Cơ sở làm đàn này nằm trên quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP.HCM, mỗi tháng xuất xưởng đến 2.000 cây đàn cho thị trường trong và ngoài nước.
Nhà xưởng rộng đến gần 1.000 m2, với hơn 100 thợ đang tỉ mẩn sản xuất, gia công đàn. Tùy theo thiết kế và loại gỗ, những cây đàn xuất xưởng tại đây có giá thấp nhất từ 300.000 đồng và cao nhất lên đến hơn 10 triệu đồng.
Ngày xưa đàn được làm chủ yếu bằng phương pháp thủ công, nay đã có máy móc hỗ trợ như máy bào, máy khoan, máy chà, máy cưa cây… giúp năng suất cao hơn. Theo một thợ ở cơ sở này, khi làm thủ công, một người chỉ làm được khoảng 70 cây đàn/tháng, nhưng nay có máy móc, họ làm hơn 100 cây đàn/tháng.
Gỗ làm đàn chủ yếu là thông, đào, được nhập từ Bắc Phi, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan...
Chú Tư 69 tuổi, đã theo nghề làm đàn từ năm 19 tuổi, nay hằng ngày vẫn cần mẫn với công việc uốn vỏ đàn - công đoạn khó nhất.
Những người thợ làm đàn ở đây mỗi người đảm nhận một công đoạn để cùng ghép lại, cho ra một chiếc đàn thật ưng ý.
Bình quân 1 tháng cơ sở sản xuất được khoảng 2.000 cây đàn.
Công đoạn tốn nhiều thời gian của nghệ nhân là gia công, ép phẳng cần đàn.
Anh Nguyễn Văn Trạng, chủ xưởng đàn cho biết: “Điều quan trọng của người theo nghề này là phải thật tỉ mỉ, khéo tay trong các công đoạn sản xuất. Trừ khâu làm cần, bào nhẵn và sơn có sử dụng máy móc, còn tất cả các phần việc khác đều làm bằng tay và đòi hỏi độ chính xác rất cao, nếu không, đàn rất dễ bị lỗi khi ghép lại”.
Nhiều thợ đàn ở đây còn khá trẻ, quê ở miền Tây tìm đến xưởng để học nghề.
Đánh bóng đàn trước khi sơn.
Những cây đàn guitar được một nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm kiểm tra kỹ lưỡng trước khi tra dây.
Có cả thợ nữ tỉ mẩn học nghề tại xưởng.
Khá nhiều sinh viên các trường nghệ thuật, nhạc viện tìm đến cơ sở này để đặt làm đàn. Đàn guitar của cơ sở được bán nhiều ở TP.HCM và các tỉnh thành trong cả nước, xuất khẩu sang Mexico, Mỹ...