Nhiều người có thói quen không đun nước nhưng vẫn cắm đế điện khi dùng ấm siêu tốc 24/24, nhưng liệu thói quen này có an toàn?
Mới đây, một tài khoản Facebook có tên N.A có đăng tải hình ảnh một chiếc ấm siêu tốc đang cháy nhận được sự quan tâm, chia sẻ của mọi người. Anh N.A cho biết, chiếc ấm siêu tốc của gia đình bốc cháy mặc dù không bật điện, không đun nước, chỉ cắm đế điện như mọi khi.
Chia sẻ thêm anh N.A cho biết, anh mua ấm siêu tốc trên mạng được hơn một năm nay với giá 180 nghìn. Sự việc hôm đó khiến nhà anh hoảng sợ và phải vứt hết ấm đã cháy đi.
Dòng chia sẻ của anh N.A khiến nhiều người lo lắng.
Dòng trạng trái của anh N.A khiến cho nhiều người “giật mình” bởi đa số các gia đình hiện nay vẫn giữ thói quen cắm đế điện liên tục mặc dù không đun nước. Câu chuyện của anh N.A cũng đưa ra một vấn đề về việc làm thế nào để dùng ấm siêu tốc an toàn?
Nguyên nhân ấm siêu tốc bốc cháy mặc dù không đun
Theo anh Phạm Quốc Tự - nhân viên của công ty điện gia dụng ở Hưng Yên, việc cháy ấm siêu tốc dù không cắm điện như gia đình Facebook N.A do nhiều nguyên nhân, có thể do chiếc ấm chất lượng kém dẫn đến quá tải hoặc do rơ le bên trong bị đóng hay có thể dây cắm điện bên trong không đảm bảo.
Nếu dây cắm điện bên trong là dây pha nhôm sẽ rất nguy hiểm bởi ấm siêu tốc dùng công suất điện khá lớn nên dây pha nhôm có nhiệt độ nóng chảy thấp sẽ gây ra tình trạng cháy khi điện chạy qua.
Ấm siêu tốc của nhà anh N.A bị cháy.
“Những trường hợp cháy đó đều do chất liệu của ấm không tốt. Chính vì vậy khi mua ấm siêu tốc nên mua những ấm chất lượng, tiền nào của nấy. Hiện nay dòng cao cấp có giá gần 400 nghìn.
Nhiều gia đình không dùng vẫn cắm đế điện, điều này không sao cả bởi bản thân trên ấm đã có công tắc, khi bật công tắc ấm mới hoạt động. Hơn nữa, trong ấm có cảm biến khi hết nước hoặc nước sôi, ấm sẽ tự tắt. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý, khi nào dùng mới để ấm lên đế và bật công tắc. Cách tốt nhất là nên rút dây điện ra khi đun nước xong", anh Tự cho biết.
Tư vấn thêm, anh Tự cho biết, mọi người mua ấm siêu tốc nên để ý kỹ thời gian sôi, có ấm sôi công tắc nhảy luôn và có ấm sôi khoảng 1-2 phút, công tắc mới tắt. Trường hợp thứ 2 sẽ tốt hơn vì nó giúp loại bỏ một số tạp chất trong nước sau khi sôi còn trường hợp 1 sẽ kém hơn bởi nước chưa thật sự an toàn.
Những lưu ý sử dụng ấm siêu tốc an toàn
Có thể nói, hiện nay, ấm đun nước siêu tốc trở thành người bạn thân thiết và tiện dụng của không ít các gia đình. Với công suất hoạt động cực cao, chỉ cần cắm điện thì sau 1 - 2 phút là có một ấm nước sôi tiện lợi, thế nhưng theo anh Nguyễn Văn Hùng - chủ cửa hàng đồ điện gia dụng ở Bắc Ninh cho biết, người dùng cũng cần lưu ý những điều sau đây để đảm bảo an toàn cho gia đình và cho cả thiết bị.
- Mọi người nên đổ đúng mực nước cho phép bởi đổ nước quá ít sẽ làm bình bị đóng cặn hoặc bị cháy, đổ nước vượt qua giới hạn cao nhất khi nước sôi dễ tràn ra ngoài gây chập điện và cháy bình.
- Khi rút cầm phích cắm để rút, không nên cầm dây nguồn tránh nguy cơ hở đường dây.
- Không dùng bình đun siêu tốc khi tay đang ướt, đảm bảo đế điện hoặc bên ngoài ấm khô ráo trước khi đun.
- Chỉ dùng bình đun siêu tốc để đun nước.
- Không bật bình đun khi nắp đang mở nắp vì chức năng tự ngắt sẽ không thể hoạt động.
Mọi người cần chọn mua những loại ấm siêu tốc uy tín. (Ảnh minh họa)
- Không sử dụng bình khi không có nước, không ngâm bình trong nước.
- Đun nước xong cần đổ hết nước ra ngoài, không nên để nước trong bình.
- Mua bình nước siêu tốc của hãng uy tín, chất lượng để được an toàn và bảo hành.
- Dây điện bị chuột cắn phá hoặc bị nứt, phải thay mới hoàn toàn.
- Ấm đun nước siêu tốc chỉ có thể được kết nối với nguồn có cùng mức điện áp như đã ghi rõ trong bảng hướng dẫn nên cần đảm bảo ấm đun nước được kết nối đúng điện áp.
- Cách tốt nhất, khi nước đã sôi muốn di chuyển ấm siêu tốc cần phải đảm bảo ấm đã được ngắt điện hoàn toàn, phích cắm đã được rút ra khỏi ổ điện.
- Dùng một miếng vải ướt và lau bên ngoài khi vệ sinh. Nếu bên trong đóng cặn, rỉ có thể cho một chút chanh, dấm ăn vào và ngâm khoảng 5 - 10 phút, rồi tráng lại nhiều lần nước.