Thăm vườn cây 7 loại quả của lão nông Hà Nội

Ngày 02/01/2014 22:22 PM (GMT+7)

Một lão nông không qua trường lớp đào tạo nhưng ông lại có thể ghép thành công một cây cho 7 loại quả chín vào đúng dịp tết Nguyên Đán.

Chủ nhân ghép thành công cây cho 7 loại quả ông Lê Đức Giáp ở thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.

“Tôi có thể ghép được cây có 9 loại quả”

Ở tuổi 61 nhưng hàng ngày ông Giáp vẫn say mê, tỉ mẩn chăm sóc bên vườn cây ngũ quả của gia đình. Dẫn chúng tôi thăm vườn cây sum suê các loại quả, ông Giáp cho biết, năm 2008, trong một lần đi chợ bán cây cam cảnh ông bỗng nảy sinh ý tưởng trồng một cây cho ra nhiều loại quả.

“Thời điểm đó, tôi nghĩ tết năm nào người dân cũng chơi đào quất thì cũng chán. Vì vậy tôi đã nghĩ đến việc ghép một cây cho ra nhiều loại quả. Phần tôi muốn tạo ra nét mới, độc lạ và phần tôi muốn không khí ngày tết thêm ấm áp hơn khi có cây ngũ quả trong nhà”, ông Giáp chia sẻ.

Nghĩ là làm, ngay sau buổi chợ hôm ấy ông Giáp về nhà và bắt đầu trồng thí nghiệm thử 3 gốc bưởi chua. Ban đầu, ông Giáp chỉ dám ghép thử quả cam, chanh, phật thủ. Tuy nhiên, đến gần tết, các cây ông Giáp trồng lại cho kết quả không như mong đợi. Quả cam, ông Giáp ghép có thể chín vào đúng vào dịp tết nhưng quả bạch thủ lại chín trước thời điểm tết.

Thăm vườn cây 7 loại quả của lão nông Hà Nội - 1

Năm nay ông Giáp trồng hơn 100 gốc cây ngũ quả. Cây thấp nhất có giá 1 triệu đồng,cây cao nhất lên đến 10 triệu đồng

Thất bại từ lần trồng thí nghiệm đầu tiên nhưng ông Giáp không nản lòng, tết năm sau ông lại tiếp tục trồng thí nghiệm 6 gốc bưởi chua. Lần này để các lọai quả chín cùng vào đúng thời điểm tết Nguyên Đán ông Giáp đã chọn thời điểm ghép quả khác nhau. Tháng 5 ông Giáp ghép quả bưởi, tháng 7, 8 ghép quả cam, quýt, chanh. Tháng 9 ông Giáp mới ghép quả bạch thủ.

Ông Giáp kể, quả bạch thủ chỉ mất từ 8 đến 9 tháng là quả chín, còn các loại quả khác sẽ mất khoảng 12 tháng (từ lúc ra hoa đến lúc chín). Nếu quả bạch thủ mà ghép cùng các loại quả bưởi, cam, quýt thì coi như hỏng, quả trên cây sẽ chín không đồng đều.

Sau lần ghép quả thứ hai thành công, năm 2011 ông Giáp bắt đầu ghép thêm 80 gốc bưởi chua với đủ các loại quả. Các cây ông Giáp ghép đúng kỹ thuật nên năm đó chỉ mất khoảng gần chục gốc bị chết. Năm 2013, ông Giáp tiếp tục mở rộng trồng gần 100 gốc bưởi ghép cây ngũ quả. Ngay từ thời điểm đầu tháng 12 âm lịch, những cây ngũ quả trong vườn nhà ông Giáp đã “cháy hàng” bởi khách đến đặt mua quá đông.

Thăm vườn cây 7 loại quả của lão nông Hà Nội - 2

Năm nay, ông Giáp ghép thành công 4 cây có 7 loại quả gồm: Bưởi, cam ngọt, quýt, cam V2 (loại cam giống từ Malaysia), bưởi đỏ, bạch thủ, quất

Dịp tết Nguyên Đán năm 2014, có nhiều du khách thích thú cây ngủ quả đã đến đặt ông Giáp ghép cây cho 7 loại quả. Hiện tại trong vườn nhà ông Giáp có 4 cây cho 7 loại quả. Cây có chiều cao 2,5 m, tán rộng 1,5m. Ngoài 5 loại quả thông thường ông Giáp đem ghép thêm quả cam V2 (giống cam từ Malaysia), bưởi đỏ.

“Cây 7 loại quả trong vườn còn hạn chế là bởi tôi chỉ ghép cho những khách đến yêu cầu. Còn lại phần lớn tôi ghép cây cho 5 loại quả bởi vì nó tượng trưng cho mâm ngũ quả ngày tết và nó giống như một vật thể sống. Hiện đã có một số khách đặt hàng nên tôi dự định sang năm sẽ ghép thêm một số cây cho ra 9 loại quả”, ông Giáp nói.

