Bộ trưởng Bộ KH-CN tin rằng với công nghệ bảo quản hiện đại, quả dưa hấu không chỉ bảo quản được vài tháng mà còn có thể tới vài năm.
Tối 9/6, tại chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời phát sóng trên VTV, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trả lời về vấn đề công nghệ bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân (Ảnh: Chinhphu.vn)
Dưa hấu sẽ được bảo quản vài năm
Một người dân ở Hải Dương cho biết, dưa hấu ở Hải Dương bán tại ruộng giá chỉ 1.000 đồng/ kg, chỉ bằng một chiếc vé gửi xe đạp. Các loại nông sản khác như vải thiều, nhãn lồng, cà phê, hồ tiêu... cũng thường chịu cảnh được mùa - mất giá, bán đổ bán tháo. Vấn đề đặt ra, khi nào Nhà nước sẽ có công nghệ để có thể giúp người nông dân không thất bát, mặc dù được mùa?
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc chế biến và bảo quản sau thu hoạch để hỗ trợ cho nông dân. Tuy nhiên do nguồn lực của nhà nước cũng có hạn, thêm vào đó là công nghệ bảo quản chế biến vẫn chưa theo kịp được trình độ và năng lực sản xuất của nông dân, chính vì thế tình cảnh “được mùa mất giá” xảy ra phổ biến.
Trước đây, chúng ta đã chứng kiến quả vải thiều Lục Ngạn, bây giờ là dưa hấu. Hiện nay, thông qua hợp tác quốc tế, đang đưa vào Việt Nam những công nghệ bảo quản của Nhật Bản, Israel để đảm bảo cho nông dân có được sản phẩm có giá trị tối đa.
Riêng rau quả, đối tác của Nhật Bản đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ bảo quản cho Việt Nam.
“Đây là công nghệ rất hiện đại, có giá lên đến hàng triệu USD. Sắp tới nếu thành công, tin rằng quả dưa hấu của Hải Dương không chỉ bảo quản được vài tháng, có thể tới vài năm”, ông Quân cho biết.
Bộ trưởng Bộ KH-CN tin rằng với công nghệ mới, dưa hấu có thể bảo quản được vài năm (Ảnh minh họa: Pháp luật TPHCM)
Chạy theo sản lượng hay thôi?
Một người dân ở đồng bằng Sông Cửu Long hỏi, tại sao hạt lúa của chúng ta có giá thấp hơn nhiều so với các nước như Thái Lan, Nhật Bản… khiến nhiều người nông dân phải bán lúa dưới cả giá thành? Chúng có những mặt hàng chiến lược như gạo, cà phê, cao su... nhưng chủ yếu xuất khẩu thô, giá trị rất thấp mặc dù chúng ta có sản lượng hàng đầu thế giới?
Theo bộ trưởng Nguyễn Quân, Khi chạy theo sản lượng, việc bảo đảm mức độ đồng đều về giống, chất lượng sau thu hoạch, chất lượng chế biến... chưa theo kịp.
“Bây giờ là lúc chúng ta nên cân nhắc lại có nên chạy theo sản lượng hay thôi. Tôi cho rằng không nên chạy theo sản lượng mà nên nâng cao chất lượng của hạt gạo. Có thể doanh thu từ xuất khẩu gạo của chúng ta tiếp tục tăng, trong khi đó chúng ta lại không phải mở rộng diện tích, ông Quân nói.
Điều này buộc các nhà khoa học phải quan tâm, tạo ra được những giống phù hợp, đồng thời toàn bộ diện tích trồng lúa phải tương đối thuần nhất về giống để đảm bảo chất lượng hạt gạo xuất khẩu đồng nhất thì mới có được giá xuất khẩu tốt.
Đương nhiên, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch vô cùng quan trọng. Hiện nay, gạo Thái Lan hơn Việt Nam do khâu chế biến. Họ bảo đảm được hình thức, chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng của hạt gạo...
Theo chương trình sản phẩm quốc gia, nước ta chọn một số sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, tập trung đầu tư từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng.
Bộ trưởng Nguyễn Quân hy vọng, nước ta sẽ có những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam mang lại giá trị gia tăng cho nên kinh tế và tránh sự đầu tư dàn trải.
Trước mắt, lúa gạo, cá da trơn, nấm ăn và nấm dược liệu được coi là sản phẩm nông nghiệp quốc gia.
Một doanh nghiệp yến sào cho biết, từ khi có thông tin về nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm qua chim yến, ngành sản xuất và xuất khẩu yến thiệt hại vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên không hề có sự hỗ trợ nào từ phía các Viện nghiên cứu, Sở Khoa học và Công nghệ hay Bộ Khoa học và Công nghệ. Doanh nghiệp này đặt câu hỏi vai trò của Bộ như thế nào khi trong những thời điểm cấp bách như vậy lại không hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp? Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, có thể nói vấn đề đặt ra rất thời sự, phản ánh được thực trạng Khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay. Tức là chúng ta nghiên cứu ứng dụng công nghệ không theo kịp sự phát triển kinh tế cũng như nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, việc triển khai phòng chống cúm gia cầm đòi hỏi rất nhiều thời gian. Trong khi đó biến thể từ cúm gia cầm phát triển nhanh chúng ta lại chưa làm ra được vắc xin để khống chế một chủng vi rút này thì lập tức lại biến thể thành chủng vi rút mới. Việc nghiên cứu ra những vắc xin hoặc là những giải pháp phòng trừ dịch bệnh không phải là ngày một ngày hai được. Nhưng ở đây vẫn có phần yếu kém của cơ chế, đó là tính đáp ứng kịp thời. Do vậy chúng tôi cũng mong cơ chế quỹ sẽ được áp dụng sớm và cho phép các nhà khoa học có thể chủ động. |