Dịp cuối năm, thời điểm nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao đột biến cũng là lúc thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc được dịp "tung hoành".
Tràn lan thịt thối, thịt bẩn
Mời đây nhất, ngày 4/1, tổ kiểm tra tuyến (công an TP Hà Nội) do phòng bảo vệ chính trị 4 chủ trì phối hợp với đội 7 – PC46 và đội quản lý thị trường số 11 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã bắt giữ xe khách chở 1,1 tấn nội tạng đã bốc mùi hôi thối.
Hơn 1 tấn nội tạng bốc mùi hôi thối (Ảnh: N.Quyết)
Trước đó, vào ngày 28/12, tổ kiểm tra tuyến thuộc phòng Bảo vệ chính trị IV (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, phát hiện xe ô tô khách mang biển kiểm soát 98K-5444 có nhiều biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hơn 6 tạ nội tạng thối có nguồn gốc từ Trung Quốc. Số hàng bị bắt giữ đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đang trong quá trình phân hủy.
10 thùng xốp chứa nội tạng bị bắt giữ
Số nội tạng động vật bao gồm cả lợn, trâu, bò…đều được bảo quản bằng hóa chất, độc hại và đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi. Nếu số nội tạng trên mà vận chuyển trót lọt, các nhà hàng sẽ tẩy rửa chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Khách hàng sẽ khó lòng phát hiện ra đâu là thật, giả và thực phẩm này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Ngày 13/1, lực lượng thú y Bình Chánh (TP.HCM) đã phát hiện 584 thùng thịt bò đông lạnh tương đương với hơn 12 tấn xuất xứ từ Canada, Úc đã hết hạn sử dụng 2 năm trước được bảo quản trong kho đông lạnh cùng với các mặt hàng hải sản khác.
Lượng thịt bò ngoại quá đát đang bị cơ quan chức năng tạm giữ
Ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng Trạm Thú y huyện Bình Chánh, TP HCM - cho biết đến chiều 24-12, vẫn chưa xác định được chủ lô hàng 12 tấn thịt bò Úc, Canada đã hết hạn sử dụng gần 2 năm được phát hiện ở kho Nhan Lý (5B/19K Trần Đại Nghĩa, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh).
Trạm Thú y huyện Bình Chánh còn cho biết thêm, hiện có tình trạng cơ sở sản xuất đăng ký sản xuất khô heo, toàn bộ nguyên liệu đầu vào được kiểm soát đúng quy định nhưng khi ra thị trường, tiểu thương lại phù phép thành khô bò. Lý do là các cơ sở khi bán sỉ ra thị trường thường đóng thành thùng lớn, bán dưới dạng hàng xá cho tiểu thương nên nhãn không còn tác dụng. Khô heo này có hình dáng rất giống khô bò vì được sản xuất với cùng công thức và gia vị, giá bán tại chợ lẻ từ 400.000 đồng - 420.000 đồng/kg trong khi giá sỉ chỉ khoảng 220.000 đồng/kg.
Tại cuộc họp về an toàn thực phẩm (ATTP) và chất lượng vật tư nông nghiệp hôm qua (9/12), nhiều thông tin lo ngại về thịt, rau, củ quả, được các cơ quan cảnh báo dịp cuối năm.
Qua thanh tra, phát hiện 4/54 mẫu thịt gà chứa vi khuẩn Campylobacter spp (loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm); 2/40 mẫu và 4/40 mẫu dương tính lần lượt với 2 chất cấm là Chloramphenicol và Furazolidon (2 loại kháng sinh cấm sử dụng trên chăn nuôi ở Việt Nam); 4/40 mẫu phát hiện thấy kháng sinh Tetracycline vượt giới hạn dư lượng tối đa cho phép.Theo các chuyên gia, Chloramphenicol rất nguy hiểm, có thể gây ung thư máu, loạn tạng máu, viêm dây thần kinh thị giác, gây hư hại tủy xương...
