị quan tâm từng ly từng tí.
Tuy mẹ chồng chu đáo từng chút một và quan tâm tỉ mỉ từng thứ nhỏ nhặt nhất nhưng bà thích kiểm soát và hay làm mọi việc theo ý mình. Chị còn nhớ khi 2 vợ chồng ở Việt Nam bàn nhau mua nhà ở đây, mẹ đã phản đối gay gắt. Mẹ giữ sổ tiết kiệm của chồng chị mà không đưa cho anh khiến chị giận, nhắn tin thẳng thắn cho mẹ rằng:
“Từ nay mẹ đừng xen vào cuộc sống của vợ chồng con nữa, mẹ có quyền góp ý nhưng hãy để vợ chồng con quyết định. Chúng con lớn cả rồi và con là người sẽ ở bên và lo cho chồng con suốt đời chứ không phải mẹ. Con hy vọng mẹ đừng cố kiểm soát những quyết định và kế hoạch của tụi con nữa. Vợ chồng con thực sự không vui về điều đó”.
Sau tin nhắn ấy của chị, những tưởng mẹ chồng sẽ giận nhưng ngược lại, bà vẫn vui vẻ trò chuyện hỏi thăm chị và bọn trẻ 2 ngày sau. Dẫu vậy, do không sống chung, không đụng chạm nhiều nên chị chẳng mấy để ý về điều đó. Chị cảm thấy mình là người vô cùng may mắn, sống giữa đất khách quê người, được chồng yêu chiều và bố mẹ chồng yêu thương hết mực, trong khi rất nhiều cô dâu Việt bị bạo hành và phân biệt đối xử.
"Mình chẳng mong cầu điều gì hơn nữa, chỉ cần gia đình ông bà, vợ chồng con cái khoẻ mạnh, cuộc sống mãi như thế này là đủ. Sống mà biết đủ là hạnh phúc lắm rồi", chị Thủy cười thầm nghĩ.