Bí xanh dễ trồng nhất trong các loại bí vì cây rất nhanh phát triển, lại ít sâu bệnh.
Bí xanh (bí đao) là một loại thực phẩm dễ nấu, dễ ăn và cũng rất dễ trồng, được nhiều người ưa thích bởi vị mát, tính lạnh, có tác dụng lợi tiểu tiện, tiêu phù thủng, giải khát, trừ phiền nhiệt. Từ bí xanh có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon như bí xanh xào, bí xanh hầm xương, nộm bí xanh,... Nếu không có đất vườn, bạn vẫn hoàn toàn có thể trồng trong thùng xốp để cả nhà có bí xanh sạch ăn suốt hè.
Cách trồng bí xanh trong thùng xốp với các bước cụ thể như sau:
Bước 1: Chọn đất, hạt giống
Đây là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng để có được những cây bí xanh khỏe mạnh, cho nhiều trái. Nếu lấy hạt từ quả có sẵn, bạn nên chọn những quả to, tròn đều, không sâu bệnh để lấy hạt, chọn những hạt mẩy, không bị lép.
Loại đất thích hợp để trồng bí đao là đất tơi xốp, loại đất thịt nhẹ, cát pha giàu chất dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt.
Bước 2: Gieo hạt
Có thể gieo hạt trực tiếp không cần ngâm nước, tuy nhiên để hạt nhanh nảy mầm hơn bạn nên ngâm vào nước ấm (tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh) trong vòng 5 tiếng, sau đó vớt hạt ra rửa sạch. Gói hạt giống lại rồi cho vào khăn ẩm, bọc lại và ủ hạt cho đến khi hạt nứt nanh. Cách này sẽ giúp cho hạt ít bị hư hại và tăng tỷ lệ hạt giống nảy mầm.
Mỗi chậu đất, bạn có thể trồng từ 3-4 cây non khi đã có 1-2 lá. Sau khi trồng xong đem chậu để ở nơi thoáng mát, ít nắng.
Bước 3: Dựng giàn cho cây leo
Cây con rất cần ánh sáng, nên hãy mang chậu ra để nơi có ánh nắng trực tiếp. Tưới nước thường xuyên cho cây ngày 2 lần vào sáng và chiều mát để cây phát triển tốt.
Sau 2 tuần khi cây đã mọc cao khoảng 20cm và xuất hiện tua cuốn, tiến hành làm giàn cho cây leo. Bí xanh có thể cho bò trên mặt đất hoặc leo giàn đều được, nhưng để cho năng suất cao nhất mà lại vừa dễ chăm sóc thì nên làm giàn cho chúng leo. Giàn có thể là lưới mắt cáo hoặc bằng tre, khoảng cách giữa các giàn cây là từ 0,5-1m là thích hợp nhất.
Bước 4: Chăm sóc cây
Sau khoảng 40 ngày, cây bắt đầu ra hoa kết quả sẽ cần nhiều nước hơn bình thường nên bạn hãy lưu ý để cung cấp đủ lượng nước cho cây. Bạn hãy loại bỏ những trái non bị dị dạng, bị sâu bệnh để cây tập trung nuôi dưỡng những trái khỏe mạnh khác. Bí xanh cũng thường gặp một số bệnh như sâu xanh, cuốn lá, rệp hay bệnh héo lá, sương mai, thối quả, vì vậy, nên thường xuyên cắt tỉa lá già và bắt sâu để cây phát triển khỏe mạnh.
Chúc các bạn trồng bí xanh thành công và có trái ăn suốt hè!