Trước lo ngại sẽ tái diễn tình trạng thiếu điện trầm trọng trong mùa khô tới, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) khẳng định, điện sẽ không thiếu.
Ông Đặng Huy Cường – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 5/5.
Theo ông Cường, tình hình cung cấp điện cả nước trong tháng 4 cũng như 4 tháng đầu năm 2014 ổn định. Tính chung 4 tháng đầu năm 2014, điện sản xuất ước đạt 41,94 tỷ kWh, tăng 10,28% so với cùng kỳ.
Vì vậy, ông Cường cho rằng, những tháng mùa khô tới đây nguồn điện cung ứng cho cả 3 miền Bắc – Trung – Nam vẫn sẽ ổn định, không sợ thiếu.
“Tuy tình hình cung ứng điện tại khu vực phía Nam có căng thẳng đôi chút, nhưng khi đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước – Cầu Bông đưa vào vận hành thì không lo thiếu điện tại khu vực này. Còn riêng khu vực miền Bắc, Trung sẽ đảm bảo không bị thiếu điện, nếu không có bị cố bất thường xảy ra”- Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực nói.
Về tình hình vận hành đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, ông Cường cũng cho hay, mặc dù có chậm hơn kế hoạch dự tính ban đầu nhưng trưa 5/5 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đóng thử điện đường dây này và vận hành tương đối ổn định.
Người dân sẽ không phải chịu cảnh thiếu điện trong mùa khô tới.
Trước mắt, để đảm bảo đủ điện cho miền Nam, Bộ Công thương đã đồng ý để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giảm cung cấp khí cho các nhà máy sản xuất đạm tại Cà Mau, thay vào đó sẽ “dồn” khí PM3 cho sản xuất điện.
Liên quan tới Chỉ thị 11 về việc công khai minh bạch giá điện, báo cáo tài chính có kiểm toán của EVN, đại diện Bộ Công thương khẳng định sẽ đảm bảo công bố đúng theo thời hạn 180 ngày được quy định trong chỉ thị. Khi đủ thời gian theo yêu cầu của Chị thị 11, các đơn vị công khai quyết toán thì người dân sẽ tiếp cận được các số liệu này.
Trước “kêu ca” của EVN, rằng theo Nghị định 69 tới đây 6 tháng “nhà đèn” mới được điều chỉnh giá bán điện một lần là “quá dài” so với quy định trước đây chỉ 3 tháng, ông Cường bày tỏ quan điểm, trước mắt để đảm bảo ổn định về giá điện trong khoảng thời gian tương đối nên Nghị định 69 quy định EVN phải đảm bảo giá tối thiểu trong 6 tháng. Sau thời gian này, muốn điều chỉnh giá điện cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như các thông số đầu vào, lỗ, lãi của EVN… chứ không phải cứ muốn tăng là tăng ngay được.