Cách trồng đậu bắp rất dễ nên khắp từ Bắc chí Nam, hầu như đâu đâu cũng có. Đậu bắp được xem là loại thực phẩm đa năng, có thể nấu canh chua, xào, luộc ăn với cơm hoặc dùng để ăn kèm cùng các món nướng đều ngon.
Mục lục: 1. Những điều cần biết khi trồng đậu bắp 1.1 Thời vụ 1.2 Điều kiện nhiệt độ 1.3 Đất trồng 2. Cách trồng đậu bắp 2.1 Trồng bằng hạt 2.2 Trồng bằng cây 3. Chăm sóc cây đậu bắp 4. Tác dụng của đậu bắp tới sức khỏe 5. Món ngon từ đậu bắp |
Đậu bắp còn còn có tên là mướp tây, bắp còi hay gôm. Ở nước ta, cây được trồng nhiều hơn tại miền Nam. Trong thành phần của nó có chứa rất nhiều loại vitamin, các nguyên tố khoáng vi lượng và cũng là nguồn cung cấp chấp xơ dồi dào. Chính vì thế, đậu bắp không chỉ ngon mà còn rất bổ dưỡng, không có lý do gì để từ chối trồng một loại thực phẩm tuyệt vời như thế.
1. Những điều cần biết khi trồng cây đậu bắp
1.1 Thời vụ
Đậu bắp là cây sống ở môi trường khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Mỗi năm trồng 2 vụ cho năng suất cao nhất:
- Vụ Xuân: Gieo hạt từ cuối tháng 2 đến tháng 3, thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9.
- Vụ Đông Xuân: Gieo hạt từ cuối tháng 7 đến tháng 8, thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau.
Nếu như gieo hạt muộn hơn thời vụ thì cây sẽ ra hoa sớm và cho năng suất kém.
1.2 Điều kiện nhiệt độ
Đối với giai đoạn hạt nảy mầm, nhiệt độ thích hợp trong khoảng 30 – 35 độ C. Trong quá trình sinh trưởng, nhiệt độ cần thiết là trên 20 độ C. Nếu nhiệt độ cao trên 35 độ C kéo dài thì thời gian ra hoa và số đốt cây tăng, còn năng suất cây bị giảm.
1.3 Đất trồng
Tốt nhất nên trồng đậu bắp trên đất cát pha, đất thịt nhẹ hoặc đất thịt nặng trung bình. Đất có độ pH từ 5.5 – 6.8; có thể được trộn với vỏ trấu, xơ dừa, phân bò, phân gà, phân cá, trùn quế,…
2. Cách trồng đậu bắp
2.1 Trồng bằng hạt
Ngâm hạt
Hạt giống trước khi gieo, để đạt được hiệu quả và năng suất nên đem ngâm trong nước ấm trước. Nước nên ngâm ở khoảng 40 độ C, trong vòng 2 – 3 tiếng.
Ủ hạt
Sau khi đã ngâm hạt đủ thời gian, hạt giống đậu bắp được vớt ra rồi ủ ngay vào khăn ẩm, thường xuyên bổ sung thêm nước cho đến khi hạt giống nứt nanh thì mới đem gieo vào khay trồng.
Làm đất
- Trước khi gieo hạt, đất cần được cày bừa kỹ, làm cỏ, lên luống và mặt luống được san phẳng. Làm sao cho đất ở gần nguồn nước tưới song lại cũng dễ thoát nước.
- Khi làm luống, rộng 1.4 – 1.5m, mặt luống rộng 1.1 – 1.2 m, cao 25 – 30 cm.
- Mỗi luống chia ra làm hai hàng cách nhau 70 – 80cm, mỗi cây cách nhau 40 cm hoặc gieo theo hốc, sau này để lại 1 cây như khoảng cách trồng đậu bắp theo hàng.
Gieo hạt
- Sau khi đã làm đất kỹ lưỡng, hạt giống được ủ nứt nanh thì đem ra gieo.
- Đào thành từng hốc đất, dưới mỗi hốc gieo 2 – 3 hạt rồi lấp lên trên một lớp đất mỏng khoảng 1 cm.
- Tưới nước bằng vòi phun, đến khi cây lớn thì tỉa chỉ còn một cây khỏe nhất và giữ khoảng cách 70 x 40cm.
2.2 Trồng bằng cây
Cũng tương tự đối với cách trồng đậu bắp bằng phương pháp gieo hạt, nhưng thay vì gieo hạt trực tiếp xuống ruộng cày thì khi muốn trồng bằng cây, hạt giống cần được ươm thành cây con trong khay trước. Như vậy thì tỉ lệ thành công sẽ cao hơn.
Theo đó, hạt giống được ươm trong trong khay đất luôn được kiểm soát độ ẩm. Sau khoảng 2 – 3 ngày thì hạt sẽ nảy mầm. Cho đến lúc cây con được 7 – 10 ngày tuổi, cây đạt chiều cao 5 – 10 cm thì chọn ra những cây tốt nhất để trồng.
Khi cây đạt chiều cao 20cm thì bắt đầu chuyển cây ra vườn trồng. Trước khi trồng cây sang đất ruộng, cần bón lót một ít phân vô cơ bên dưới trước. Sau khi trồng, tưới nước ướt đẫm cho cây mau bén rễ. Sau khoảng vào ngày là cây sẽ xanh tốt.