Thăm vườn cây 7 loại quả của lão nông Hà Nội - 3

Trên mỗi cây ngũ quả có khoảng 10 quả bưởi

Thăm vườn cây 7 loại quả của lão nông Hà Nội - 4

Ngoài loại bưởi ngọt, ông Giáp còn ghép thêm cả bưởi đỏ đểcây ngũ quả trong vườn nhà đa dạng về màu sắc

Ông Giáp cho hay, sở dĩ ông chọn gốc bưởi chua để ghép các loại quả bởi gốc bưởi có bộ rễ khỏe, chịu được ngập úng. Mặt khác các loại cây có múi đều có thành phần dinh dưỡng giống nhau do vậy khi ông đem ghép các loại quả cam, chanh, bưởi, quýt vào cây bưởi chua, các loại quả thích ứng nhanh và có tỉ lệ sống sót khá cao.

“Khi ghép quả vào cây cần phải lưu ý chọn quả còn xanh, cuống của quả tương xứng với cành cây mình muốn ghép, khi ghép xong phải dùng túi nilong quấn chặt lại. Điều đặc biệt hơn, phải chọn thời tiết khô ráo lúc ghép bởi nếu gặp trời mưa vết ghép bị ngấm nước, cây dễ bị thối”, ông Giáp chia sẻ.

Thăm vườn cây 7 loại quả của lão nông Hà Nội - 5

Thời điểm tháng 10 (âm lịch) ông Giáp bắt đầu ghép quả bạch thủ vào cây

Thăm vườn cây 7 loại quả của lão nông Hà Nội - 6

Cam ngọt được ghép vào tháng 8

Thăm vườn cây 7 loại quả của lão nông Hà Nội - 7

Quả quất trên cây ngũ quả vẫn còn xanh

Việc chăm sóc cây ghép quả cũng không quá cầu kỳ, ông Giáp thường tưới nước, chăm bón, phun thuốc trừ sâu hàng tháng. Giai đoạn trước tết một tháng, ông Giáp bắt đầu tháo gỡ các túi nilong trên vết ghép và tưới nước đều đặn để cây khỏe đâm chồi nảy lộc vào dịp tết.

Cây ngũ quả “cháy hàng” trước tết

Chỉ học hết cấp hai nhưng một lão nông như ông Giáp lại ghép thành công cây cho nhiều loại quả được nhiều người ngợi khen. Ông Giáp nói rằng, cây ngũ quả được người dân chọn mua ngoài yếu tố độc, lạ nó còn đem lại không khí ấm áp cho nhiều gia đình trong dịp tết.

Cũng do vậy, mà thời điểm trước tết, những cây đẹp trong vườn đều được người dân từ các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình…đến đặt tiền, treo biển có chủ từ sớm. Theo ông Giáp, trong vườn có hơn 100 gốc, hiện tại đã bán gần hết, chỉ còn lại một số ít cây. Cây đẹp trong vườn nhà ông có giá cao nhất 10 triệu đồng, cây thấp 1 triệu đồng.

Thăm vườn cây 7 loại quả của lão nông Hà Nội - 8

Nhiều người chọn mua cây ngũ quả bởi yếu tố độc, lạ và sự ấm ápcây ngũ quả mang lại trong ngày tết

“Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm trước tết khoảng nửa tháng, cây ngũ quả trong vườn nhà tôi lại “cháy hàng”. Có thời điểm, nhiều khách hàng gọi điện đến đặt mua cây nhưng tôi phải từ chối vì không còn cây mà bán. Mới tuần trước, cũng có một khách hàng từ Miền Nam ra tận vườn mua 5 cây ngũ quả chở về chơi dịp tết”, ông Giáp cho hay.

Thăm vườn cây 7 loại quả của lão nông Hà Nội - 9

Nhiều cây đẹp trong vườn đã được các chủ doanh nghiệp đến đặt muavà đề biển có chủ ngay từ giữa tháng 11

Với diện tích hơn 1ha trồng cam, quýt, gia đình ông Giáp dành ra 3 sào để trồng cây ghép có nhiều loại quả. Năm 2012, ông Giáp trồng hơn 100 cây ngũ quả đem về thu nhập gần 300 triệu đồng. Năm 2013, cũng với hơn 100 gốc, ông Giáp thu về gần 400 triệu đồng.

Thăm vườn cây 7 loại quả của lão nông Hà Nội - 10

Khách ở Hà Nội xuống vườn nhà ông Giáp xem và chọn mua cây ngũ quả

Cây ngũ quả dù có giá cao nhưng vẫn được nhiều người dân ưa chuộng trong dịp tết. Có mặt tại vườn nhà ông Giáp, anh Nguyễn Văn Hải, 38 tuổi, quê ở Hà Nội tỏ ra thích thú với vườn cây ngũ quả. Sau nửa tiếng xem cây, anh Hải đã chấp nhận bỏ ra khoản tiền 6 triệu mua một cây ngũ quả trong vườn.

Anh Hải nói: “Năm nay nhà tôi có khách ở miền Nam ra ăn tết cùng gia đình nên tôi muốn mua cây ngũ quả để thay đổi không khí trong gia đình. Ngày tết, mà cứ chơi đào quất mãi tôi cũng thấy chán. Vẫn biết mua cây ngũ quả, giá đắt nhưng tôi thấy hài lòng vì đó là hình ảnh lạ, độc đáo”.

Thăm vườn cây 7 loại quả của lão nông Hà Nội - 11

Đến thời điểm hiện tại, cây ngũ quả trong vườn nhà ông Giáp gần như “cháy hàng”

Theo Đức Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan