“Chỉ có một tỷ lệ nhỏ người tiêu dùng thực hiện việc khiếu nại, với những nguyên nhân quan trọng nhất là sợ mất thời gian, do không tin vào những cơ chế khiếu nại, khiếu kiện có sẵn, và do cảm thấy mình đơn độc”.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Quyền người tiêu dùng Việt Nam, các vấn đề và giải pháp” diễn ra ngày 12.3.
Ông Lê Quang Bình- Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường cho biết, theo kết quả khảo sát 1.200 người do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường thực hiện mới đây, có một tỷ lệ rất lớn người tiêu dùng có trải nghiệm tiêu dùng không tốt. Cụ thể: gần một nửa (46%) mua phải hàng kém chất lượng/số lượng so với quảng cáo; 40% mua phải hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng; khoảng 1/3 số người tham gia khảo sát đã mua phải thực phẩm hết hạn, ôi hỏng, hàng giả, hàng nhái…; 27,75% số người tham gia khảo sát cho rằng mình bị đối xử không tốt hoặc rất không tốt.
Độc quyền gây nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng, vì mặt hàng, dịch vụ độc quyền tăng giá thì người tiêu dùng không làm gì được.
Tuy nhiên, ông Bình cho biết, chỉ có một tỷ lệ nhỏ người tiêu dùng thực hiện việc khiếu nại, với những nguyên nhân quan trọng nhất là sợ mất thời gian, do không tin vào những cơ chế khiếu nại, khiếu kiện có sẵn và do cảm thấy mình đơn độc.
Đáng chú ý, có đến 90% người được hỏi không biết bất kỳ cơ quan, hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nào. 2-3% sử dụng cơ chế khiếu nại.
Những người đã khiếu nại thì 70% không hài lòng với kết quả, chỉ 28% hài lòng, 2% rất hài lòng.
Khi mua hàng người tiêu dùng chỉ quan tâm thông tin: Hạn sử dụng, xuất xứ, giá cả và chỉ có 17,28% người mua hàng quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Cuối cùng, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra: Độc quyền gây nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng, vì mặt hàng, dịch vụ độc quyền tăng giá thì người tiêu dùng không làm gì được.
Đại diện Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) cho biết, các vấn đề khiếu nại chiếm tỷ trọng cao là về chất lượng và bảo hành hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể: Không thực hiện bảo hành trong thời hạn bảo hành; không cung cấp hàng hóa tương tự để người tiêu dùng sử dụng; không thực hiện đổi mới hoặc hoàn lại tiền theo quy định; kéo dài thời hạn bảo hành, không thông báo rõ nguyên nhân hỏng hóc hoặc đổ lỗi cho người tiêu dùng; không chịu chi phí vận chuyển trong thời gian bảo hành.
Với lĩnh vực an toàn thực phẩm là hàng hóa không đảm bảo chất lượng trong thời hạn sử dụng. Lĩnh vực bảo hiểm là không thực hiện trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng… Ngoài ra, vẫn còn những trường hợp khiếu nại liên quan đến các doanh nghiệp Nhà nước như điện, nước sạch, dịch vụ chuyển phát của bưu điện, khiếu nại vè dịch vụ viễn thông cũng xuất hiện nhiều hơn.
Ông Lê Quang Bình khuyến nghị: “Các cơ quan Nhà nước cần được nhắc nhở để thực hiện trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, bao gồm việc cung cấp thông tin đầy đủ về quyền người tiêu dùng, các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng sẵn có, đơn giản hóa thủ tục khiếu kiện và tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng tự tổ chức lại với nhau bảo vệ quyền của mình”.
Bà Phạm Quế Anh- Giám đốc tổ chức tín thác và đoàn kết vì người tiêu dùng cũng cho rằng, Nhà nước không nên chỉ cho phép các cá nhân khởi kiện như quy định trong luật hiện nay mà cần trao quyền cho các hiệp hội được đại diện cho tập thể người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng.
Đồng thời, các khoản đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng không nên nộp vào ngân sách Nhà nước một cách chung chung như hiện nay, mà phải trả lại cho người tiêu dùng một cách thiết thực thông qua các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng do các tổ chức đại diện cho họ thực hiện.