Nguồn gốc thực sự của nhiều loại “đặc sản Tây Bắc”

Ngày 11/08/2015 08:20 AM (GMT+7)

Từ thực phẩm tươi sống, trái cây đến quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng… đều được những người bán hàng tại chợ Lào Cai thản nhiên xác nhận là có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng vẫn chạy, chợ vẫn đông và thậm chí nhiều thứ khi về xuôi còn trở thành “đặc sản Tây Bắc”.

“Thích ngon” hơn “sợ độc”

Dọc con đường vào chợ Nguyễn Du (chợ Gốc Mít), thuộc phường Kim Tân, TP Lào Cai (Lào Cai) hàng hóa được bày bán la liệt với nhiều chủng loại và mẫu mã bắt mắt. Trong vai khách hàng, chúng tôi ghé vào một cửa hàng bán trái cây, chị bán hàng đon đả: “Mua đi em, toàn hàng tươi ngon cả đấy. Thích loại nào cứ chọn thoải mái. Mua nhiều chị bán rẻ cho”. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của các loại trái cây này, chị bán hàng bình thản: “Em không phải lo, nhà chị bán hàng đảm bảo, hàng nhập ngoại nhưng chị đặt hàng cẩn thận, không độc hại gì đâu”.

Nguồn gốc thực sự của nhiều loại “đặc sản Tây Bắc” - 1

Loại mận Trung Quốc được người bán hàng tại chợ này quảng cáo là hàng ngon, chất lượng, không hề có hóa chất bảo quản. Ảnh N.Mai

Theo giới thiệu của chị này, các loại trái cây như mận, đào hồng ly, táo, dưa hấu, đu đủ… mà chị nói ngoại nhập, không độc hại đều nhập từ Trung Quốc. Nhãn và chôm chôm là hàng Thái Lan. Khi thắc mắc không có đặc sản miền núi để mua về làm quà, chị bán hàng sẵng giọng: “Em thích mua hàng Việt thì có quả Kiwi nhé. Hàng Việt Nam chính gốc đấy!”.

“Nhập hàng Trung Quốc thế này có bán được không chị?”, chúng tôi dò hỏi. Chị bán hàng chép miệng: “Dân mình cứ lo hàng Trung Quốc độc, nhưng bọn chị bán và ăn suốt có thấy ai chết ngay đâu(?!). Ở đây, người ta thích hàng ngon, chẳng mấy ai quan tâm nhập ở đâu, độc hại thế nào”. Thấy chúng tôi tỏ ra lưỡng lự, chị này bồi thêm: “Việt Nam không nhập trái cây Trung Quốc thì lấy đâu hàng mà bán. Các em mua trái cây ở Hà Nội cũng đa phần là của Trung Quốc chứ đâu. Hàng Trung Quốc vẫn còn phổ biến lắm. Mua hàng mà cứ sợ thế này thì “nhịn” cho lành”.

Theo quan sát của chúng tôi thì ngay cả khi người bán nói đây là trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc thì khách hàng là dân bản địa ở đây vẫn mua như thường. Có vị khách còn hồn nhiên rằng: “Cứ ngon là được”.

Tiếp tục ghé vào quầy hàng bán đồ khô cách đó vài trăm mét. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là trên những sản phẩm có đóng gói, dày đặc tiếng Trung, dưới mép túi in dòng chữ “Made in China”. Người đàn ông trung niên lần lượt giới thiệu cho chúng tôi tên, thành phần và công dụng của từng loại. Người này “quảng cáo” sản phẩm một cách thuần thục chẳng khác nào đang bán hàng “cây nhà lá vườn”. “Bác đọc được cả tiếng Trung Quốc à?”, tôi hỏi. Ông này cười lớn: “Kinh nghiệm thôi, chữ nghĩa cần gì. Bán hàng mấy chục năm rồi nên phải biết chứ”.

