Mỗi ngày, chợ Hà Vĩ (Thường Tín – Hà Nội) tiêu thụ 60 – 80 tấn gà, vịt phục vụ người dân khắp các tỉnh phía Bắc. Trong số hơn 1.000 hộ gia đình làm dịch vụ giết mổ gia cầm quanh chợ thì chỉ vẹn vẹn 4 lò mổ được cấp phép.
Mỗi ngày tiêu thụ 60 – 80 tấn gia cầm
Qua lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi biết Dũng “vịt”, chủ một nhà hàng lớn chuyên các món ăn về vịt ở thị trấn Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Dũng chia sẻ, một ngày - nhà hàng của anh tiêu thụ từ 50 – 70 gà, vịt để chế biến các món lẩu, nướng, hấp... phục vụ khách.
Anh kể: “Cách đây 1 năm khi mới mở nhà hàng, tôi hay ra chợ La Khê (Hà Đông - Hà Nội) mua gà, vịt. Về sau quán đông khách, nguồn hàng tăng cao nên tôi được giới thiệu đến chợ Hà Vĩ (Thường Tín – Hà Nội) mua gà, vịt. Đây là chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc nên nguồn vịt rất nhiều và giá rẻ hơn rất nhiều”.
Cảnh buôn bán tấp nập ở khu D - Chợ gia cầm Hà Vĩ. Ảnh: PV
2h sáng, theo chân Dũng “vịt” đi lấy hàng, vừa đến cổng chào của xã Lê Lợi, đập vào mắt chúng tôi là 5 – 6 xe tải chở gà vịt ra vào khu chợ Hà Vĩ. Những chuyến hàng từ Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nam, Nam Định… tấp nập đổ về, mỗi xe có sức chứa lên tới hàng ngàn cá thể gà, vịt. Muốn cho xe hàng vào bên trong chợ, chủ xe phải xuất trình giấy tờ sau đó được cán bộ thú y phun thuốc khử trùng ngay từ ngoài cổng.
Bên trong chợ là 4 dãy ki ốt A, B, C, D khang trang lợp mái tôn rộng lớn, mỗi dãy lại có hàng chục ki ốt nhỏ với diện tích hơn 20m2/ki ốt. Theo lời mời chào của các tiểu thương, vịt ở đây được bán buôn với giá “26 đến 27” (26.000 đến 27.000 đồng/kg). Qua khảo sát, mức giá này rẻ hơn rất nhiều so với các chợ đầu mối khác (chợ La Khê 40.000 đồng/kg; chợ Dịch Vọng Hậu 45.000 đồng/kg).
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, số lượng gia cầm đưa vào chợ bán ngày càng cao, gấp nhiều lần so với công suất thiết kế, khoảng 60 - 80 tấn gia cầm/ngày. Những lúc cao điểm lên tới 100 tấn/ngày. Bên cạnh đó, việc hộ dân đua nhau giết mổ gia cầm thuê quanh chợ khiến lượng chất thải trong chợ ngày càng tăng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Đua nhau mở “lò mổ”
Những lò giết mổ gia cầm không phép nằm ven đường giao thông xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội).
Ra khỏi chợ Hà Vĩ, đi xuôi về hướng UBND xã Lê Lợi chừng vài chục mét là 5 – 6 lán giết mổ gia cầm dịch vụ ven hai bên đường. Theo lời người dân địa phương, đầu năm 2016, những lò mổ tự phát này bắt đầu mọc lên chỉ với vài cây tre, chiếc bạt tạm bợ cùng vài cái chậu, xoong, nồi làm đồ nghề mưu sinh của những người làm nghề giết mổ gia cầm thuê với giá khoảng 5.000 đồng/con. Tại đây, trên nền các lò mổ luôn bừa bộn lông, lòng, phân, tiết gia cầm vương vãi khắp nơi.
