Mặc dù thuế nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi có xuất xứ từ các nước ASEAN được điều chỉnh về 0% nhưng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam trong quý đầu tiên của năm vẫn sụt thê thảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo con số vừa được Tổng cục Hải quan công bố, số lượng ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam trong 3 tháng đầu năm là 4.200 chiếc, trị giá 118 triệu USD. Mặt hàng này đã giảm tới 84% về lượng và gần 76% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam trong những năm qua chủ yếu là ô tô dưới 9 chỗ ngồi và ô tô tải. Trong quý vừa qua, cả 2 mặt hàng này đều sụt giảm mạnh.
Cụ thể, trong quý đầu tiên của năm, chỉ có 3.100 ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam, giảm 80,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo tính toán, giá nhập khẩu bình quân của loại ô tô này trong quý 1 đạt hơn 22.000 USD/chiếc, cao hơn so với thời gian trước đó. Năm 2017 giá xe bình quân đạt hơn 18.000/chiếc và năm 2016 là khoảng 14.000 USD/chiếc.
Ngoài ra, đã có sự chuyển dịch nhẹ về xuất xứ của xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi cho Việt Nam. Giai đoạn 2011-2017, nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là xe có xuất xứ từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản. Tuy nhiên, Trong quý 1/2018, loại xe này lại chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với hơn 2.9000 chiếc, chiếm tỷ trọng hơn 95%.
Với ô tô tải, trong quý 1/2018, cả nước chỉ nhập khẩu 839 chiếc, giảm 90,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thuế về 0% nhưng ô tô nguyên chiếc nhập về Việt nam vẫn sụt giảm thê thảm
Việc sụt giảm trên theo giới kinh doanh là do ảnh hưởng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Đây là Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô có hiệu lực từ 01/01/2018.
Một trong những điểm khiến giới kinh doanh ô tô nhập khẩu lo lắng ở nghị định trên là quy định phải cung cấp cho các cơ quan quản lý chất lượng các loại giấy tờ như: Bản sao giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại xe ô tô nhập khẩu cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; Bản chính phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở nước ngoài;…
Giới kinh doanh cho rằng, những giấy tờ trên có phần khắt khe, ví dụ như giấy chứng nhận xuất xưởng bởi vốn dĩ giấy này chỉ cấp cho xe bán nội địa hoặc nhiều cơ quan thẩm quyền của nước sở tại không cấp loại giấy tờ này.