Cách trồng bầu rất đơn giản, cây dễ chăm sóc, sinh trưởng và phát triển trong một khoảng thời gian ngắn là có thể thu hoạch được.
Bầu là loài cây dây leo thân thảo, có tua cuốn phân nhánh như bí, mướp. Lá cây có hình tim rộng, lông mịn trắng như nhung và dày, rộng hơn lá mướp. Cây ra hoa và đậu quả, quả bầu khi thu hoạch có màu xanh, thẳng dài và có đường kính khoảng 3 - 8 cm.
Cách trồng bầu rất đơn giản, cây dễ chăm sóc, sinh trưởng và phát triển trong một khoảng thời gian ngắn là có thể thu hoạch được.
Bầu có thể trồng và thu trái quanh năm, nhưng thời điểm thích hợp nhất vẫn là từ tháng 10 đến tháng 1 dương lịch. Việc trồng bầu đúng thời vụ sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong điều kiện thời tiết thuận lợi để cho ra năng suất cao nhất.
1. Chi tiết cách trồng bầu
Bạn nên tìm mua hạt bầu ở những cơ sở bán hạt giống có uy tín để được đảm bảo về chất lượng.
- Xử lý hạt trước khi gieo:
+ Trước khi gieo cần ngâm hạt bầu vào nước ấm (nhiệt độ 40 độ C) trong khoảng 3 đến 6 tiếng để tỷ lệ nảy mầm được cao hơn.
+ Sau đó vớt ra để ráo, cho hạt vào một chiếc khăn ẩm rồi cuộn lại cho thật kín
+ Để trong ngăn mát tủ lạnh khoảng hơn 1 ngày để hạt nứt nanh, nảy mầm thì mới đem gieo hạt vào đất.
- Giá thể: Giá thể thực chất là những xơ dừa, mùn cưa hoặc than bùn đã được làm sạch và phơi khô. Đắp một lớp giá thể lên trên bề mặt hạt sau khi gieo hạt với mục đích là để tạo điều kiện thích hợp cho sự nảy mầm của hạt, tạo chỗ bám vững chắc cho sự hình thành rễ cây.
- Gieo hạt: Gieo hạt ở độ sâu từ 2 - 3 cm so với mặt đất. Sau khi gieo xong thì đắp một lớp giá thể lên trên bề mặt hạt rồi phun nhẹ nước lên trên. Không được tưới quá nhiều nước, nếu không hạt sẽ bị thối.
2. Cách chăm sóc cây
Bầu là loài cây ưa nước, chính vì thế cần phải thường xuyên tưới nước cho cây sau khi trồng để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Sau khi trồng bầu, phải tưới nước ít nhất 2 lần trong một ngày cho cây đủ ẩm. Khi cây ra hoa và trái thì cần tưới nước nhiều hơn bằng cách tăng lượng nước tưới cho cây lên gấp đôi trong mỗi lần tưới.
Khi bầu bắt đầu lên giàn (khoảng 60 ngày sau khi trồng) thì cần tiến hành bón thúc cho cây bằng phân đạm và NPK vào khu vực đất xung quanh gốc cây.
Muốn cây cho ra nhiều trái và trái bầu to khỏe thì cần thường xuyên bón thúc, tốt nhất là mỗi tuần một lần cho đến khi nào quả to bằng 2 đốt ngón tay thì thôi. Trong một vụ bầu, mỗi gốc bầu nên được bón ít nhất từ 1 - 1.5 kg phân hỗn hợp NPK.
Khi cây bầu dài khoảng 1m thì bắt đầu tiến hành khoanh dây vòng gốc, lấy đất chặn lên trên đốt thân cây bầu, cứ cách 2 đốt lại dùng đất chặn đến khi còn cách 20 cm tính từ ngọn bầu thì thôi.
Khi bầu được 1 tháng rưỡi 2 tháng thì bắt đầu làm giàn cho cây leo lên. Giàn bầu thường được làm bằng các dây thép mỏng được nối với nhau, cao khoảng 2 - 3m để tiện thu hoạch và chăm sóc. Cần có một vài chiếc que nứa nhỏ chắc chắn để nối ngọn bầu với giàn leo.
Việc bấm ngọn và tỉa cành chỉ được tiến hành sau khi thu hoạch để bầu tiếp tục cho ra quả ở những dây nhánh khác. Việc cắt tỉa cành lá già có thể tiến hành bất cứ lúc nào sau khi cây ra quả.
3. Thu hoạch
Sau khi trồng bầu khoảng hơn 70 ngày là có thể cho thu hoạch. Sau khi cây ra hoa, tầm 10 - 15 ngày là có thể hái bầu, lúc đó quả bầu sẽ dài khoảng từ 15 đến 50 cm tùy từng giống bầu.
Không nên để bầu quá già mới hái, bởi khi ấy ruột bầu bên trong đã khá cứng và mất nhiều chất dinh dưỡng, ăn sẽ kém ngon và còn khiến cây mau tàn.