Chất lượng nguyên liệu làm bánh: Không ai kiểm soát!

Ngày 16/09/2014 22:51 PM (GMT+7)

Đáp ứng nhu cầu tự làm bánh tại nhà, thị trường xuất hiện hàng loạt cửa hàng bán nguyên liệu, dụng cụ làm bánh, song chất lượng mập mờ, thiếu kiểm soát.

Nhan nhản nguyên liệu “3 không”

Khảo sát hàng loạt địa chỉ bán nguyên liệu làm bánh tại Hà Nội, PV Báo Giao thông nhận thấy rất nhiều nguyên liệu được chia nhỏ vào túi nilon, túi giấy, hộp nhựa… chỉ từ 5-10 gr với các loại bột nở, baking soda, vani bột, đường nho…; Từ 20-50 gr với các loại tinh bột ngô, ca cao, socola bột, bột phomai... Ngay cả các loại bột thông dụng như bột mì, bột gạo nếp, bột ngô… cũng thường được chia vào các túi 300-500 gr, song hầu hết chỉ có nhãn mác do cửa hàng tự in, thậm chí viết tay. 

"Những thực phẩm không nhãn mác, không ghi nơi sản xuất, không ghi hạn sử dụng bày bán trên thị trường là vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, người tiêu dùng không nên mua về sử dụng để tránh những rủi ro đáng tiếc”.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm(Đại học Bách khoa)

Tại cửa hàng Jolis Chef ở số 22, ngõ 1 Hoàng Quốc Việt, các nguyên liệu như: Bột mì, cơm dừa, tinh bột ngô, vani, ca cao… đều chỉ dán nhãn của cửa hàng tự in, ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất… do cửa hàng tự công bố. Thậm chí, có sản phẩm chỉ đựng trong bịch giấy, đề chữ “bột nếp xay”, không hề có hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ. Người bán hàng ở Jolis Chef cho hay, do nhu cầu người làm bánh tại nhà chỉ mua mỗi loại nguyên liệu một ít, nên cửa hàng phải xé lẻ ra để bán và như vậy thì hàng hóa không thể có nhãn mác hay bao bì của nhà sản xuất. “Chúng em đã căn cứ vào nhãn mác của gói hàng gốc để ghi nhãn mác cho sản phẩm chia lẻ. Sản phẩm của cửa hàng có nhãn của cửa hàng, tức cửa hàng sẽ đảm bảo chất lượng cho khách”, nhân viên này khẳng định.

Tại cửa hàng Bunny Shop số 8, ngõ 114 Hàm Tử Quan, các loại bột nở, bột bông lan, bột mì, bột ngô… được phân biệt bằng nhãn do cửa hàng dán trên từng túi nilon sản phẩm, song chỉ đề tên hàng hóa, giá bán, trọng lượng, hoàn toàn không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ của sản phẩm. Khi chúng tôi băn khoăn không biết sử dụng sản phẩm đến thời hạn nào cho an toàn, nhân viên bán hàng hướng dẫn, nếu không thấy sản phẩm biến màu lạ thì tức là sản phẩm chưa quá hạn (?!)

Còn tại khu vực chợ Đồng Xuân, các cửa hàng đồ khô không chuyên về nguyên liệu làm bánh, nhưng cũng bán một số nguyên liệu như: Bột nở, bột mì, vani… Tại một gian hàng đồ khô ở chợ này, khi chúng tôi thắc mắc về một lọ vani nước không nhãn mác, không hạn sử dụng, người bán hàng nhún vai: “Cứ dùng xong đậy chặt nắp lại, dùng đến vài năm cũng chả sao, chúng tôi cũng nhập hàng từ năm này bán sang năm khác mà”.

Chất lượng nguyên liệu làm bánh: Không ai kiểm soát! - 1

Rất nhiều nguyên liệu làm bánh đều chỉ dán nhãn của nơi bán

Mua theo cảm tính

Chị Thu Hương, công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là người thường xuyên làm bánh tại nhà thừa nhận, đúng là việc mua nguyên liệu làm bánh chỉ theo cảm tính. Cứ thấy cửa hàng nào có vẻ đông khách, làm ăn lâu năm là mua chứ không có căn cứ để xác định nguyên liệu này có đúng xuất xứ, hạn sử dụng như cửa hàng công bố hay không. “Tôi thấy các địa chỉ bán hàng đều chỉ ghi nhãn viết tay hoặc nhãn cửa hàng tự in, còn ngoài chợ thì chả có nhãn mác gì cả, nên cũng chả có sự lựa chọn nào khác”, chị Hương phân trần.

Chị Thanh Hải, ở ngõ 165 Cầu Giấy chia sẻ, trong hơn hai năm tự làm bánh cho gia đình, chị đã một lần phát hiện ra gói bột mì mình mua về có mùi hôi, ngả màu hơi vàng và một lần nữa thấy gói tinh bột ngô vón cục, ướt hơn bình thường. Tuy nhiên, những gói nguyên liệu này giá chỉ hơn chục nghìn đồng, nên chị lẳng lặng vứt đi và thận trọng hơn trong việc chọn lựa nguyên liệu. “Tôi luôn cố gắng mua những nguyên liệu còn nguyên nhãn mác của nhà sản xuất, nếu là gói to thì tôi mua về chia cho các chị em trong gia đình, cơ quan cùng dùng. Chứ mua nguyên liệu chia nhỏ để bán, tôi cứ thấy cửa hàng quảng bá là hàng nhập Pháp, Hàn Quốc… nhưng biết đâu họ bỏ hàng gia công, hết hạn sử dụng vào thì mình cũng chẳng biết được”, chị Hải chia sẻ.

Theo Theo Hải Quỳnh (Giao thông vận tải)
Nguồn:

Tin liên quan