Bộ Công Thương khẳng định, hàng hóa tết dồi dào cộng với sức mua dịp tết không tăng mạnh sẽ khiến cho giá cả hàng hóa Tết năm nay ổn định, thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm sâu...
Đủ thực phẩm cho tiêu dùng tết
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Tết Nguyên đán năm nay, có tới hơn 50 địa phương báo cáo về Bộ sẽ có chương trình bình ổn giá dịp tết, trong khi năm ngoái chỉ có 30 địa phương thực hiện chương trình này.
Số lượng các doanh nghiệp (DN) tham gia bán hàng bình ổn giá đều tăng hơn so với năm trước. Điều này có ý nghĩa không nhỏ trong việc ghìm giá hàng tết. Theo bà Thoa, năm nay, chương trình bình ổn có cả hỗ trợ cho nhà sản xuất, doanh nghiệp lưu thông, vận tải và nhà phân phối. Năm 2011 chỉ có 6.400 điểm bán bình ổn, nhưng năm 2012 đã lên tới 8.000 điểm và năm nay, con số này còn tăng hơn.
Hàng hóa phục vụ tết này sẽ dồi dào, giá cả hợp lý
Bà Lê Ngọc Đào-Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cũng thông báo: Năm nay riêng thành phố có 5 tổ chức tín dụng tham gia cho vay để DN bán hàng bình ổn giá, tổng nguồn vốn khoảng 1.900 tỷ đồng. "Có những mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thực phẩm, chúng tôi chiếm đa số, có thể chi phối và ổn định được giá cả trên toàn địa bàn"- bà Đào khẳng định.
Thực tế, tại các địa phương, giá của chương trình bình ổn luôn thấp hơn thị trường từ 5-10%. Cơ sở để so sánh giá hàng bình ổn là cùng chủng loại, cùng chất lượng. Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết, năm nay sức mua sẽ không tăng mạnh, người dân tiết kiệm chi tiêu sẽ tìm chỗ rẻ để mua hàng nên các siêu thị cũng khó lòng tăng giá mạnh.
Lo tăng giá tâm lý...
Thực tế, tâm lý tiêu dùng của người dân khi sắm tết là lo mua cho nhiều, cho sớm, cho đủ dễ dẫn đến sốt giá cục bộ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, không lo sốt cục bộ. Ông Nguyễn Tuấn Phương - Giám đốc Nhà máy Thực phẩm Đồng Nai cũng cho hay: Dự báo giá hàng tết chắc chắn không có biến động bởi xu hướng mua sắm tết đã không còn như trước. Thay vì mua thực phẩm tích trữ ăn cả tuần trong dịp tết như trước đây, nay, người dân chỉ cần mua ăn trong 2 ngày 30 và mùng 1 Tết vì đến ngày mùng 2 là tiểu thương đã bán trở lại. Áp lực nguồn cung dồn vào mấy ngày tết không còn nên không lo sốt giá cục bộ”.
Người dân nông thôn sẽ có hàng tết như ở thành phố. Mỗi chuyến bình ổn về nông thôn chúng tôi sẽ đưa các hàng thiết yếu nằm trong nhóm 7 mặt hàng để bà con không lo thiếu hàng tết với giá giảm. Ông Chu Xuân Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội |
Một số địa phương cũng cho biết, Tết năm nay, nguồn hàng tăng khoảng 20 – 25% nên sẽ kéo theo sự ổn định về giá. Bà Lê Thị Đào cho biết, các mặt hàng bình ổn chúng tôi sẽ đảm bảo bình ổn trong 2 tháng, từ 1/1/2014 – 1/3/2014. Riêng các mặt hàng thiết yếu không thể thiếu (thịt, trứng), thành phố có chương trình giảm giá cho 3 ngày cận tết.
Người dân nên yên tâm không tăng giá. Thứ trưởng Thoa cũng chia sẻ: Cung thực phẩm không thiếu, và chẳng may thiếu cục bộ ngành công thương cũng sẽ điều tiết được. Riêng ở TP.Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tham gia bình ổn cam kết, ngày cuối cùng của năm sẽ giảm giá từ 6.000 – 10.000 đồng/kg thịt lợn.
Riêng hàng hóa tết cho nông thôn, ông Chu Xuân Kiên- Phó TGĐ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) khẳng định: Người dân nông thôn sẽ có hàng tết như ở thành phố. "Mỗi chuyến bình ổn về nông thôn chúng tôi sẽ đưa các hàng thiết yếu nằm trong nhóm 7 mặt hàng để bà con không lo thiếu hàng tết với giá giảm"- ông Kiên nói.