Sản xuất nước đá bẩn đến mức người đứng đầu cơ quan quản lý thực phẩm tại TP HCM khuyên người tiêu dùng nên tự làm nước đá tại nhà, ra ngoài thì dùng thức uống ướp lạnh thay vì uống trực tiếp nước đá
Trong lúc cơ quan quản lý cho rằng các quy định đối với nước đá thực phẩm đã có 5 năm nhưng chưa áp dụng là quá chậm thì nhiều cơ sở sản xuất lại cho rằng “không khả thi” và nếu áp dụng sẽ “dẹp tiệm” mà không hề đề cập sức khỏe người tiêu dùng. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “An toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nước đá trên địa bàn” do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP HCM tổ chức ngày 22-7.
Bẩn từ sản xuất đến quán ăn
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP HCM, cho biết nước đá là thực phẩm phổ biến mà hầu như ai cũng sử dụng, lại dùng ngay, không qua khâu xử lý chế biến nào khác. Tuy nhiên, chất lượng nước đá thì ở mức báo động. “Với 22 mẫu nước đá được lấy tại cơ sở sản xuất thì có 12 mẫu (54,5%) bị phát hiện nhiễm vi sinh E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc, Pseudomonas aeruginosa” - ông Hòa nói.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục ATVSTP TP HCM, nước là nguyên liệu duy nhất để sản xuất nước đá nhưng nhiều nhà máy không kiểm soát được chất lượng nguồn nước. Kết quả tổng kiểm tra 193 cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn (tỉ lệ 100%) thì có 114 cơ sở sử dụng nước giếng khoan, trong đó có đến 64 cơ sở không thực hiện việc xét nghiệm sau xử lý nước và 13 cơ sở không xét nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định. Trong khi theo quy định, cơ sở phải xử lý đạt 109 chỉ tiêu (riêng chi phí thực hiện xét nghiệm này đã trên dưới 20 triệu đồng/lần) mới được đưa vào sản xuất nước đá.
Nhiều nhân viên giao đá chạy xe máy chỉ còn trơ khung, nước đá đựng trong bao không bảo đảm vệ sinh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nước đá còn vướng hàng loạt vi phạm khác như điều kiện về sức khỏe, thiết bị dụng cụ, bảo quản, công bố thực phẩm...
Khâu phân phối nước đá còn kinh hoàng hơn. Theo tìm hiểu của phóng viên, tỉ lệ các nhà máy giao nước đá trực tiếp đến nhà hàng quán ăn rất ít mà chủ yếu là qua đại lý. Gọi là “đại lý” nhưng nhiều nơi chỉ là một thùng đá cộng thêm tấm bạt trải lề đường rồi giao lẻ đi các nơi, nhiều nơi còn chặt đá cây ngay dưới nền đất bẩn trước khi đem giao. Nhiều nhân viên giao đá chạy xe máy chỉ còn trơ khung, nước đá đựng bằng bao PP chảy tong tong khắp đường.
Không thấy ngộ độc nên sạch rồi (?!)
Theo ông Nguyễn Dĩa, Phó Giám đốc Công ty Sản xuất nước đá Hân Trân (quận 8), trước giờ không có vụ ngộ độc nào do nước đá gây ra và với 30 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Dĩa cho rằng nước đá bây giờ đã sạch hơn trước rất nhiều. “Chất lượng nước đá tại xưởng đã tốt lắm rồi, nhà nước nên tập trung quản lý chuỗi nước đá ở khâu phân phối; ở đó thực hiện san, sớt, nhiễm bẩn rất nhiều” - ông Dĩa chuyển hướng.
Còn ông Phan Trọng Kim, đại diện Công ty TNHH Long Hòa (huyện Cần Giờ), cho rằng nếu thực hiện theo quy định về xử lý nguồn nước và sử dụng bao bì kín thì chỉ doanh nghiệp lớn có tiền đầu tư chứ cơ sở nhỏ là không thể. Ông Kim cho hay giá một bao nước đá viên xuất xưởng chỉ 9.000 đồng (từ 20-25 kg), những cơ sở lớn thì có thể bán được 10.000 đồng/bao, riêng tiền bao đã “ngốn” hết 1.200 đồng. Theo tính toán của ông Nguyễn Thế Trung, đại diện Công ty Sản xuất nước đá Trung Lợi (quận 9), dùng bao nhựa PE thay bao PP sẽ tăng chi phí lên 5.000-6.000 đồng/bao, nếu ghi nhãn nước sẽ tăng thêm 500 đồng/bao nên sẽ rất khó tiêu thụ.
Do vậy, nhiều cơ sở sản xuất nước đá ra sức bảo vệ bao PP vì cho rằng như vậy là đủ “sạch”. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai đã nêu lên một sự thật từ công tác quản lý là nhiều nơi thu hồi bao PP về tái sử dụng. “Các bao này được vứt lung tung rồi cho vào bồn giặt, nước dơ như nước cống, các cơ sở dù cố đổ nhiều Cloramin B (chất khử khuẩn) để xử lý nhưng không thể sạch được. Những quy định trên đã có từ năm 2010, tức là đã hơn 5 năm mà các cơ sở không thực hiện thì có quá chậm không?” - bà Mai đặt vấn đề.
Ra quân chặn nước đá bẩn Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho biết sắp tới sẽ ra quân chấn chỉnh ngành nước đá, đối với các đại lý sẽ có cuộc khảo sát toàn diện và đề xuất đây phải là cơ sở kinh doanh có điều kiện, phải được kiểm tra điều kiện ATVSTP. Chi cục cũng tiến hành chặn đầu ra của nước đá bẩn bằng việc buộc các cơ sở dịch vụ ăn uống phải sử dụng nước đá từ những cơ sở bảo đảm quy định. Ông Hòa cũng phủ nhận việc nước đá chưa từng gây ngộ độc thực phẩm và cho biết lo nhất là các vấn đề ngộ độc mãn tính khi sử dụng nước đá không an toàn. Ông Hòa khuyến cáo người dân nên tự sản xuất nước đá từ tủ lạnh tại nhà, khi ra ngoài nên dùng thức uống ướp lạnh thay vì uống trực tiếp nước đá để tránh nguy cơ ngộ độc. Theo các chuyên gia y tế, sử dụng nước nhiễm vi sinh (E.coli và Coliforms, Feacal streptoccoc) có thể gây bệnh về đường ruột, tiêu chảy cấp, một số có thể gây suy thận, nhiễm khuẩn huyết. Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... sẽ gây chết người. Với các cơ sở sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (thủy ngân, chì, asen, kẽm,...), nhiều loại có khả năng gây ung thư cho người dùng. |