Kết quả cuộc giải cứu heo tổng lực: Tổng đàn heo vẫn cung vượt xa cầu, và trên thị trường xuất hiện thêm nhiều gia cầm và nông sản khác cần được vào cuộc.
Ăn heo nhiều thì khỏi ăn gà vịt
Phó tổng giám đốc công ty chăn nuôi lớn ở Đồng Nai, nhắn tin: “Bây giờ giá sản phẩm gia cầm lại thê thảm luôn. Ở Hà Nội, giá gà trắng tại trại còn 17.000 đồng/kg, vịt còn 19.000 đồng, trứng gà 900 – 1.000 đồng/quả. Người chăn nuôi lại thua lỗ quá nặng rồi... Trao đổi thêm qua điện thoại, ông bảo lỗi tại… con heo. Do con heo được cả xã hội lao vào giải cứu nên con gia cầm ít được quan tâm, ít người mua, vậy là cung vượt cầu, giá giảm.
Việc giải cứu không thấm vào đâu so với tổng đàn heo 1,7 triệu con mà Đồng Nai vừa công bố.
Thoạt nghe, có vẻ vô lý vì lẽ con heo và con gia cầm có phân khúc tiêu thụ riêng, ai thích heo ăn heo, ai thích gà ăn gà, chứ sao mà chỉ qua một đêm có thể từ bỏ sở thích mình được. Vậy mà, thực tế thì, chiến dịch giải cứu heo huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, khiến nhiều người mủi lòng đi mua thịt heo về giải cứu thiệt. Và cũng vậy là, bữa ăn cũng bớt đi con gà, con vịt, cái trứng.
Bằng chứng là tại TP.HCM, trước đây, mỗi ngày chỉ tiêu thụ trung bình khoảng trên dưới 10.000 con heo thì hai tuần gần đây, lượng heo tiêu thụ tăng vọt lên 15.000, 17.000. Lò giết mổ An Hạ, ở Củ Chi trước đây mỗi đêm giết mổ tối đa 4.000 con heo cung cấp thị trường thành phố, thì hơn nửa tháng qua cũng tăng lên xấp xỉ 6.000 con. Dù vậy, cũng chưa thể nào giải quyết được lượng heo dư thừa, mà chỉ khổ cho con gà, con vịt bị vạ.
So với sản phẩm gia cầm, việc thịt heo giảm giá đã kích thích tiêu thụ mặt hàng này lên đáng kể. Trước đây, vì thịt heo cao giá nên các bếp ăn phải sử dụng thịt gia cầm, có giá trung bình 20.000 – 30.000 đồng/kg tuỳ thời điểm, nhưng nay, họ có thể lấy thịt heo sỉ ở chợ đầu mối nông sản có giá tương tự. So với thịt gia cầm, thịt heo vẫn ngon hơn nên việc các bếp ăn không mặn mà với sản phẩm gia cầm là có lý.
Một số nơi như Đồng Nai còn kêu gọi tổ chức giết mổ, bán thịt heo trực tiếp vào các khu công nghiệp với giá rẻ hơn thị trường 30 – 40%, càng khiến cho gia cầm bị… bỏ rơi. Ở các vùng nông thôn, thịt heo còn rẻ hơn nữa, nhiều gia đình chung tiền mua heo về làm thịt, chia nhau ăn cả tuần, cả tháng nên thịt gà, thịt vịt, trứng gia cầm vô tình trở thành nạn nhân thừa mứa giống như heo.
Con heo có thực sự được giải cứu?
Câu trả lời là không. Thời gian qua, so với lực cầu tiêu thụ tăng thêm được dăm mười phần trăm, hoàn toàn không có ý nghĩa nhiều để giải cứu đàn heo vốn đang dư thừa quá nhiều hiện nay. Điều nguy hiểm là cùng với các thông tin nơi này, chỗ kia, cơ quan này, tổ chức nọ có cách giải cứu thịt heo thì trên các diễn đàn mạng, thông tin trên báo đài cũng đưa giá heo tăng trở lại.