3. Chăm sóc cây đậu bắp
Tưới nước
Hằng ngày nên tưới nước 2 lần cho đậu bắp vào sáng sớm và chiều tối. Luôn theo dõi và giữ độ ẩm đất 80 – 85% trong suốt quá trình thu hái quả.
Phân bón
Quá trình bón thúc cho cây sinh trưởng đến khi thu hoạch nên chia làm 3 đợt:
- Đợt 1: Khi cây có 2 lá thật, bón bằng phân ure và kali pha với nước để tưới vào gốc cây. Trung bình trong 1000m2 sử dụng 5 kg ure và 3kg kali.
- Đợt 2: Bón khi cây sinh trưởng có khoảng 5 lá thật.
- Đợt 3: Khi đậu bắp đang ra hoa. Bón hỗn hợp 7kg ure và 5kg kali trộn đều/1000m2 vào giữa hai hàng theo các hốc chôn kín phân. Rồi tưới nước đủ ẩm cho phân tan ra.
Cách trồng đậu bắp không quá phức tạp, ai cũng có thể làm được.
Nhiệt độ
Trong quá trình sinh trưởng, nhiệt độ phù hợp nhất là khoảng 20 độ C – 35 độ C. Trong trường hợp nhiệt độ cao trên 35 độ C kéo dài trong một khoảng thời gian, thời gian ra hoa và số đốt cây tăng và năng suất bị giảm.
Sâu bệnh
Vườn trồng đậu bắp thường bị phá bởi một số loại sâu bệnh hại như bọ xít, rầy, rệp, bệnh thán thư, bệnh rỉ sắt,… nên cần chủ động trong công tác phòng tránh để bảo vệ cây sinh trưởng tốt, giữ năng suất và chất lượng được ổn định.
- Sâu đục quả: Phun thuốc Sherpa 20EC hay Cyperan 25EC.
- Rầy mềm: Phun thuốc Bsssa, Trebon.
- Bệnh thán thư: Phun thuốc Score 250EC hoặc Antracol.
- Bệnh rỉ sắt: Phun thuốc Anvil 5SC hoặc Score 250EC.
Kết hợp nên phun định kỳ các loại phân bón lá 7 ngày/lần để cây xanh, sai quả và tăng lên 20 – 30% năng suất.
Cắt tỉa cỏ
Khi trồng cây bằng phương pháp gieo hạt, đến khi cây được 7 – 10 ngày tuổi, đạt độ cao khoảng 10 cm thì tiến hành tỉa bớt cây, mỗi hốc chỉ giữ lại một cây khỏe và lớn nhất để chăm sóc.
Thường xuyên nhổ cỏ, vun gốc cho cây để cỏ không hút bớt mất dinh dưỡng của cây cũng như loại bỏ mầm mống gây bệnh cho cây tiềm ẩn trong đất.
Thu hoạch
Sau 50 - 60 ngày trồng, kể từ thời điểm nở hoa đến 7 – 8 ngày sau, quả lúc này đã lớn, đạt độ dài từ 7 – 12 cm thì tiến hành thu hoạch. Với những quả quá bé, quả sâu thì loại bỏ và chỉ giữ lại những quả đạt tiêu chuẩn.
4. Tác dụng của đậu bắp tới sức khỏe
Đậu bắp có chứa nhiều thành phần dưỡng chất như:
- Nhiều loại vitamin như vitamin A, vitamin nhóm B (B1, B2, B6), vitamin C.
- Các nguyên tố khoáng vi lượng như kẽm, canxi.
- Là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào bao gồm cả chất xơ hòa tan và không hòa tan.
- Giàu acid folic
- Chất nhầy có trong đậu bắp cũng rất hữu ích với sức khỏe con người.
Nhờ đó, sử dụng đậu bắp giúp mang lại hiệu quả điều trị một số bệnh như:
- Giúp làm ổn định lượng đường trong máu.
- Tốt cho thai nhi, giúp làm giảm các khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh, giúp em bé phát triển bình thường.
- Hỗ trợ giảm cân.
- Hỗ trợ điều trị bệnh thận.
- Có khả năng ngăn ngừa bệnh gan.
- Ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường.
- Có khả năng cải thiện tâm trạng, hữu ích cho những người bị trầm cảm.
- Chống ung thư nhờ giàu chất chống oxy hóa.
- Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Rất tốt cho da, mắt, xương,…
5. Món ngon từ đậu bắp
Đậu bắp trở thành một loại thực phẩm quen thuộc, xuất hiện thường xuyên trong mâm cơm của nhiều gia đình với các cách chế biến khác nhau. Nổi bật với các món như: thịt bò cuộn đậu bắp nướng, đậu bắp xào trứng, váng đậu cuộn đậu bắp sốt chua ngọt, thịt bò xào đậu bắp mộc nhĩ, đậu bắp sốt cà chua…
Váng đậu cuộn đậu bắp sốt chua ngọt.
Thịt bò cuộn đậu bắp nướng.
Nói chung, đậu bắp rất dễ chế biến và phù hợp để chế biến chung với nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Song cần lưu ý, khi chế biến không nên nấu quá chín, sẽ làm mất đi độ giòn và ngon của đậu bắp, cũng như làm mất đi một số dưỡng chất có trong đó.
Chúc các bạn thành công và có những món ngon với đậu bắp từ hai cách trồng đậu bắp đơn giản trên!