Khi mới lấy chồng, chị Xuân hiểu trách nhiệm của chồng nên chị xác định sẽ cùng anh gánh vác. Chị hỗ trợ gia đình nuôi các em ăn học, dựng vợ gả chồng cho các em.
Không ít nàng dâu bị nhà chồng cấm cản khi yêu, nhưng khi về làm dâu rồi lại thân thiết không kém gì mẹ ruột và con gái. Chị Bùi Thanh Xuân (giáo viên tiểu học ở TH.HCM, quê Ninh Bình) và cô Hoàng Thị Hoa (sinh năm 1954, quê Bắc Giang) là một ví dụ điển hình.
Tổ ấm của chị Bùi Thanh Xuân.
Lần đầu về nhà con dâu, mẹ chồng thẳng thắn tuyên bố một câu khiến cả nhà xanh mặt
Chị Xuân cho biết, năm thứ 2 đại học, chị gặp chồng là anh Hòa tại Hà Nội và cả hai đã yêu nhau. Trong thời gian yêu nhau, anh cũng dắt chị về ra mắt gia đình. Tuy nhiên, ấn tượng ban đầu của cô Hoa về nàng dâu không được tốt, bởi khi đó chị Xuân vừa cao vừa gầy, chỉ nặng khoảng 39 - 40kg nên bà e ngại về khả năng sinh nở của con dâu tương lai. Thế nhưng, bà Hoa không phản đối mối quan hệ này.
Sau khi ra trường, chị Xuân về quê dạy học đúng chuyên ngành và nhanh chóng được vào biên chế. Lúc này, cô Hoa ngay lập tức quay ngoắt thái độ khi nhìn thấy “nguy cơ” cậu con trai cả có thể theo bạn gái về Ninh Bình sống.
Vì thế, cô Hoa dò hỏi người nhà xin việc cho chị Xuân ở Bắc Giang. Nhưng, người quen nói trường hợp của chị khó xin ở tỉnh khác ngoài Ninh Bình quê chị. Nếu chị Xuân theo chồng về Bắc Giang sẽ không xin được việc, cuộc sống sẽ rất khó khăn. Cô Hòa đã trải qua cuộc sống nghèo khó, cô không muốn con cái sẽ như vậy nên dứt khoát mối hôn sự này.
“Năm 35 tuổi tôi đã ly hôn chồng, một mình nuôi 4 đứa con ăn học. Tôi đã không có chồng rồi, không thể để mất con trai cả nữa”, cô Hoa chia sẻ lại suy nghĩ lúc đó của mình.
Chị Bùi Thanh Xuân.
Nghĩ thế nên cô Hoa đã vượt quãng đường 160km tới Ninh Bình, gặp bố mẹ chị Xuân nói chuyện. Điều này khiến gia đình chị Xuân vô cùng bất ngờ.
Chị Xuân kể lại: “Lúc mẹ xuất hiện ở nhà tôi, tôi ngỡ ngàng lắm. Mẹ ngồi nói đúng 15 phút, nói rất rõ ràng quan điểm của mình là không đồng ý cho anh Hòa lấy tôi vì quá xa xôi. Mẹ còn nói thẳng với tôi: ‘Cháu ở nhà cháu lấy chồng đi’. Cả nhà tôi choáng váng vì không hiểu chuyện gì xảy ra, vì trước đó về nhà mẹ rất vui vẻ, không phản đối gì cả”.
Mặc dù rất bối rối về những gì mẹ chồng tương lai nói, nhưng chị Xuân vẫn không có ý định từ bỏ anh Hòa vì anh rất tốt. Hai năm sau, chị bỏ tất cả lên Hà Nội cùng anh.
“Ngày đó một suất giáo viên vào biên chế rất danh giá, không phải ai cũng có cơ hội, nhưng tôi không nuối tiếc. Lên Hà Nội, cuộc sống rất khó khăn. Tôi đi dạy hợp đồng cho một trường dân lập, một tuần chỉ được dạy vài tiết. Ngoài ra tôi phải đi làm thêm, dạy gia sư để kiếm tiền xoay sở cuộc sống”, chị Xuân chia sẻ.
Nàng dâu được mẹ chồng chấp nhận, về làm dâu 22 năm hai mẹ con thân thiết như ruột thịt
Hai năm sau, thấy sự quyết tâm của hai con nên cô Hoa mủi lòng, đồng ý cho cả hai cưới nhau. Khi đó, anh chị đã yêu nhau được 7 năm. “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Nó bỏ công việc như thế để theo con trai mình thì mình đành phải yêu thương nó”, cô Hoa chia sẻ.
Sau cưới, vợ chồng chị Xuân ở Hà Nội để làm việc chứ không sống chung với mẹ chồng ở quê. Cưới xong 2 tháng, anh Hòa có cơ hội công việc ở trong Nam nên thu xếp dọn vào trước. Chị Xuân theo sau không lâu sau đó, trước khi đi chị về Bắc Giang phụ mẹ chồng 1 tuần.
Khi công việc của vợ chồng chị Xuân ổn định và phát triển hơn, anh chị đón các em vào làm ăn cùng, các em cần gì chị đều hỗ trợ. Sở dĩ như vậy vì khi mới lấy chồng, chị Xuân hiểu trách nhiệm của chồng nên chị xác định sẽ cùng anh gánh vác. Chị hỗ trợ gia đình nuôi các em ăn học, dựng vợ gả chồng cho các em.
“Tôi nghĩ mình yêu thương các em thì các em cũng sẽ yêu thương mình. Đến giờ, các em cũng coi tôi như chị gái chứ không phải chị dâu. Các cháu toàn gọi bác là ‘mẹ Xuân’. Đó là niềm hạnh phúc của tôi”, chị Xuân chia sẻ.
Cô Hoa sau đó cũng vào Nam sống cùng các con. Chia sẻ về quan niệm mẹ chồng nàng dâu, cô nói: “Hai đứa đã lấy nhau rồi thì đó là con của mình. Ta chẳng mang nặng đẻ đau gì, ta không phải nuôi nó ăn học, cưới con mình là mình có thêm một đứa con. Đừng có cậy ta đây là mẹ chồng, không bao giờ nhắc lại những chuyện xưa cũ. Cưới về là mẹ con vui vẻ, coi như con gái”.