Yêu cầu 1 tháng không trả lương, cho DN phá sản?

Ngày 27/05/2014 15:06 PM (GMT+7)

Đề nghị cho phép người lao động nộp đơn mở thủ tục phá sản doanh nghiệp nếu sau 1 tháng kể từ ngày có yêu cầu mà doanh nghiệp không trả lương.

ĐBQH nêu quan điểm khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật phá sản sửa đổi sáng 26/5.

Theo ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), dự thảo luật cần làm rõ trong trường hợp người lao động cũng như công đoàn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì họ có phải nộp lệ phí phá sản hay không?

Theo quy định của dự thảo thì người nộp đơn phải nộp hai khoản tiền: lệ phí phá sản và tạm ứng chi phí phá sản. Hiện quy định khoản tiền này 1.000.000đ. ĐB Cường đề nghị dự thảo phải quy định rõ người lao động, công đoàn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì không phải nộp lệ phí phá sản như quy định hiện hành.

Cho ý kiến về dự thảo Luật phá sản sửa đổi, ĐBQH Đỗ Hữu Lâm (đoàn Long An) cũng đề nghị xem xét lại việc quy định nội dung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Theo ông nên trao quyền quy định mẫu đơn cho Tòa án nhân dân và trong mẫu đơn có phần chỉ định quản tài viên để làm đơn giản hóa thủ tục hành chính.

“Theo tôi về nguyên tắc phải tôn trọng người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đề nghị chỉ định quản tài viên. Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà tòa án phải chỉ định quản tài viên khác với người đã được đề nghị, do đó phải có căn cứ pháp lý rõ ràng, vì vậy Luật phá sản phải xác định những trường hợp này và trao quyền cho Tòa án nhân dân quy định chi tiết” – ông Lâm nói.

Yêu cầu 1 tháng không trả lương, cho DN phá sản? - 1

ĐBQH Trần Thanh Hải (Ảnh IT) 

Theo ĐBQH Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Luật sửa đổi cần giải quyết vấn đề chủ doanh nghiệp bỏ trốn như thế nào, vì hiện tượng chủ doanh nghiệp bỏ trốn xuất hiện nhiều từ năm 2008, có xu hướng phát triển, đang còn nhiều vướng mắc, thời gian giải quyết rất dài.

“Ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2009 thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngân sách nhà nước đã chi trả hơn 1,6 tỷ đồng tiền lương, nhưng cũng chỉ giải quyết cho 722 công nhân của 3 doanh nghiệp. Mặt khác, ngành tòa án đã có nhiều nỗ lực, song cũng chỉ mới giải quyết được một vài vụ việc”.

ĐB Hải nêu và cho biết, điều quan trọng là có những doanh nghiệp khi chủ bỏ trốn, tài sản thực của doanh nghiệp rất ít vì nhà xưởng và hầu hết máy móc, thiết bị đều đi thuê. Vì thế, không chỉ có người lao động mà những người chủ nhà xưởng, chủ máy móc thiết bị này cũng muốn giải quyết nhanh để tiếp tục khai thác tài sản của mình.

Liên quan đến thời điểm nộp đơn và lĩnh vực đề nghị phá sản, ĐB Hải nhấn mạnh: Đối với người lao động và với hai cấp của tổ chức công đoàn, nguồn sống duy nhất của người lao động là tiền lương.

“Nếu chỉ được thực hiện nộp đơn mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày có yêu cầu mà doanh nghiệp không trả lương thì thử hỏi người lao động có thể làm sao duy trì sự sống của gia đình mình khi 4 tháng không có tiền lương? Tôi đề nghị chỉ thực hiện sau 1 tháng kể từ ngày có yêu cầu mà doanh nghiệp không trả lương, nghĩa là người lao động ít nhất đã có 2 tháng không được lãnh tiền lương” – ĐB Hải kiến nghị.

ĐB Trương Minh Hoàng, Đoàn Cà Mau cũng đề nghị nghiên cứu theo phương pháp cải cách thủ tục hành chính cho hợp lý về thời gian và trình tự, thủ tục để làm thế nào rút ngắn thời gian đưa ra vụ việc để tuyên bố phá sản.

Theo Nguyễn Dũng (Infonet.vn)
Nguồn:

Tin liên quan