Đó là nhìn nhận của PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TP HCM - về đề án thành lập cơ quan quản lý an toàn thực phẩm
Phóng viên: Xin ông cho biết sơ nét về đề án thành lập cơ quan quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trực thuộc UBND TP HCM?
- PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh: Theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với Sở Y tế cùng Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, xây dựng đề án và sẽ hoàn tất để trình lãnh đạo vào ngày 15-5.
Đây là mô hình quản lý mà các quốc gia phát triển đang áp dụng và rất hiệu quả trong kiểm soát thực phẩm. Ở nhiều nước, cơ quan này còn quản lý thêm thuốc và mỹ phẩm, như FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ). Trước mắt, TP HCM chỉ quản lý thực phẩm.
Sơ chế rau sạch tại một cơ sở ở TP HCM Ảnh: VƯƠNG NGỌC
Cơ quan này sẽ sở hữu chuỗi các phòng xét nghiệm chuyên sâu về thực phẩm và có chức năng kiểm soát thực phẩm từ sản xuất đến lưu thông, phân phối, bán lẻ đến người tiêu dùng. Đồng thời, có quyền kiểm định, cấp phép cho nhà sản xuất và kiểm tra, giám sát sản phẩm trong quá trình lưu thông để xem sản phẩm có bảo đảm chất lượng và an toàn như cam kết không. Người tiêu dùng chỉ cần thấy sản phẩm có nhãn an toàn do cơ quan này cấp là an tâm sử dụng.
Ngoài ra, theo Luật Hình sự mới có hiệu lực từ ngày 1-7, mức xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP tăng lên, thậm chí có thể khởi tố hình sự. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần phải nâng cao năng lực về xét nghiệm và bảo đảm kết quả chính xác để làm cơ sở xử lý đối tượng vi phạm, tránh gây thiệt hại về kinh tế cũng như oan sai.
PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh -Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TP HCM |
Ông có thể giới thiệu khái quát về cơ quan quản lý ATTP sắp hình thành?
- Vấn đề này đang lấy ý kiến từ các sở, ngành liên quan nhưng trên tinh thần sẽ không tăng biên chế. Dự kiến, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế sẽ có vai trò chủ đạo trong cơ quan mới. UBND TP đã có chủ trương đầu tư phòng xét nghiệm chuyên về ATTP thuộc trong Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc và Mỹ phẩm (Sở Y tế).
Nhân lực tại đây đã có sẵn, chỉ mua thêm máy móc, vật tư, thiết bị để mở rộng phạm vi hoạt động. Tiếp đó là khâu phối hợp với các chi cục như Thú y, Bảo vệ thực vật, Quản lý Chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và QLTT (Sở Công Thương) để bảo đảm quản lý được cả chuỗi thực phẩm từ gốc đến ngọn.
Hiện nay, phần lớn nguồn sản xuất thực phẩm nằm ngoài TP HCM, liệu cơ quan mới có với tới được không, thưa ông?
- Vừa qua, TP HCM cùng các tỉnh lập đoàn liên ngành để thẩm định nơi nuôi trồng, chế biến, giết mổ để cấp chứng nhận cho doanh nghiệp tham gia đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Hiện số chứng nhận đã cấp cũng được kha khá (76 chứng nhận cho 16 sản phẩm rau củ quả, thủy sản, thịt heo, thịt gia cầm... với sản lượng 37.768 tấn/năm - PV).
Sau khi cấp chứng nhận, chúng tôi còn lấy mẫu giám sát định kỳ xem họ có duy trì điều kiện bảo đảm ATTP như ban đầu không. Đến khi vào chợ đầu mối, sản phẩm của các nhà cung cấp còn tiếp tục được lấy mẫu ngẫu nhiên để giám sát. Hiện nay, 3 chợ đầu mối ở TP HCM gồm Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đang cung tấp tới 70% thực phẩm tươi sống cho nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn nên việc quản lý giám sát ATTP tại đây là hết sức quan trọng.
Như vậy, mô hình quản lý mới thực chất chỉ là có thêm phòng kiểm nghiệm chuyên về thực phẩm và nâng cấp Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP, phát triển thêm “Chuỗi thực phẩm an toàn” mà TP đang thực hiện?
- Đúng như vậy! Trước giờ các sở, ngành quản lý ATTP tại TP HCM đã có sự phối hợp và cũng làm được nhiều việc nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý cũng như đòi hỏi của người tiêu dùng. Cơ quan mới chuyên trách về quản lý thực phẩm sẽ có quyền lực hơn. Theo tôi, quan trọng nhất là xác lập trách nhiệm đầu mối thì mới giải quyết được những vấn đề bức xúc trong ATTP hiện nay cũng như cần thời gian lâu dài để cải thiện tình hình.
Để thực hiện đề án này, có cần nguồn kinh phí lớn? - Chỉ tốn kinh phí để các sở, ngành xây dựng đề án, còn bộ máy nhân sự, cơ ngơi đã có sẵn nếu không tính đến chi phí đầu tư máy móc để xét nghiệm ATTP như tôi đã nói ở trên. Nhiều thách thức Nhân Tháng Hành động vì ATTP năm 2016 (từ ngày 15-4 đến 15-5), bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cho biết công tác bảo đảm ATTP vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn, như nhiều sản phẩm không an toàn từ các tỉnh đưa về TP, tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi chưa được khắc phục; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau củ quả vượt quy định. Nguyên nhân là do tồn tại nhiều cơ sở nhỏ lẻ, chế biến thủ công, không bảo đảm ATTP. Đến khâu lưu thông, việc kiểm soát cũng chưa hiệu quả, đặc biệt là thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, như chất vàng ô hay hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp. Ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng chưa cao… |