Giảm giá 176 sản phẩm sữa

Ngày 12/06/2014 00:21 AM (GMT+7)

Mức giá bán buôn của 4 doanh nghiệp do Bộ Tài chính quản lý thấp hơn 100.000-120.000 đồng/hộp so với mặt bằng giá chung khi chưa có giá trần

Bộ Tài chính đã chính thức công bố trần giá sữa và giá đăng ký của các doanh nghiệp (DN) đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi áp dụng từ ngày 11-6.

Giảm giá mạnh

Theo đó, các DN đăng ký giá tại Bộ Tài chính gồm: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam đăng ký giá bán 34 sản phẩm, Công ty TNHH Nestle Việt Nam đăng ký giá bán 18 sản phẩm, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam đăng ký giá bán 42 sản phẩm và Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam đăng ký giá bán 47 sản phẩm. Tổng cộng, có 141 sản phẩm sữa được đăng ký giá với cơ quan quản lý. Mức thấp nhất là sữa Enfagrow A+4 400 g với 145.497 đồng/hộp, cao nhất là Enfagrow A+3 360 Brain Plus 1.800 g với 699.435 đồng/hộp.

Giảm giá 176 sản phẩm sữa - 1

Khách hàng mua sữa trong siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mức giá bán buôn áp dụng từ ngày 11-6 của 4 DN nêu trên thấp hơn so với mặt bằng giá chung khi chưa có giá trần từ 100.000 - 120.000 đồng/hộp tùy theo sản phẩm.

Vinamilk giảm giá 2.300 - 85.000 đồng/sản phẩm

Chiều 11-6, Sở Tài chính TP HCM cũng công bố giá bán buôn tối đa và giá đăng ký của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đối với 35 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (trong đó có 5 sản phẩm nằm trong danh sách bán theo giá trần do Bộ Tài chính quy định) với mức giảm 2.300 - 85.000 đồng/sản phẩm so với trước đây, tương ứng với 6% - 23%. Mức giá này sẽ giữ ổn định trong thời hạn 1 năm.

Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, cho biết sở chỉ quản lý Vinamilk và 12 đơn vị sản xuất, nhập khẩu sữa nhỏ. Tuy nhiên, do Vinamilk có thị phần lớn nên vừa rồi, Quyết định 1079 của Bộ Tài chính về bình ổn giá sữa đã đưa Vinamilk vào danh sách áp giá trần.

Do một số khó khăn, Sở Tài chính TP HCM chỉ công bố giá bán của Vinamilk và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính đối với 12 DN còn lại. Thứ nhất, 12 DN này trước đây đã kê khai giá với Sở Tài chính, từ năm 2011 đến nay họ không tăng giá, nay nếu giảm tiếp thì sẽ lỗ. Thứ hai, họ là những DN nhỏ, lợi nhuận chỉ 3% - 4 %, nếu áp dụng giá đăng ký theo quy định thì phải giảm đến 14% nên tuyên bố sẽ đóng cửa nếu phải đăng ký.

“Sở đã báo cáo và được Bộ Tài chính đồng ý phương án những đơn vị chiếm thị phần nhỏ, ổn định từ năm 2012 đến nay thì cho phép xây dựng lại chi phí cơ cấu giá thành. Bộ cũng đã đồng ý sẽ xem xét, giải quyết sớm để các DN kịp đăng ký, công bố giá bán lẻ đúng thời hạn 21-6” - bà Lan cho biết.

Về việc Công ty Vinamilk được chấp thuận đăng ký mức giá mới chỉ giảm 6% thay vì ít nhất 14% như quy định, bà Lan cho biết do trước đây, DN này đã thực hiện đăng ký giá với Sở Tài chính và bán thấp hơn giá đã đăng ký nên lần này, mức giảm giá của Vinamilk được chấp nhận (theo hướng dẫn từ Công văn 6544 của Bộ Tài chính). 

Chờ giá bán lẻ

Theo một số đại lý sữa, hiện còn nhiều hãng chưa có thông báo cụ thể về mức giảm giá hoặc chỉ thông báo bằng miệng nên dù sắp đến ngày áp dụng giá bán lẻ (21-6), đại lý vẫn khá lúng túng trong việc cân đối giá. Chưa kể, chỉ những đại lý lớn trong hệ thống phân phối của các hãng sữa mới được bù giá, còn đại lý cấp thấp phải tự cân đối nên rất khó giảm giá bán.

Phản ánh với chúng tôi, nhiều đại lý sữa ở TP HCM và Hà Nội cho biết: “Trước đây, giá sữa ở đại lý cấp 1, 2 thường chênh so với cấp thấp hơn khoảng 10.000 đồng đến vài chục ngàn đồng/hộp. Giờ áp giá trần mà đại lý cấp thấp không được bù giá thì giá sữa sẽ chênh lớn hơn, rất khó bán”.

Theo PHƯƠNG NHUNG-THANH NHÂN-TÔ HÀ (NLĐ)

Tin liên quan