Đi sâu vào trong chợ, hàng hóa được bày bán khá nhiều. Dừng chân tại một quầy bán quần áo, chúng tôi được giới thiệu đây là nơi “chuyên” bán hàng Quảng Châu (Trung Quốc). Hỏi về giá của một số loại quần áo ở đây, người bán hàng “hét” cao ngất ngưởng. Chúng tôi thắc mắc giá đắt, chị bán hàng phân bua: “Hàng Trung Quốc cũng có nhiều loại. Em yên tâm, nhà chị nhập toàn hàng “xịn” thôi, mua về mặc mấy năm vẫn đẹp. Tiền nào của nấy, nhiều người ham rẻ mua hàng xấu, mặc được dăm bữa nửa tháng rách cứ đổ tại hàng Trung Quốc không chất lượng. Chị bán hàng Trung Quốc bao nhiêu năm tại chợ này, nếu bán hàng vớ vẩn thì sập tiệm lâu rồi, trụ sao đến giờ này được nữa”.

Về xuôi thành…đặc sản Tây Bắc

Nguồn gốc thực sự của nhiều loại “đặc sản Tây Bắc” - 2

Tại cửa hàng bán thực phẩm khô này, 100% hàng đều được ông chủ nhập từ Trung Quốc. Ảnh N.Mai

Quay lại với những hàng bán trái cây, khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc quả thanh mai và mận tím “khủng” được quảng cáo là đặc sản Sa Pa từng “làm mưa làm gió” tại thị trường Hà Nội thời gian vừa qua, một chủ sạp hàng trả lời như đinh đóng cột: “Sa Pa không có quả thanh mai. Chỉ có quả dâu rừng mọc dại ở một số địa phương, nhưng đó không phải loại quả mà mọi người nhắc đến. Nhà tôi ở ngay gần Sa Pa, nếu có thì tôi đã biết. Quả tên thanh mai chắc chắn là của Trung Quốc”.

Chỉ vào thùng xốp đựng đầy những quả mận màu tím căng bóng, người này tiếp tục: “Quả mận tím to như nắm tay này cũng không phải đặc sản trên Sa Pa đâu. Mận này chúng tôi nhập của Trung Quốc về bán. Ở Sa Pa chỉ có mận tím to bằng ngón chân cái thôi, nhưng hết mùa từ cuối tháng 6 rồi. Tại người dưới xuôi (Hà Nội – PV) sợ hàng “Tàu” nên họ mới phải nói dối để bán hàng”.

Không chỉ các loại trái cây có thể “đội lốt” đặc sản vùng núi để dễ tiêu thụ hàng, rất nhiều thực phẩm, đồ gia dụng khác cũng “ăn theo” xu hướng này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hạt dẻ Trung Quốc cũng đang được bán phổ biến tại đây. Ông chủ cửa tiệm bán đồ khô giới thiệu, hạt dẻ mới được nhập về, ăn rất ngon và bùi. Loại ngon giá 150.000 đồng/kg, loại bình thường có giá 100.000 đồng/kg (đã rang chín). Ông này cho hay: “Sắp tới mùa lạnh, sức tiêu thụ hạt dẻ lại tăng cao nên tôi nhập về bán dần. Ở Việt Nam chỉ có Cao Bằng và Lạng Sơn có loại hạt này nhưng chưa phải mùa, nguồn hàng ít mà không bảo quản được lâu. Nhiều người mua được hạt dẻ ở miền núi này nhưng có thể vẫn là hàng của Trung Quốc. Thậm chí, hạt dẻ bán tại thị trường Hà Nội được “gắn mác” đặc sản Tây Bắc thực chất cũng là của Trung Quốc cả thôi”.

Có một thực tế rằng, đa phần những người bán hàng tại khu chợ này khi được hỏi nhập hàng ở đâu, họ đều rất thẳng thắn nói rằng hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhiều người còn “quảng cáo” hàng Trung Quốc ngon hơn, tốt hơn hàng ở trong nước. Những người bán hàng ở đây thừa nhận: “Chúng tôi nhập hàng ở đâu là nói đúng ở đó, không phải nói dối. Miễn có hàng và hàng ngon là dân mình vẫn tiêu thụ hết, có thấy ế hàng bao giờ đâu?!”.

Theo Mai Thùy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan