Bộ NN&PTNT đang nghi ngờ về khả năng tồn dư chất kích thích tăng trong trong cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc đang tràn lan tại các chợ của Việt Nam.
Biến cá Trung Quốc thành cá Việt Nam
Trước tình hình cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc làm mưa làm gió thị trường trong nước, kết quả kiểm tra của Tổng cục Thủy sản cũng cho thấy, tình trạng nhập lậu cá tầm vào Việt Nam thời gian qua là có thực.
Tại tỉnh Lào Cai, trong năm 2012, đã thu giữ 2.600 kg cá tầm nhập lậu, tiêu hủy. Việc nhập lậu chủ yếu được thực hiện qua một số tỉnh vùng biên giới phía Bắc là Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, …
Tuy nhiên, trên quy mô cả nước, hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa rõ quy mô, các đường dây vận chuyển cụ thể như thế nào.
Nhận định chung, ông Dương Tiến Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho hay, cách thức nhập lậu là trứng cá tầm và cá tầm giống hiện được nhập chủ yếu bằng hình thức “xách tay” qua đường hàng không.
Về việc buôn bán, vận chuyển cá tầm hiện nay, thực hiện Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật thực vật hoang dã – Cites tại Việt Nam là đơn vị quản lý, cấp phép nhập khẩu cũng như nuôi trồng mặt hàng cá tầm. Tuy nhiên, hiện, đơn vị này khẳng định chưa hề cấp phép cho bất kỳ đơn vị nào từ trứng đến cá tầm giống.
Do vậy, hiện nay tất cả cá tầm đang được bày bán tại các chợ, nhà hàng, quán ăn nếu là cá tầm không có nguồn gốc, xuất xứ thì đều là cá tầm lậu.
“Thậm chí, cá tầm đang nuôi tại các cơ sở trong nước, nếu không chứng minh được nguồn gốc cũng là sản phẩm nhập lậu”, bà Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định.
Cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam không được kiểm soát chất lượng (Ảnh: ANTĐ)
Lý do bà Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định điều này là do hiện, một số cơ sở nuôi trồng đã mời các chuyên gia Trung Quốc sang chăn nuôi, hoặc thương nhân Trung Quốc “mượn” cơ sở nuôi trồng trong nước để làm trạm trung chuyển, đưa cá tầm nhập lậu vào nội địa tiêu thụ.
Nguy cơ thịt cá tầm Trung Quốc nhiễm chất tăng trọng
Nhận định về chất lượng các loại cá tầm lậu từ Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng nguy cơ rất lớn có tồn dư chất tăng trọng, kích thích lớn trong thịt vì theo thông tin, cá ở Trung Quốc được nuôi trong thời gian rất ngắn.
Bà Thu nói: “Theo thông tin, cá tầm Trung Quốc chỉ nuôi trong thời gian rất ngắn nhưng trọng lượng đạt cao. Nhiều nguy cơ tồn dư chất tăng trọng trong thịt”.
Hiện, Thứ trưởng đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cần lấy ngay mẫu cá tầm Trung Quốc để kiểm tra và công bố kết quả.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Thú y cần triển khai ngay việc quản lý sản phẩm này tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Bất kỳ lô hàng nào kiểm tra không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sẽ buộc tiêu hủy. Không thể để tình trạng, cá tầm vận chuyển với số lượng lớn, phổ biến như vậy mà lại không được kiểm soát.
Để ngăn chặn tình trạng “rửa” cá tầm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu yêu cầu Tổng cục Thủy sản kiểm tra các cơ sở nuôi cá tầm trong nước ở khu vực biên giới, kê khai, giám sát theo quy định như nguồn gốc giống, ngăn ngừa tình trạng trung chuyển sản phẩm nhập lậu. Đối với doanh nghiệp nuôi trong nước, cần đăng ký, khuyến khích chăn nuôi, phát triển nuôi trồng nhưng không thể buông lỏng quản lý. Nếu tiếp tục phát hiện vi phạm sẽ cấm nuôi nhằm giảm bớt tình trạng lợi dụng để “rửa” cá tầm lậu. |