Giá của 3 mặt hàng thiết yếu: xăng dầu, điện, sữa được cho là đứng trước ngưỡng điều chỉnh. Vấn đề về giá được đặt ra đối với Bộ Công Thương trong những ngày đầu tháng 11 này và người tiêu dùng “nín thở” chờ điều chỉnh.
Xăng dầu: Có thể giảm giá trước 16/11
Ngày 3/11, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ xin ý kiến Chính phủ đồng ý giảm giá xăng dầu lần thứ 9 liên tiếp. Theo ông Hải, giá xăng dầu có thể tiếp tục điều chỉnh giảm mà không cần chờ đến ngày 16/11 (chu kỳ giảm giá tiếp theo theo quy định tại Nghị định 83 vừa có hiệu lực từ đầu tháng 11 này).
Các doanh nghiệp xăng dầu đang lãi khoảng 1.067 đồng/lít, nên giá mặt hàng này có thể giảm. Với lần giảm giá xăng dầu gần đây nhất là 23/10, nếu vẫn áp dụng Nghị định 84, đợt giảm giá tiếp theo sẽ là ngày 3/11. Nhưng nếu áp dụng đúng theo Nghị định 83 mới có hiệu lực là 1/11 thì đợt điều chỉnh giá tới sẽ là từ ngày 16/11. Theo ông Hải, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như các doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ xin ý kiến Chính phủ để có thể giảm giá sớm hơn chu kỳ đó.
Các doanh nghiệp xăng dầu đang lãi khoảng 1.067 đồng/lít, nên giá mặt hàng này có thể giảm.
Theo thống kê, trong gần 3 tháng vừa qua, giá xăng đã có 8 phiên giảm liên tiếp, với tổng mức giảm là 3.300 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diezen lại giảm tới 14 lần với tổng mức 3.060 đồng/lít, dầu hoả giảm tới 11 lần, tổng giảm là 2.890 đồng/lít và dầu madut giảm 9 lần.
Giá điện: Vẫn tiếp tục “kìm giữ”
Đầu tháng 10, Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, năm 2014, giá than và khí dùng cho sản xuất điện đã được điều chỉnh theo giá thị trường, khiến chi phí đầu vào của EVN tăng hơn 7 nghìn tỷ đồng, cộng với lỗ lũy kế đến năm 2013 là 8 nghìn tỷ đồng.
Ước tính, năm 2014, chi phí mua khí của EVN tăng thêm 3.200 tỷ đồng, chi phí mua than cho sản xuất điện năm nay tăng thêm khoảng 2.430 tỷ đồng. Sản xuất điện còn chịu áp lực của thuế tài nguyên nước được điều chỉnh tăng từ 2% lên 4% kể từ ngày 1/2, khiến chi phí sản xuất của các nhà máy thủy điện thuộc EVN ước tính tăng thêm khoảng 1.509 tỷ đồng trong năm nay. Dường như ngành điện chuẩn bị tăng giá?
Bên hành lang Quốc hội, nói về điều hành giá điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là Nghị quyết chung của Quốc hội, Chính phủ. Dù giá điện được điều hành theo thị trường nhưng phải tính đến các vấn đề tác động đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp. Một mặt đảm bảo ngành điện không quá lỗ trong kinh doanh, mặt khác giá điện vẫn tiệm cận thị trường và vẫn đảm bảo cho người nghèo không bị ảnh hưởng bởi tác động của tỷ giá. Nên dù có sự biến động của các yếu tố đầu vào, đầu ra, biến động về kinh tế xã hội nhưng đã 1 năm 2 tháng qua, giá điện không thay đổi.
Việc điều chỉnh giá than và khí bán cho ngành điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân tích, giá điện bao gồm 2 chi phí: chi phí yếu tố đầu vào (than, dầu, khí…) và chi phí quản lý. Chi phí quản lý thì có thể chủ động được bằng cách giảm yếu tố trung gian và tăng năng suất lao động. Còn chi phí nguyên nhiên vật liệu phụ thuộc vào yếu tố khách quan.
Chênh lệch tỷ giá không còn bị dồn nén nên nếu xét về chính sách có thể tăng giá điện. “Thực tế điều hành giá điện đã không được điều chỉnh tăng do tính tới yếu tố về tác động xã hội nếu tăng giá”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ. Theo lộ trình phát triển ngành điện của Chính phủ, đến năm 2015 chúng ta sẽ đưa giá điện theo đúng thị trường. Từ năm 2016 giá điện có tăng, có giảm theo thị trường.
Vì sao giá sữa “chây ì”?
Dù giá nguyên liệu giảm đã hơn 1 tháng nhưng các doanh nghiệp kinh doanh sữa vẫn giữ nguyên giá, hưởng siêu lợi nhuận trong khi người dân chịu thiệt. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Xuân Hải cho biết, giá là do Bộ Tài chính sẽ quy định, tìm hiểu, giám sát giá của các doanh nghiệp, trách nhiệm của Bộ Công Thương là chỉ đạo các lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc giám sát các doanh nghiệp có bán sữa theo giá đã được Bộ Tài chính phê duyệt hay chưa. Nhiều doanh nghiệp không niêm yết giá hoặc niêm yết giá nhưng không bán với giá đã niêm yết.
Trước đó, ngày 9/10, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xác nhận giá nguyên liệu sữa nhập đã giảm trên dưới… 18%. Ông Truyền cho biết, nhà nước chỉ thực hiện việc bình ổn giá đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Loại này thuộc dạng sữa công thức, có rất nhiều thành phần. Sữa nguyên liệu chỉ là một thành phần trong đó nên tác động tới giá thành chung không nhiều. Doanh nghiệp có thẩm quyền tự quyết định giá, khi có điều chỉnh tăng hoặc giảm, doanh nghiệp chỉ cần gửi kê khai, đăng ký. Cho tới nay, chưa có doanh nghiệp nào… đăng ký giảm giá sữa.
Ông Truyền cho biết, Bộ Tài chính không có thẩm quyền quyết định giá cho doanh nghiệp mà chỉ kiểm tra gián tiếp, khi cần thiết mới can thiệp biện pháp hành chính.