Về sau, thấy lợi nhuận cao mà không bị chính quyền địa phương xử lý nên các hộ khác đua nhau làm nghề giết mổ gia cầm. Ban đầu, các hộ chỉ căng phông bạt tạm và làm thịt gia cầm trên nền đất thuộc hành lang giao thông đường liên xã. Đến nay, nhiều hộ dựng hẳn lều lán tạm bằng tre, nứa, lát gạch và căng, kéo dây điện để phục vụ chiếu sáng, sơ chế gia cầm bằng máy vặt lông gà. Cùng với đó, các hộ khoan giếng, bơm lấy nước ngay tại mương chứa nước thải liền kề đen ngòm, hôi tanh, để sơ chế gia cầm. Mỗi ngày họ giết mổ hàng nghìn con gia cầm, cùng với đó là hàng chục khối nước thải được xả thẳng xuống mương liền kề.
Từ 23h đêm đến 3h sáng là thời điểm các lò mổ hoạt động nhộn nhịp. Theo quy định, gia cầm trước khi giết mổ phải được cán bộ thú y kiểm tra. Nhưng ở các lò mổ chui, chưa được cấp phép thì sẽ chẳng có ai kiểm tra, gà vịt cứ được đưa vào là làm thịt. Họ cũng chẳng quan tâm là nguồn gốc xuất xứ của những con gà vịt này là ở đâu.
Sau khi mua 60 con vịt với giá rẻ trong chợ, Dũng mang vịt đến một quán giết mổ gia cầm ven đường để nhờ cắt tiết, làm lông. Giá giết mổ thuê ở đây giao động từ 5.000 – 7.000 đồng/1 con. Riêng gà thì sẽ được đưa vào máy để vặt lông cho nhanh, còn ngan và vịt thì phải vặt thủ công bằng tay.
Qua quan sát, những lò mổ này hoạt động ngay bên lề đường, một bên là mương nước thải nên rất mất vệ sinh. Những thau chậu, nồi nước sôi để nhúng gà vịt thì đen xì và cáu bẩn. Khi nước trong nồi cạn thì sẽ được chế thêm nước vào chứ không hề bị đổ đi để thay nước mới. Những thứ bẩn trong nồi như lông gà, lông vịt sẽ chỉ được những người này lấy rổ vớt qua loa là xong.
Chỗ để cắt tiết gia cầm được đặt ngay bên cạnh gốc cây rất bẩn, những bát tiết sau khi cắt ra thì được đặt ngay dưới nền, ruồi nhặng bâu khắp nơi. Vịt ngan thì được đặt trên tấm bìa cứng để vặt lông chứ gà thì bị để ngay ở dưới nền gạch để vặt lông vì sợ lông gà lẫn vào với lông vịt. Lông vịt sau khi vặt được các lò mổ gom lại để bán cho những người có nhu cầu thu mua. Quanh khu vực này bốc mùi hôi tanh nồng nặc khiến người đi qua khó chịu.
Một người phụ nữ trung tuổi vừa luôn tay vặt lông vịt, vừa hồ hởi cho biết: “Lán của chị cũng như các làn khác, không có ai kiểm tra đâu, các em an tâm. Nếu em mua hàng mang về nơi khác tiêu thụ thì chị có thể nhờ đóng dấu kiểm dịch cho. Hoặc các em có thể mang vịt ở nơi khác đến đóng dấu, nhưng phải trả tiền cao hơn”.
Xã không quản lý được Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Duy Gia – Chủ tịch UBND xã Lê Lợi (Thường Tín – Hà Nội) cho biết: “Mỗi ngày chợ Hà Vỹ nhập vào chợ từ 60 – 70 tấn gà, vịt các loại từ khắp các tỉnh phía Bắc. Hiện nay trên địa bàn xã có hơn 1000 gia đình làm dịch vụ giết mổ gia cầm thuê, những gia đình này chủ yếu là làm tự phát nên chính quyền xã cũng không quản lý được. Toàn xã chỉ có 4 lò mổ đã được huyện cấp giấy phép hoạt động và Trạm thú y Thường Tín trực tiếp quản lý”. |