Tiểu thương bán hoa quả tiết lộ, để bán được cam Trung Quốc cho khách, họ đã cất công đi mua bằng được cam Việt Nam chính hiệu để về trộn lẫn và đem bán.
Chị Hương, chủ vườn cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian gần đây vườn cam nhà chị liên tiếp đón các tiểu thương ở Hà Nội về mua cam với số lượng lớn.
Với hơn 14 năm kinh nghiệm trồng và bán cam tại vườn, chị Hương cho hay, việc tiểu thương ở các khu vực lân cận đổ về địa bàn Cao Phong để mua cam tại vườn là có mục đích.
Theo khảo sát của các chủ vườn cam ở Cao Phong tại các khu vực thị xã như Xuân Mai và các chợ đầu mối ở Hà Nội tình trạng cam Trung Quốc “trộn” cam Việt Nam đang diễn ra khá phổ biến.
Thời gian gần đây, do những cảnh báo liên tục của cơ quan chức năng về những độc tố trong hoa quả Trung Quốc đã khiến người tiêu dùng hoang mang và không sử dụng cam và hoa quả Trung Quốc.
“Mục đích chính của các tiểu thương ở miền xuôi ngược lên đây mua cam của chúng tôi chính là việc tráo trộn cam Cao Phong với cam Trung Quốc để tiêu thụ cam Trung Quốc ế”, chị Hương phân tích.
Để chọn được cam Cao Phong "chính hiệu" nhiều khách hàng đã cất công vào tận vườn cam để mua.
Theo lời của nhiều tiểu thương chuyên bán cam chính hiệu Cao Phong ở Hòa Bình, khoảng 3 năm trở về trước, cam Cao Phong mất giá thảm hại. Có những năm cao Cao Phong bán tại vườn chỉ dao động từ 5 -7 nghìn đồng/kg. Vào thời điểm đó, cam Trung Quốc đang rất thịnh hành và được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Do vỏ bề ngoài sần sùi lại giống bị cháy và sám nắng không sáng và đẹp bằng cam Trung Quốc nên cam Cao Phong không tiêu thụ được nhiều”, chủ vườn cam ở Cao Phong phân tích nguyên nhân cam Cao Phong rớt giá những năm trước.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, “cam bẩn bẩn” tại các vườn ở huyện Cao Phong lại được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Giá bán cũng vì thế mà tăng lên. Hiện mức giá bán cam Cao Phong tại vườn dao động từ 35 – 70 nghìn đồng/kg tùy loại.
“Nếu so với giá bán cam Trung Quốc trên thị trường hiện nay là san san như nhau tuy nhiên cam Cao Phong lại được tiêu thụ rất nhanh”, một tiểu thương bán hoa quả ở thị trấn Cao Phong cho biết.
Trái ngược, ở các vùng lân cận và Hà Nội, do việc nhập số lượng lớn cam Trung Quốc từ các đầu mối ở vùng biên nhiều tiểu thương bán hoa quả đang rơi vào tình trạng điêu đứng vì “cam tàu” ế.
“Chỉ còn cách mua cam có thương hiệu và đạt chất lượng cao rồi về trộn vào cam Trung Quốc đem cho khách thử rồi bán tháo mới tiêu thụ dần được số cam Trung Quốc trước đó”, chủ một sạp hoa quả lớn ở thị xã Xuân Mai (Hà Nội) thừa nhận.
Theo các chủ vườn cam ở Cao Phong, hiện nay thương hiệu cam Cao Phong đang được nhiều người biết đến. Cam của họ bán ra đã được tiêu thụ rất nhiều nơi khác nhau. Thậm chí các tiểu thương ở TP Vinh (Nghệ An) cũng đánh cả xe ô tô tải ra mua với số lượng lớn về bán.
“Cam Cao Phong nhìn bề ngoài vỏ sần sùi, không sáng, có nhiều vết nám ở vỏ trái ngược với cam tàu vỏ sáng, bắt mắt. Tuy nhiên khi ăn vào, cam Cao Phong lại rất ngọt và mọng nước trong khi cam tàu ăn vào lại có vị nhạt, không đậm đà”, nữ chủ vườn Cao Phong hướng dẫn.
Tin tức đang được đọc nhiều nhất: |