Chiều 2.3, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 2.2015, nhiều vấn đề nóng diễn ra trong thời gian qua được người phát ngôn Chính phủ và đại diện các bộ, ngành giải đáp.
Chỉ số CPI tiếp tục giảm
Giá điện tăng trên 10%, Bộ Công Thương phải báo cáo Chính phủ. Ảnh chụp sửa chữa tại trạm biến áp điện ở Hưng Yên. Đ.D
Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 2.2015 giảm 0,55% so với tháng trước. Tính trong thời gian 4 tháng gần đây (từ tháng 11.2014 đến tháng 2.2015) chỉ số CPI tháng sau so với tháng trước giảm. Trả lời câu hỏi của báo chí, việc CPI tiếp tục giảm, kể cả vào tháng Tết Nguyên đán, có phải dấu hiệu của giảm phát, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: "Chỉ số giá tiêu dùng thời gian qua giảm chủ yếu do tác động của việc giảm giá xăng dầu thế giới, nhất là với giá nhóm giao thông. Nguồn hàng hóa dồi dào. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bình ổn giá, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá. Mặc dù CPI giảm nhưng sức mua của nền kinh tế tiếp tục tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm ước đạt 11,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6,2%)".
Trước vấn đề đang được dư luận quan tâm là tăng đầu tư công gắn với quản lý sử dụng kém hiệu quả là nguyên nhân làm cho nợ Chính phủ tăng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm an toàn nợ công. Hệ thống pháp luật về đầu tư công ngày càng được hoàn thiện theo hướng tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư công và kiểm soát chặt chẽ nợ xây dựng cơ bản. "Chính phủ đang tích cực triển khai thực hiện Luật Đầu tư công gắn với kế hoạch đầu tư trung hạn; tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương; tăng cường theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra chương trình, dự án đầu tư công, nâng cao vai trò của giám sát cộng đồng, khắc phục tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời cơ cấu lại các khoản nợ vay; tăng cường huy động các nguồn vốn với lãi suất thấp hơn và thời hạn dài hơn để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội" - ông Nên cho biết.
Giá điện tăng trên 10% phải báo cáo Chính phủ
Trước đó trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý một số vấn đề nổi lên trong thời gian qua như số doanh nghiệp ngừng hoạt động lớn; tình hình thu ngân sách từ dầu khí giảm; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước tiến, nhưng so với yêu cầu còn chậm...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tập trung thực hiện đột phá về hoàn thiện thể chế, trong đó trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. “Giá xăng, dầu, điện, than dứt khoát phải theo thị trường nhưng phải minh bạch. Giá dịch vụ y tế cũng phải tính đúng, tính đủ. Đi liền đó phải điều tiết để khắc phục những khiếm khuyết của kinh tế thị trường, nhà nước phải giúp cho người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Tại buổi họp báo, trả lời thắc mắc về việc chuẩn bị tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, trước Tết Nguyên đán đã đầy đủ điều kiện để tăng giá điện, tuy nhiên Thủ tướng chỉ đạo chưa tăng vì ảnh hưởng tâm lý người dân, doanh nghiệp. "Các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định. Hiện Bộ Công Thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án giá điện năm 2015 do EVN đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.2015" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên bổ sung thêm.
11 địa phương có số lượng người chết vì tai nạn giao thông ở mức cao trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán (từ 10-13 người) là Hưng Yên, Tiền Giang, Đăk Lăk, Nghệ An, Hải Dương, Bến Tre, Bình Định, Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Long, TP.HCM.