Anh Ly Chẩm Trà, chủ một quán phở ở Hà Nội mất rất nhiều thời gian suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định tăng giá phở. Theo đó, anh Trà xin phép khách hàng được tăng giá mỗi bát phở 5.000 đồng vì “gồng hết nổi”.
Thời gian gần đây, giá thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào liên tục tăng, cùng với xăng vẫn đang neo ở mức cao khiến một số thương hiệu F&B không còn có thể giữ giá.
Mới đây, một chuỗi thương hiệu cà phê nổi tiếng với khoảng 500 cửa hàng trên cả nước thông báo tăng giá. Cụ thể, trong nhóm cà phê phin, giá của các ly cỡ S không thay đổi (29.000 đồng/cốc). Tuy nhiên, ly cỡ M và L đã lần lượt tăng từ 35.000 đồng lên 39.000 đồng (tăng 11%), 39.000 đồng lên 45.000 đồng (tăng 15%).
Các nhóm trà có sự biến động nhiều nhất, giá bán các ly cỡ S, M đều tăng 6.000 đồng/ly, tương ứng 15%, 12%. Đặc biệt ly lớn cỡ L tăng 10.000 đồng, tức 18%. Hầu hết những món đồ uống khác cũng được bán với giá cao hơn 6.000-10.000 đồng/ly, tùy kích cỡ.
Trong thông báo tăng giá, thương hiệu này lý giải để có thể giữ vững và nâng cao hơn chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng trước tình hình biến động thị trường hiện nay, cửa hàng buộc phải tăng giá bán.
Trước đó, thương hiệu Pizza nổi tiếng với 24 chi nhánh trên toàn quốc cũng thông báo điều chỉnh giá bán vì chi phí nguyên liệu tăng cao. “Chúng tôi đã phải đi đến quyết định này nhằm đảm bảo mang đến món ăn và dịch vụ tốt nhất” – chuỗi nhà hàng này lý giải.
Không chỉ các thương hiệu nổi tiếng, rất nhiều cửa tiệm, quán ăn bán lẻ cũng gặp khó khăn vì “bão giá”. Anh Ly Chẩm Trà chủ một quán phở ở Hà Nội cho biết đã mất rất nhiều thời gian suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định tăng giá phở.
Các nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt, thời gian đầu quán phở của anh Trà vẫn cố duy trì giá cũ nhưng càng bán càng lỗ.
Theo đó, mỗi bát phở sẽ tăng trung bình 5.000 đồng/bát, tăng lên từ 50.000 – 60.000 đồng/bát. “Gà và các loại nguyên liệu cứ tăng lên chóng mặt. Thời gian đầu quán vẫn cố duy trì giá cũ nhưng càng bán càng lỗ. Để đảm bảo chất lượng quán buộc phải đưa đến quyết định tăng giá. Mong những ai yêu quý vẫn tiếp tục ủng hộ. Quán hứa sẽ trở về giá cũ khi giá cả thị trường hạ nhiệt” – Anh Trà chia sẻ.
Thời gian đầu khi tăng giá, quán gặp phản ứng trái chiều của khách hàng, nhiều người cho rằng quán đông khách nên cố tình tăng giá. Tuy nhiên có những khách quen và ở lại và thông cảm vì xu thế chung của thị trường.
Theo khảo sát của phóng viên, thời điểm hiện tại, để mua một cốc cà phê cỡ M hay ăn một bát phở khách hàng phải trả trung bình từ 50.000 – 60.000 đồng/sản phẩm. Việc loạt nhà hàng, quán ăn đồng loạt tăng giá cho thấy lạm phát đã lan đến những thứ thường nhật của người tiêu dùng như ly cà phê, suất ăn sáng.
Chị Phương Linh (27 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Trước đây nghe tới lạm phát tưởng chỉ là thứ vĩ mô, chỉ tác động đến các đơn vị kinh doanh lớn nhưng giờ nó đã tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của mình. Đồng tiền mất giá giờ cầm 200.000 đồng đi chợ không mua đủ bữa ăn”.
Trong Báo cáo tăng trưởng kinh tế và dự báo quý kế tiếp cho các thị trường (trong đó có Việt Nam) mới được Ngân hàng UOB (Singapore) công bố, ngân hàng này giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5% và tỷ lệ lạm phát chính ở mức 3,7% vào năm 2022.
Tuy nhiên, lạm phát có thể tăng lên 5% trong năm 2023, do phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức. Cùng với đó, việc giá xăng tăng cũng tiếp tục ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu và giá sản phẩm đầu cuối đến tay người tiêu dùng.