Rượu lậu, rượu giả được dịp tung hoành
Từ ngày 2 đến ngày 7/12, cơ quan chức năng ghi nhận trên địa bàn TP. Hạ Long và Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra 5 vụ ngộ độc rượu, làm 15 người phải nhập viện, trong đó có 6 người đã tử vong.
Những người này đều dùng rượu được đóng trong can nhựa loại 2 lít, nhãn mác bên ngoài ghi 'Rượu nếp 29 Hà Nội', của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội sản xuất ngày 12/10/2013.
Kết quả kiểm định các mẫu rượu thu được từ các vụ ngộ độc trên cho thấy hàm lượng methanol và ethanol trong rượu chiếm từ 80-98%, vượt từ 1.600 đến 1.900 lần tiêu chuẩn cho phép (theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7044:2009).
Một bệnh nhân ngộ độc rượudo uống 'Rượu nếp 29 Hà Nội'
PGS.TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong thời gian gần đây số người bị ngộ độc rượu đang có xu hướng tăng. Người Việt uống rượu cũng nhiều hơn. Nhiều người có con thi đỗ, mừng công, “rửa” xe mới, kinh doanh thất bại hay bị người yêu “đá”,... họ cũng tìm đến rượu.
Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội khai nhận
Trước sự việc nghiêm trọng này, TP Hà Nội yêu cầu tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội; niêm phong sản phẩm hàng hóa, dây chuyền sản xuất, kho hàng để tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm định đánh giá chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý theo quy định.
Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội và hai nhân viên phụ trách kỹ thuật sản xuất, pha chế rượu đã bị Cơ quan CSĐT bắt giữ.
Sau vụ bê bối rượu độc của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội không lâu, ngày 14/12, Chi Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho hay, Đội quản lý thị trường số 17 (Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội) vừa phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường, công an Thành phố Hà Nội đã kiểm tra, tạm giữ 790 thùng rượu không đủ tiêu chuẩn và điều kiện sản xuất.
Liên tục phát hiện và bắt giữ rượu không đủ tiêu chuẩn tại Hà Nội (ảnh minh họa)
790 thùng rượu trên tương đương 9.480 chai, bao gồm các loại rượu vodka, vang nho, champagne dung tích 700ml, đều không có giấy phép sản xuất.
Toàn bộ số hàng thuộc sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn rượu và nước giải khát Việt Pháp, đóng tại 245 Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Bánh kẹo, ô mai bẩn tràn lan
Càng gần Tết, công tác quản lý thị trường càng được siết chặt , các cơ quan chức năng đã phát hiện số lượng lớn các loại bánh kẹo, sữa lậu nguồn gốc không rõ ràng được tồn vào Thủ đô nhằm tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ sắp tới.
Các thùng bánh kẹo, ô mai lậu ngoài in chữ Trung Quốc nhưng trong lại in nhãn mác tiếng Việt (Ảnh: Cục Quản lý Thị trường Hà Nội)
Ngày 2.1.2014, chi cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa phối hợp với Cục Cảnh sát phòng đã phát hiện hơn 50 tấn bánh kẹo, ô mai, phần lớp số hàng hoá trên được đóng gói trong hàng nghìn thùng carton, bao tải, gắn mác Trung Quốc tại kho hàng ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội).
Ngày 5-1, Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã bắt quả tang 14,5 tấn mì chính và 4,5 tấn ô mai có xuất xứ Trung Quốc, được đóng vào bao tải chở trên 2 chiếc ô tô để đưa về Hà Nội tiêu thụ dịp Tết nguyên đán 2014.
Ô mai có xuất xứ Trung Quốc có thể gây hại tới sức khoẻ
Toàn bộ số hàng trên đang trên đường vận chuyển từ Trung Quốc về Hà Nội tiêu thụ. Chủ hàng là một doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội.
Số mì chính và ô mai nói trên được đóng vào bao tải màu trắng, mỗi bao có trọng lượng 25 kg. Trên vỏ bao bì đều in nhãn mác chữ Trung Quốc.