Gas dỏm vây người dùng

Ngày 05/11/2013 17:56 PM (GMT+7)

Hai vấn nạn lớn nhất của ngành gas hiện nay là sang chiết lậu và hoán cải vỏ bình gas gây nguy cơ cháy nổ...

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, hiện có trên 30% vỏ bình gas trên thị trường là giả nhãn hiệu và hàng triệu vỏ chai gas kém chất lượng chưa được thu hồi.

Pha nước lã, trộn tạp chất...

Thống kê của Hiệp hội Gas Việt Nam cho thấy hiện thị trường có khoảng 70 - 80 công ty kinh doanh gas có thương hiệu nhưng chỉ 26 công ty thuộc nhóm thương nhân xuất nhập khẩu gas được xác định và 125/200 trạm nạp gas được xác định của các thương nhân xuất nhập khẩu gas. Còn lại, khoảng 50 doanh nghiệp và 75 trạm nạp chưa được “sờ” đến nên hoạt động tự do, là nơi xuất phát của gas lậu sang chiết trái phép.

Ngoài ra, tình trạng không quản lý được vỏ chai gas của các công ty cũng trở thành miếng mồi béo bở cho gas lậu. Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết theo quy định, vỏ chai gas thuộc quyền sở hữu của công ty gas. “Quá trình lưu thông trên thị trường, đại lý hay người tiêu dùng chỉ đặt tiền thế chân vỏ bình, hết dùng gas của thương hiệu đó thì phải trả công ty, lấy lại tiền thế chân. Thế nhưng, thực tế người tiêu dùng chỉ đặt tiền thế chân một lần, sau đó các đại lý cứ đến đổi gas mới, thu lại vỏ bình bất kể nhãn hiệu. Hết xài gas, vỏ bình được bán kiểu “đồng nát”, tạo nên sự lộn xộn cho thị trường” - bà Mẫn phân tích.

Theo Tổng Công ty Gas Petrolimex, hiện có nhiều chiêu thức chiết nạp gas trái phép, bán gas kém chất lượng cho người tiêu dùng mà các đầu nậu kinh doanh trôi nổi ngoài thị trường sử dụng. Trong đó, nhiều nhất là hình thức chiếm dụng hoặc ngấm ngầm mua lại vỏ bình trong quá trình lưu chuyển của những thương hiệu có uy tín để đưa vào các trạm chiết nạp không phải của thương nhân lớn để chiết nạp trái phép. Hình thức sang chiết chủ yếu được gian thương sử dụng là dùng bình gas chính hãng sang các bình khác ít trọng lượng hơn, bơm gas thiếu trọng lượng hoặc trộn lẫn với chất khó bay hơi, bị thải ở khâu nào đó và tuồn vào các trạm chiết nạp như pentadien (C5H12), thậm chí là nước lã…

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận hiện thương nhân phân phối khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) cấp 1, thuộc nhóm thương nhân đầu mối là nơi phát nguồn LPG trên thị trường với nhiều quyền hạn có tác động đến thị trường gas trong nước nhưng chưa được kiểm soát, quản lý chặt.

Gas dỏm vây người dùng - 1

Cơ quan công an kiểm tra xe chở gas giả nhãn hiệu, sang chiết lậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng Ảnh: Ngọc Ánh

Khuyến khích kinh doanh quy mô lớn

Theo ông Huỳnh Ngọc Quang, Giám đốc DNTN Kim Long (Tiền Giang) thuộc Chi hội Gas miền Tây, nhiều gian lận thương mại hiện nay đều xuất phát từ các trạm chiết gas nhưng việc xử lý không tới nơi tới chốn. “Điểm chung của mấy vụ gas lậu khi bị phát hiện đều có cùng lời khai mua gas trôi nổi. Xin hỏi làm gì có gas trôi nổi ngoài đường mà mua, nếu không từ mấy ông lớn đầu mối cung cấp?” - ông Quang đặt vấn đề.

Trong khi đó, những công ty kinh doanh gas đầu nguồn thì cho rằng việc cơ quan chức năng chưa công bố danh sách các thương nhân phân phối LPG cấp 1 khiến họ khó khăn trong việc “thẩm định” khách hàng.

Do đó, Hiệp hội Gas Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và công bố các thương nhân đủ điều kiện kinh doanh gas đầu mối (xuất nhập khẩu); thương nhân phân phối cấp 1, trạm chiết nạp. Đồng thời, các thương nhân không đủ điều kiện là thương nhân đầu mối, thương nhân cấp 1 cùng các trạm chiết nạp và sửa chữa vỏ chai gas phải được thông báo công khai. Các trạm nạp phải trực thuộc thương nhân đầu mối và phải có hàng rào thông thoáng để thuận lợi cho việc giám sát hoạt động sang chiết từ bên ngoài.

Theo ông Trần Minh Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dầu khí An Pha, các quy định của nhà nước nên theo hướng khuyến khích kinh doanh tập trung quy mô lớn để có đủ tiềm lực đầu tư cho an toàn nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả kinh tế. Cụ thể, ở khâu phân phối đến tay người tiêu dùng, các công ty muốn có bình gas, thương hiệu gas riêng phải bán được gas dân dụng từ 5.000 tấn/tháng, có năng lực trong việc tồn trữ, chiết nạp; các cửa hàng bán lẻ cũng nên phát triển theo hướng xây dựng hệ thống chuyên nghiệp và có quy định tối thiểu sản lượng bán được đối với một cửa hàng gas.

Cách nào để tránh gas dỏm?

Hiện nay, người tiêu dùng mua gas chủ yếu qua hình thức gọi điện thoại giao tận nhà. Do đó, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ số điện thoại trước khi gọi vì các đối tượng bán gas dỏm in tờ rơi y chang gas chính hãng nhưng thay số điện thoại. Ngoài ra, hầu hết các công ty gas đều áp dụng những giải pháp tem chống giả công nghệ cao như: nhắn tin SMS, tem nước decal vỡ, tem 3D (hiện các loại tem này chưa bị làm giả) nên người tiêu dùng cần kiểm tra các yếu tố chống giả trước khi cho nhân viên lắp ráp gas.

Theo ông Trịnh Văn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), từ đầu năm đến nay đã xử lý 400 vụ vi phạm, phạt hành chính gần 2 tỉ đồng, tịch thu lượng lớn tang vật gồm hơn 15.000 bình gas, hơn 22.000 bình mini và nhiều dụng cụ sang chiết gas trái phép.

P.Nhung

Sang nhượng giấy phép

Gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Khi muốn mở đại lý, người kinh doanh phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện do Sở Công Thương cấp; phải đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích mặt bằng, kho chứa, nơi cung cấp điện, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ… Vì vậy, việc sang nhượng giấy phép kinh doanh gas đang được đẩy giá lên rất cao. Hơn nữa, gas là lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận cao nên rất “hút” người muốn mở đại lý. Anh Trần Minh Tín, chủ đại lý chuyên cung cấp gas trên đường Lê Văn Lương (quận 7, TP HCM), tiết lộ: Mỗi ngày, đại lý của anh giao trung bình 100 bình gas, mỗi bình lời từ 30.000-40.000 đồng.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện ở các quận - huyện nội thành, giá sang nhượng một giấy phép kinh doanh mặt hàng này là trên 2 tỉ đồng; còn ở các quận - huyện ngoại thành thì khoảng 1 tỉ đồng, tuy nhiên rất khó kiếm, nhất là những địa điểm đã có lượng khách ổn định.

N.Mai

Theo Phương Nhung - Ngọc Ánh (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giá xăng, giá gas