Khi nộp CV vào công ty nào bạn đều có mong muốn tìm được công việc, vị trí thích hợp với mức lương như mong muốn. Đồng thời, bạn sẽ phải trải qua nhiều “ải” của nhà tuyển dụng, từ khâu chọn lọc CV đến vòng phỏng vấn, thử việc.
Và tất nhiên nhà tuyển dụng sẽ khắt khe trong mọi công đoạn, có thể bao gồm cả tâm lý hoài nghi về kỹ năng lẫn trình độ của bạn vì mục tiêu cuối cùng của họ là tìm một ứng viên “đạt chuẩn” nhất. Nếu gặp trường hợp trên bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ làm thế nào để khéo léo thể hiện được kỹ năng và trình độ chuyên môn của mình trước nhà tuyển dụng? CareerLink mách bạn vài cách sau, bạn cùng tham khảo nhé.
Không ngại đưa thông tin “người tham khảo”
Đây là nguồn tin quan trọng để nhà tuyển dụng có thể đối chiếu thông tin bạn mang đến liệu có xác thực hay không. Hãy tiến cử một vài người tham khảo uy tín, có tiếng nói để họ giúp bạn chiếm ưu thế giành lấy công việc mơ ước. Đây cũng là cách tạo điều kiện để nhà tuyển dụng “soi” bạn thật kỹ. Những người tham khảo có thể là sếp cũ, khách hàng, đối tác, đồng nghiệp, nhân viên cũ… Họ sẽ cho thấy toàn bộ tính cách và năng lực của bạn từ mọi góc nhìn và quan điểm. Đây là hình thức “tiếp thị” khôn khéo, được xem là nền tảng để bạn tự tin trình bày những kỹ năng, kinh nghiệm, cũng như lịch sử làm việc, với những thành tích đã gặt hái được ở “thì quá khứ”. Nên nhớ hãy cân nhắc sự chấp thuận và ủng hộ từ người tham khảo để đảm bảo rằng khi nhà tuyển dụng liên hệ đến thì họ sẽ vui lòng chia sẻ chứ không có cảm giác bị làm phiền hay không hài lòng.
Chứng minh bằng việc sẵn sàng có câu trả lời với thái độ tích cực
Đó là thể hiện năng lực của mình bằng phong thái trả lời phỏng vấn tự tin nhất trong buổi phỏng vấn kiếm việc. Đừng ngại ngần nhìn vào mắt đối phương, luôn mỉm cười khi trả lời phỏng vấn. Tốt nhất là trước đó bạn hãy liệt kê những câu hỏi nhà tuyển dụng có thể kiểm tra bạn trong buổi phỏng vấn, đồng thời tự tìm những câu trả lời phù hợp và đúng đắn nhất. Nếu được hãy dẫn dắt câu chuyện một cách tự nhiên nhất để chia sẻ về những dự án, hay những ý tưởng hay ho mà bạn đang nung nấu liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Trong những câu trả lời đừng tự so sánh bản thân mình với một ai khác tốt hoặc kém hơn bạn. Vì như vậy là bạn đang vô tình hạ thấp giá trị của bản thân mình. Thay vì nói “Tôi không biết” hay “Tôi không làm được” mà hãy trả lời “Tôi sẽ tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này”. Hãy chia sẻ với họ những trải nghiệm quý giá mà bạn đã từng trải qua khi làm việc hoặc khi học ở trường, kinh nghiệm thực tập, cộng tác viên dự án cho đến những hoạt động ngoại khóa… Hãy nhớ rằng những kinh nghiệm đó cần liên quan đến công việc hiện tại bạn đang ứng tuyển. Tuyệt đối trung thực với mọi việc vì nhà tuyển dụng họ rất tinh tường và sẵn sàng đặt ra những câu hỏi sâu để đánh giá sự trung thực từ bạn. Những điều đó sẽ không còn khiến họ nghi ngờ về kỹ năng và trình độ mà bạn đang sở hữu.
Chứng minh bằng việc hỏi những câu hỏi phù hợp
Người phương Tây có châm ngôn “Hãy nghi ngờ tất cả”. Hoài nghi là sự khởi đầu của tiến bộ. Đừng chỉ nói “Tôi có kỹ năng giao tiếp tốt” mà hãy thể hiện nó để khẳng định điều bạn đang có. Vì vậy đừng ngại ngần gì hãy trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết bằng việc đặt những câu hỏi hay. Đừng biến buổi phỏng vấn thành một màn trình diễn “độc tấu” của bạn, mà hãy là một buổi gặp gỡ của hai người bạn. Trong vài trường hợp có nhiều nhà tuyển dụng dùng “chiêu” im lặng trong buổi phỏng vấn để xem phản ứng của ứng viên như thế nào. Đó cũng là cách để họ kiểm tra được kỹ năng ứng biến của bạn đến đâu. Vì vậy suốt buổi phỏng vấn, đừng nên quá thụ động, chỉ đăm đăm đợi nhà tuyển dụng hỏi và trả lời. Điều này sẽ khiến sự hoài nghi trong họ về trình độ và kỹ năng của bạn càng lớn. Hãy biết cách đặt câu hỏi ngược lại, cũng như “gợi mở” câu chuyện để buổi phỏng vấn không còn là một bài kiểm tra căng thẳng và áp lực nữa. Những câu hỏi thông minh cũng chính là minh chứng rõ nét nhất chứng tỏ năng lực, cũng như sự hiểu biết của bạn về công ty đang ứng tuyển.
Tự tin trong ứng xử
Thay vì lo lắng, tự ti vì những đánh giá, hoài nghi ban đầu của nhà tuyển dụng thì hãy thể hiện bản thân bằng phong thái tự tin, thể hiện mình sẵn sàng không ngừng học hỏi và vận dụng tốt những năng lực có sẵn để đạt được những thành công.
Dù bạn có nắm rõ các cách thức “lấy lòng” nhà tuyển dụng đến đâu thì điều mà họ quan tâm và chú trọng nhất vốn không phải là hình thức thể hiện bên ngoài mà chính là năng lực và đạo đức của bạn. Chính vì thế để có được công việc như mong muốn, bạn hãy luôn luôn là chính mình trong mắt nhà tuyển dụng với sự tự tin, vững vàng, bản lĩnh. Hy vọng những điều chia sẻ trên sẽ giúp bạn thể hiện bản thân một cách tốt nhất trước các nhà tuyển dụng.