Phải nói ngay rằng, đây là những thông tin không chính xác vì thực tế, giá heo hơi trên cả nước vẫn không được cải thiện là mấy so với trước đây. Thời gian qua, giá heo hơi chỉ dao động từ 17.000 – 25.000 đồng/kg, chứ hoàn toàn không tăng lên 30.000 đồng như thông tin lan tràn trên mặt báo. Người chăn nuôi, trên khắp cả nước vẫn khốn đốn với đàn heo, và đang vô vọng tìm đầu ra.
Qua theo dõi, nơi phát đi các thông tin heo hơi tăng giá chủ yếu đến từ Bộ Nông nghiệp và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai. Riêng Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thời gian qua đã trực tiếp mua heo của hội viên với giá cao hơn thị trường, sau đó giết mổ và mở cửa hàng bán lẻ tới tay người dùng với giá rẻ hơn thị trường 30 – 40% là cách làm hay, đã thu hút được sự quan tâm của người dùng.
Tuy nhiên, việc hiệp hội này liên tục công bố việc làm của mình góp phần giúp giá heo trên địa bàn tăng là không có cơ sở, không chính xác, vì thực tế là giá heo tại Đồng Nai vẫn ở mức rất thấp. Do đó, người chăn nuôi cần nhận thức rằng, hiệp hội này chỉ bắt heo ở một số trang trại, số này không đáng là bao so với tổng đàn 1,7 triệu con mà Đồng Nai vừa công bố mới đây.
Trên diễn đàn Làm giàu từ chăn nuôi lợn (mới đổi tên từ Hội chăn nuôi lợn, có gần 30.000 thành viên trên khắp cả nước), một thành viên có nick Phạm Ái Linh than: “Có phải là giải cứu không?”. Theo Phạm Ái Linh, có sáu bất cập sau: 1. Kêu gọi bộ ban ngành chung tay: hiệu quả thực tế không cao, vì chẳng tiêu thụ thêm được bao nhiêu, nhưng dân thấy tuyên truyền vậy, như được cứu đến nơi rồi, bèn găm hàng, đợi giá, hệ quả là thêm lỗ, thêm gánh nặng cám, thuốc. 2. Tuyên truyền Trung Quốc đã mở cửa mua lại, thương lái Trung Quốc đã quay lại mua hàng…; nhưng thực tế không phải như vậy. Dân thì tạm ngừng bán, giá đẩy lên được một chút, dù không nhiều, sau đó lại giảm, người nuôi thêm gánh nặng, thêm lỗ. 3. Nói rằng là trong 1 – 2 tháng vừa qua, heo tồn đã giảm đáng kể, trong 1 – 2 tháng tới, sẽ cân bằng cung cầu, 3 – 4 tháng tới, lại khan heo, giá lại tăng… Thực tế là heo vẫn còn rất nhiều, từ giờ đến cuối năm nếu chỉ tiêu thụ nội địa không thì vẫn không hết. Ai mà nghe theo, cố vay thêm tiền để cầm cự thì càng lún sâu vào khủng hoảng. 4. Tuyên truyền là giá nơi này đã tăng 2.000 – 3.000đ/kg, nơi kia lên 28.000 – 30.000đ/kg... trong khi thực tế thị trường vẫn chỉ loanh quanh 20.000 – 22.000/kg, điều này làm cho bà con cực kỳ hoang mang, vì thấy nơi này, nơi kia tăng cao quá, trong khi vùng mình, gọi chẳng có ma nào nó bắt cho!? 5. Gốc rễ vấn đề hiện nay là cung vượt cầu rất nhiều, các biện pháp hô hào, hành chính, tâm lý… đều không có hiệu quả, mà lại làm sai lệch bản chất, thông tin thị trường; càng làm cho khó khăn thêm kéo dài, vết thương dai dẳng, sống không ra sống, chết không ra chết. Tuyên truyền sai sẽ làm hại người chăn nuôi, chứ không phải là giúp đỡ. 6. Thế nên, cần tuyên truyền đúng bản chất, để người chăn nuôi không mơ mộng nữa, không lạc quan tếu, mạnh dạn cắt lỗ, bán non, giảm đàn (quan trọng là giảm đàn nái). Thậm chí nghỉ chăn nuôi một thời gian để cân bằng cung cầu. Đó mới là biện pháp căn cơ, gốc rễ. |