Do không xả quỹ bình ổn và giữ nguyên mức trích lập quỹ này nên giá xăng hôm qua (19.8) chỉ được điều chỉnh giảm gần 800 đồng/lít. Nhiều chuyên gia đánh giá, giá xăng giảm chưa tương xứng với giá thế giới.
Giảm mạnh hơn để cùng chia sẻ
Việc giá xăng giảm khá mạnh lần này vẫn chưa thực sự làm giới chuyên gia cũng như người tiêu dùng hài lòng. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích: Giá xăng hiện tại vẫn đang cao hơn cuối năm ngoái khoảng 652 đồng/lít, trong khi biến động của giá dầu thế giới và xăng dầu thành phẩm hiện đã thấp hơn cả thời điểm đó.
Thay đổi biển báo giá tại cây xăng Cầu Giấy, Hà Nội chiều 19.8. Ảnh: Đàm Duy
Trao đổi về lần điều chỉnh giá xăng dầu này, TS. Ngô Trí Long cho rằng, đáng lẽ giá xăng lần này phải giảm sâu hơn, thậm chí có thể giảm tới 1.000 đồng/lít, nếu cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp xả quỹ bình ổn hoặc dừng trích quỹ bình ổn. Hiện quỹ bình ổn theo báo cáo của Bộ Tài chính còn dư gần 1.800 tỷ đồng tính đến hết quý II và số dư quỹ còn tiếp tục tăng lên.
Theo ông Long, hiện giá xăng ở Mỹ cũng chỉ trên dưới 15.000 đồng/lít. “Trong bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam, đời sống người dân hiện nay, cơ quan quản lý điều hành giá xăng dầu giảm mạnh nữa mới được coi là “chia sẻ hài hòa” lợi ích 3 bên: Nhà nước- doanh nghiệp - người tiêu dùng”- ông Long nói.
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia phân tích về kinh tế cũng cho rằng, dù khá khớp với xu hướng chung nhưng mức lên xuống của giá xăng dầu trong nước vẫn đang không tương xứng với biến động của giá xăng dầu thế giới. Các khoản thu với xăng dầu trong nước hiện vẫn còn cao và chưa thật sự minh bạch nên giá không thể thấp theo giá thế giới, tất yếu người tiêu dùng phải chịu thiệt. “Đã là giá xăng dầu theo thị trường thì cứ giá thế giới lên mình lên, thế giới xuống mình xuống, giá thế giới mà giảm mạnh thì mình cũng phải giảm mạnh theo - phải căn cứ vào đó chứ sử dụng giá cơ sở là không hợp lý, bởi giá cơ sở còn gồm nhiều thuế, phí, hoa hồng đại lý mà có cái tách bạch được, có cái khó có thể làm rõ. Chưa kể, mỗi doanh nghiệp khác nhau lẽ ra phải cho ra một giá cơ sở khác nhau nếu có sự cạnh tranh…”- ông Phong nói.
Lợi doanh nghiệp, thiệt người tiêu dùng
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, theo tìm hiểu của ông, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiện đang để mức lãi định mức, chiết khấu quá cao. Chiết khấu bán xăng dầu 300-400 đồng/lít là ngành xăng dầu đã “sống tốt”, nay có lúc hoa hồng đại lý lên tới 1.000-1.200 đồng/lít xăng thì khó mà người tiêu dùng còn được giảm giá mạnh nữa.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng nêu rằng, mức giảm giá lần này vẫn chưa đạt kỳ vọng của người tiêu dùng. "Tính toán một cách đơn giản thì khi giá xăng thế giới là 65 USD/thùng, thì việc giảm giá gần 800 đồng/lít xăng là không lớn. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn lãi lớn để trích hoa hồng cho đại lý tới cả nghìn đồng/lít xăng. Lợi doanh nghiệp thì người tiêu dùng thiệt”-ông Thắng nói.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra điều bất hợp lý trong điều hành xăng dầu hiện nay. Đó là doanh nghiệp xăng dầu luôn có lãi định mức 300 đồng/lít xăng dù giá tăng hay giảm, hơn nữa khi kinh doanh xăng dầu, không có khái niệm hàng tồn kho đến mức khó tiêu thụ. Do vậy, lúc giá thế giới tăng thì doanh nghiệp lãi rất lớn do chênh lệch giữa giá nhập và giá bán trong nước. Còn khi giá thế giới giảm họ lại liên tục tăng chiết khấu để thu hút đại lý lấy hàng. Các doanh nghiệp vẫn tăng được lợi nhuận lớn vì các đầu mối đều có một hệ thống bán lẻ rộng khắp trên thị trường.
GS-TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cũng cho rằng, doanh nghiệp hào phóng chi mức hoa hồng “khủng” cho các đại lý kinh doanh xăng dầu là một dấu hỏi lớn với người tiêu dùng bởi người tiêu dùng hiện nay đang phải “gánh” các chi phí này.
GS Đào nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng là chi phí kinh doanh định mức, chiết khấu kinh doanh xăng dầu trong điều kiện thị trường còn dấu hiệu độc quyền như hiện nay thì phải được các cơ quan nhà nước khách quan, công tâm kiểm tra, giám sát. Bộ Tài chính nên giám sát chặt chẽ việc chiết khấu hoa hồng cho các đại lý. Không để người tiêu dùng vốn đã chịu thiệt lâu nay giờ phải gánh thêm cả chi phí hoa hồng cho đại lý để mua xăng đắt”.
Theo quyết định của Bộ Công Thương, giá xăng dầu từ 15 giờ chiều qua tiếp tục giảm đồng loạt. Giá xăng RON 92 và xăng E5 đều giảm 768 đồng/lít; các mặt hàng dầu giảm từ 441-736 đồng/lít, kg. Như vậy, giá xăng RON 92 tiếp tục giảm xuống mốc mới là 18.536 đồng/lít; xăng E5 là 18.041 đồng/lít, dầu hỏa là 12.409 đồng/lít, dầu diesel là 13.421 đồng/lít và dầu mazut là 10.136 đồng/kg. |