Sau nhiều tháng xây dựng, Bộ Công Thương vừa hoàn tất dự thảo Nghị định về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền trong hoạt động thương mại. Điện và xăng dầu có sắp hết thời độc quyền?
Người dân sẽ được chọn nhà bán điện
Cụ thể dự thảo Nghị định về hàng hóa dịch vụ chỉ ra đối với ngành điện, Nhà nước chỉ độc quyền vận hành thuỷ điện đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân, độc quyền vận hành truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia- Điều đó đồng nghĩa với việc người dân được quyền chọn nhà bán điện.
Đây là thông tin bước đầu tạo hứng khởi từ phía người sử dụng điện. Bởi từ trước đến nay, người dân và các doanh nghiệp vẫn chỉ biết mua điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phân phối. Các nhà máy phát điện bao gồm cả thủy điện, nhiệt điện phần lớn đều do EVN quản lý. Cho dù hiện nay, EVN đã tiến hành cổ phần hóa một số nhà máy điện như: Vũng Áng, Phả Lại, Cát Bà… trong đó có một số nhà máy do PVN, TKV làm chủ đầu tư nhưng những doanh nghiệp này mới chỉ có thể tham gia xây dựng tạo nguồn điện. Các khâu khác vẫn do EVN nắm, đặc biệt là khâu truyền tải và phân phối.
Vì nắm “đầu cán” ở khâu quan trọng này nên việc cung ứng điện tới tận người dân và doanh nghiệp vẫn do EVN đảm nhiệm. Sự độc quyền của EVN còn thể hiện ở chỗ doanh nghiệp này vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực điện vừa thực hiện chức năng kinh doanh cộng với chức năng phân phối điện.
Người tiêu dùng sắp được lợi nhờ doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào thị trường xăng dầu. Ảnh: TL
Vậy bao giờ người dân được lựa chọn nhà bán điện? Trước đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường buôn bán điện cạnh tranh phát triển theo các giai đoạn: Từ năm 2016 sẽ là giai đoạn vận hành thí điểm bước 1 thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Từ năm 2017 - 2018, là giai đoạn vận hành thí điểm bước 2 và thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ chính thức hoàn chỉnh từ năm 2019. Sẽ có 5 tổng công ty (Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Nam, miền Trung, TP Hà Nội, TPHCM) sẽ được mua bán buôn điện từ các đơn vị phát điện với mức giá thị trường và bán lại cho các khách hàng của mình qua đơn vị truyền tải của EVN.
Sắp có cửa hàng xăng “ngoại”
Mới đây một tập đoàn của Nhật Bản đã nhận được chứng chỉ đầu tư của chính phủ. Dự kiến, tập đoàn này sẽ phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam. Thông tin trên được đăng tải trên trang web của Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật Bản). Theo đó, công ty Idemitsu Kosan và đối tác là Kuwait Petroleum International (Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait) vừa thành lập liên danh, lấy tên là Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 với mục đích phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam.
Theo dự kiến tập đoàn đến từ Nhật Bản sẽ có quyền tham gia phân phối xăng dầu khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), nơi tập đoàn này đầu tư đi vào hoạt động từ năm 2017. Hiện, công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 đã nhận chứng nhận đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam và đang xin đăng ký doanh nghiệp. Tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp này có mục tiêu thúc đẩy hoạt động bán lẻ và bán buôn sản phẩm dầu khí chủ yếu thông qua việc xây dựng và quản lý các trạm dịch vụ trên toàn quốc. Nếu thuận lợi, Idemitsu Q8 sẽ là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên gia nhập thị trường xăng dầu Việt Nam, đặc biệt ở khâu bán lẻ.
Đây là tín hiệu tích cực, bởi việc doanh nghiệp nước ngoài chen chân vào hệ thống phân phối, bán lẻ xăng dầu sẽ thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tìm cách để cạnh tranh và tồn tại.
Tiến sỹ kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Điều này sẽ nâng cao tính cạnh tranh thị trường và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, đồng thời tạo tiền đề để mở rộng thị trường bán lẻ xăng dầu, hướng tới một thị trường bán lẻ xăng dầu cạnh tranh thực sự. Đây là sự khởi đầu về việc xâm nhập của các công ty nước ngoài vào thị trường Việt Nam và đó là dấu hiệu tốt cho thị trường xăng dầu. Khi có sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thì người mua xăng sẽ có lợi, thị trường sẽ phát triển”.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng băn khoăn việc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam không phải đơn giản. Ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, thì một trong những khó khăn mà doanh nghiệp nước ngoài đối mặt là quy hoạch các vị trí đặt trạm xăng dầu hiện đã hoàn tất, nên có khả năng họ phải dựa vào các hệ thống sẵn có của các doanh nghiệp trong nước.
Nhà nước độc quyền vàng Theo dự thảo trên của Bộ Công Thương, Nhà nước sẽ độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng, nhập khẩu thuốc lá, kinh doanh sổ xố kiến thiết, đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng. Đối với dịch vụ, Nhà nước sẽ độc quyền dịch vụ hoa tiêu hàng hải, công tác vận hành đảm bảo an toàn hàng hải như vận hành hệ thống báo hiệu, thông tin duyên hải, sửa chữa nâng cấp hệ thống hàng hải, dịch vụ đảm bảo hoạt động bay như dịch vụ không lưu, tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, Nhà nước sẽ độc quyền in đúc tiền, quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt. |