Lãi suất giảm sâu, có nên gửi tiết kiệm?

Ngày 01/04/2015 00:36 AM (GMT+7)

Hiện nay nhiều ngân hàng (NH) tiếp tục giảm sâu lãi suất tiền gửi mới ở kỳ hạn ngắn. Hiện tại kỳ hạn dưới sáu tháng, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 5,5%/năm thì các NH đang huy động trên dưới 5%/năm. Thậm chí ở kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất tiền gửi chỉ còn trên 4%/năm.

Ngao ngán vì ứ vốn

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết tổng vốn huy động trên địa bàn TP đến đầu tháng 3 đạt gần 1.400.000 tỉ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 15,3% so với tháng cùng kỳ. Trong khi đó tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 3 là 2,3%. Điều đó cho thấy đầu vào ở các NH tiếp tục tăng nhưng đầu ra vẫn chậm chạp.

Còn ông Đặng Quốc Tiến, nguyên Phó Tổng Giám đốc NH Quân đội (MB), thừa nhận hiện nay hầu hết các NH đang dư thừa vốn. Để bơm vốn ra, NH nỗ lực tìm kiếm các doanh nghiệp có thanh khoản tốt vay ngắn hạn để nhanh chóng đẩy vốn ra. Có nhiều NH ưu đãi lãi suất chỉ khoảng 5%, thậm chí 4,4%/năm. “Trong bối cảnh này thì lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm, đó là xu hướng” - ông Tiến nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho rằng dân không biết đầu tư vào đâu nên đành gửi tiết kiệm. NH huy động được vốn nhưng cho vay ra khó khăn. Sắp tới, NH vẫn rơi vào khuynh hướng bí đầu ra nên cần tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi về sâu hơn nữa. “Lãi suất tiền gửi với quy định trần hiện nay cho kỳ hạn dưới sáu tháng là 5,5%/năm thì nên đưa xuống 4,5%/năm. Hiện nhiều NH đang huy động ở kỳ hạn 1-2 tháng với ngưỡng này hoặc thấp hơn nhưng đó là những NH lớn. Vì thế cần hạ thêm 1% lãi suất nữa để đồng loạt mọi NH buộc phải làm theo” - ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, với kỳ vọng kiểm soát lạm phát tốt thì lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn 1-2 tháng có thể xuống mức 4%/năm hoặc thấp hơn nữa.

 Lãi suất giảm sâu, có nên gửi tiết kiệm? - 1

Lãi suất huy động kỳ hạn ngắn giảm sâu nhưng không đều giữa các ngân hàng. Ảnh: YÊN TRANG - Đồ họa: KP

Tiền chạy vòng quanh rồi cũng đổ vào ngân hàng

Nếu lãi suất tiền gửi về sâu ở mức 4%/năm, thậm chí xuống mức trên ngưỡng 3%/năm thì lượng tiền gửi có chảy vào NH trong khi bất động sản được cho là đang ấm nóng, chứng khoán đang phục hồi? Ông Đặng Quốc Tiến thừa nhận sẽ có một lượng tiền đổ vào hai kênh đầu tư này kiếm lời. Tuy nhiên, phần lớn người dân thông thường không quen với việc đầu tư kinh doanh nên họ vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm.

Ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích, với thị trường chứng khoán, người đầu tư cần am hiểu sâu về thị trường chứng khoán cũng như mã cổ phiếu và hoạt động kinh doanh của công ty đó. Vì thế cần phải nghiên cứu mới có thể đầu tư. Còn thị trường bất động sản muốn đầu tư phải có khoản tiền lớn. Mua USD sợ rủi ro, mua vàng thì bị lỗ… “Vậy nên dẫu lãi suất có thấp đi chăng nữa người dân cũng không có lựa chọn khác là gửi tiết kiệm để an toàn vốn và có chút ít lời” - ông Hiếu nói.

Mới đây, Thống đốc NHNN - ông Nguyễn Văn Bình thông tin lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1%-1,5%/năm và kỳ vọng lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống khoảng 7%-9%/năm.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, muốn giảm lãi suất cho vay phải dựa trên cơ sở lãi suất huy động giảm. Kỳ hạn ngắn tiếp tục giảm, lãi suất trung và dài hạn cần tiếp tục giảm sâu hơn. Mức lãi suất trung và dài hạn hiện ở mức 10%-12%/năm vẫn là cao. Phải đưa lãi suất trung và dài hạn về mức khoảng 8%-9%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp. Nói nôm na lãi suất huy động trung bình cho kỳ hạn trên một năm và ngắn hạn chỉ đâu đó khoảng 5%/năm, nhờ đó biên độ cho vay khoảng 3% thì NH sẽ cho vay khoảng 8% là được.

Theo Yên Trang (Pháp luật TP.HCM)
Nguồn:

Tin liên quan