Đúng với diễn biến của giá xăng dầu thế giới hiện nay, các chuyên gia kinh tế phân tích: Giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành vài ngày tới khó có thể tiếp tục tăng lên.
Xăng dầu thế giới “giảm giá tệ nhất”
Quý III năm nay được xem là quý “giảm giá tệ nhất năm” của cả dầu thô Mỹ và dầu Brent. Biến động trái chiều song nhìn chung giá dầu thô thế giới đã liên tục đi xuống và đứng ở mức thấp kể từ cuối quý III, tác động đáng kể đến việc điều chỉnh giá mặt hàng này trong nước tới đây (dự kiến diễn ra vào ngày 3.10 nếu không trừ ngày nghỉ thứ Bảy, đúng theo chu kỳ 15 ngày).
Trong khi đó, sau hơn 3 tháng giảm giá liên tiếp kể từ giữa tháng 6, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng trở lại hôm 18.9 vừa qua. Theo đó, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp tăng giá xăng 612 đồng/lít; xăng E5 cũng tăng 612 đồng/lít; dầu diezel tăng 576 đồng/lít, dầu hỏa tăng 513 đồng/lít và dầu mazut tăng 297 đồng/kg.
đồng loạt hôm 18.9 cũng đồng thời với lúc giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh, đặc biệt sau quyết định không tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), giá dầu thế giới đã giảm mạnh nhất, kéo theo giá xăng dầu thành phẩm thế giới cũng giảm mạnh theo.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Đúng với diễn biến của giá xăng dầu thế giới hiện nay thì giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành vài ngày tới khó có thể tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, được biết các doanh nghiệp xăng dầu trong nước lại vẫn đang kêu lỗ với muôn kiểu lý do như thiệt tỷ giá, lỗ chi phí kinh doanh xăng dầu...”.
Những con số trái ngược của giá xăng dầu
Từ đầu năm đến nay, mặc dù đã giảm 7 lần (tổng cộng 5.586 đồng/lít) và tăng 5 lần (tổng cộng 5.652 đồng/lít) nhưng mức vẫn cao hơn mức giảm. Giá xăng hiện tại đang cao hơn cuối năm ngoái khoảng gần 100 đồng/lít. Điều này cho thấy, mặc dù giá xăng dầu có tăng có giảm thời gian qua, song điều hành giá mặt hàng này chưa thật khớp với diễn biến của thị trường thế giới, tăng vẫn nhiều hơn giảm trong khi giá thế giới giảm lại mạnh hơn tăng.
Chỉ số giá nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu quý III/2015 vừa được Tổng cục thống kê công bố hôm 24.9 cũng cho thấy, giá nhập khẩu xăng dầu các loại, dầu thô đều giảm mạnh tới 11,72% (do nguồn cung dầu từ Mỹ và Saudi Arabia hiện đang ở mức cao kỷ lục trong hơn 30 năm qua) trong khi giá các mặt hàng này trong nước lại vẫn có kỳ điều chỉnh tăng (ngày 18.9). Và nếu tính bình quân 9 tháng đầu năm nay thì chỉ số giá nhập khẩu nhóm hàng nhiên liệu (chủ yếu là xăng dầu, dầu thô và khí đốt hóa lỏng) có mức giảm kỷ lục là 38,68%. Thế nhưng với mặt hàng xăng dầu tổng tăng giá vẫn lớn hơn tổng giảm giá trong 9 tháng qua.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cũng nêu rằng, với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới vừa qua, phản ánh vào thị trường trong nước thì tăng lại rất cao, giảm thì rất thấp, không có sự tương xứng.
Theo ông Thỏa, yếu tố cơ bản tác động đến giá xăng dầu trong nước hiện nay chính là tỷ giá tính trên giá nhập khẩu để quy ra đồng Việt Nam rồi tính giá cơ sở đã tăng lên đáng kể. Ngoài ra hiện chi phí kinh doanh được Nhà nước ấn định cho mỗi lít xăng là 1.050 đồng/lít, tăng khoảng 50-70% tuỳ loại mặt hàng xăng dầu so với trước. Hai yếu tố này tổng hoà lại đã “kích” giá xăng dầu lên một mặt bằng mới cao hơn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, các cơ quan điều hành giá xăng dầu cần có câu trả lời và giải thích rõ cho người dân về những con số thống kê giá trái ngược. Cho đến nay, người dân chỉ biết, khi điều hành tăng giá xăng dầu, cơ quan Nhà nước đều lấy lý do giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng, làm giá cơ sở tăng rồi tăng giá xăng dầu trong nước, trong khi các con số thống kê giá thế giới của ngành thống kê lại có diễn biến ngược lại, làm người tiêu dùng bức xúc.
“Đã là giá xăng dầu theo thị trường thì cứ giá thế giới lên mình lên, thế giới xuống mình xuống, phải căn cứ vào đó chứ sử dụng giá cơ sở là không hợp lý, bởi giá cơ sở còn gồm nhiều thuế, phí, chi phí mà người tiêu dùng khó có thể biết rõ…” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua (1.10), dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 11 đã giảm 14 cent xuống 45,09 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô Brent giao tháng 11 lại tăng 14 cent lên 48,37 USD/thùng. So với đầu tháng 9, giá dầu thế giới đã giảm gần 9%. Quý III năm nay được xem là quý “giảm giá tệ nhất năm” của cả dầu thô Mỹ và dầu Brent. Trong 5 quý gần nhất thì giá dầu suy sụp trong 4 quý. Giá dầu Mỹ giảm 14,38 USD/thùng, tương ứng 24%. Giá dầu Brent giảm 15,22 USD/thùng, tương đương 24%. |