Giá lúa gạo tăng cao có lợi cho nông dân và giúp xuất khẩu khởi sắc trở lại sau hơn một năm “rớt” sâu. Tuy nhiên, việc giá lúa gạo lên cao trong thời gian ngắn cũng lộ rõ những “miếng” nghề của các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc đấu trộn, chạy theo giá… khiến giấc mơ thương hiệu gạo Việt xa vời.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, vài tuần qua, giá lúa hè thu tại các tỉnh ĐBSCL liên tục tăng lên.
Giá lúa gạo tăng nhanh
Ngay với lúa tươi loại phẩm cấp thấp nhất (IR50404) bán tại ruộng cũng có giá trên 5.000 đồng/kg và khả năng sẽ tăng lên nữa trong tháng tới. Với mức tăng trên, giá lúa đã chạm ngưỡng cao nhất trong hơn một năm qua. Giá lúa tăng khiến nông dân nhiều nơi kỳ vọng giá lên nữa, khi có nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ tăng mua vào để đáp ứng các nhu cầu mới từ các nhà nhập khẩu gạo.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 30% diện tích lúa hè thu (trong 1,6 triệu ha) và được giá. Giá lúa nội địa tăng cao vì giá gạo xuất khẩu cũng đang tăng nhanh, do nguồn cung của thế giới đang thiếu. Đặc biệt là nguồn 18,5 triệu tấn tồn kho của Thái Lan đã gần hết, nên sức ép giảm giá gạo xuất khẩu cũng giảm. “Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký được một số hợp đồng tập trung, sẽ giao hàng từ nay đến hết tháng 8/2017 khoảng 700 nghìn tấn gạo, chưa kể hợp đồng thương mại cũng cỡ khoảng cả triệu tấn”- ông Năng nói.
Giá lúa gạo đang tăng cao, nông dân có lợi, nhưng nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng giá thấp trước đó sẽ gặp khó khăn. Ảnh: Phương Chăm.
Chủ tịch VFA cho rằng, xuất khẩu gạo đang ấm dần lên nhờ những tín hiệu khá lạc quan. Hiện nay giá gạo 5% là 410-420 USD/tấn, tăng 10-15 USD/tấn so với nửa tháng trước. Dự báo giá lúa gạo sẽ tăng tiếp cho đến khoảng giữa 7, đầu tháng 8, thời điểm thu hoạch rộ lúa hè thu ở ĐBSCL, giá có thể xuống chút ít. “Cùng đó, khi một số nước, như Thái Lan vào vụ thu hoạch, nhất từ tháng 9 đến hết năm nay, nguồn cung tăng và giá gạo xuất khẩu có thể giảm xuống”- ông Năng nhận định.
Theo VFA, những hợp đồng tập trung đã ký thời gian qua là Malaysia, Bangladesh, Cuba và Iraq. Với thị trường Trung Quốc, hiện chiếm 47,5% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, dù Cơ quan giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) “gác” rất chặt, nhưng gạo xuất chính ngạch sang thị trường này vẫn tăng so cùng kỳ năm ngoái.
Ăn xổi sẽ không tạo được thương hiệu
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, giá lúa gạo tăng cao là tín hiệu tích cực, tốt cho nông dân trước mắt, nhưng có thể cũng mang lại hậu quả cho xuất khẩu gạo. “Giá lúa gạo tăng sẽ tốt cho nông dân. Các doanh nghiệp cũng phải mua vào thật nhanh để cấp cho các hợp đồng đã ký, nếu lỡ hợp đồng sẽ bị phạt. Tuy nhiên, nếu mua với giá cao mà bán với giá xuất khẩu ký thấp trước đây, doanh nghiệp có thể thua lỗ, nên họ có khả năng đấu trộn loại gạo kém hơn”- ông Bình nói.
Ông Bình lấy ví dụ: Chẳng hạn, khách hàng đặt mua gạo Jasmine (chất lượng cao), nhưng do giá lên, doanh nghiệp phải đấu trộn thêm loại gạo phẩm cấp thấp hơn với tỷ lệ tới 30-40% để có hàng cấp cho đối tác. Chất lượng gạo của Việt Nam ra nước ngoài sẽ ra sao?
Ông Bình cho rằng: “Văn hoá thương mại kém từ lâu thành bệnh thâm căn cố đế. Khi không thay đổi được, thì đầu tiên là chết doanh nghiệp, rồi chết nông dân và cả ngành lúa gạo Việt Nam. Hệ quả là xuất khẩu gạo của ta không bền vững”.
Cũng theo ông Bình, tồn tại một câu chuyện phổ biến lâu nay, là gạo Việt nhưng mang thương hiệu nước ngoài. Doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam đặt hàng rồi chỉ lấy gạo, gắn nhãn mác, bao bì của họ. “Nếu có chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo ổn định thì có thể không chấp nhận việc đó. Còn bây giờ nếu không chấp nhận, thì rất khó bán hàng", ông Bình nói.
Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Cty TNHH Hưng Cúc, đơn vị duy nhất ở phía Bắc được phép xuất khẩu gạo, cũng cho rằng, hiện phổ biến tình trạng đấu trộn các loại gạo dẫn đến việc dần làm mất thương hiệu gạo Việt. Theo ông Hưng, các doanh nghiệp phải liên kết, có vùng nguyên liệu và tham gia sâu, định hướng từ giống, vật tư đầu vào, đảm bảo hạt gạo chất lượng, sạch, an toàn và bao tiêu sản phẩm. Từ đó mới bàn đến thương hiệu gạo.
Cùng góc nhìn trên, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng cho rằng, để sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, cái vướng nhất là cánh đồng lớn. “Chúng tôi đã làm cánh đồng lớn 3-4 năm nay, được 600-700 ha ở Tiền Giang, nhưng rất khó mở rộng. Cái khó là, dù liên kết, nhưng khi thấy thương lái vào bỏ tiền cọc, người dân thấy tiền là bán, chuyện gì tính sau, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp”- ông Đôn nói.
VFA cần thay đổi cách làm Liên quan đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phản ứng mạnh mẽ trước việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải ra văn bản cho phép tất cả các doanh nghiệp được ký hợp đồng thương mại ở thị trường tập trung nhằm không ảnh hưởng đến hoạt động của hai tổng công ty Vinafood 1 và Vinafood 2, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Chính sách (VEPR) cho rằng, đã đến lúc VFA cần thay đổi cách làm cho phù hợp với thực tế của đất nước.Theo ông Thành, VFA cần thực sự là tổ chức đại diện quyền lợi cho doanh nghiệp thành viên, thay vì tự cho mình cái quyền của một cơ quan hành chính. Cùng đó, VFA phải biết quan tâm đến hoạt động thường ngày đa dạng và phức tạp của doanh nghiệp, chứ không phải thích làm gì thì làm để cho doanh nghiệp sống chết mặc bay bằng những công văn gọn lỏn. “VFA cần hấp thu tinh thần kiến tạo của thời thế 4.0 cũng như cần hiểu rõ vai trò phục vụ của mình”, ông Thành nêu quan điểm và cũng cho rằng, Bộ Công Thương cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để trở thành đầu mối giao dịch tập trung; đấu thầu quyền đàm phán và điều phối các giao dịch hợp đồng tập trung khi có nhiều doanh nghiệp đạt tiêu chí đặt ra. Thục Quyên |