Hoa ngọc lan: Ý nghĩa, đặc điểm và cách trồng

Nhật Linh - Ngày 28/07/2020 15:24 PM (GMT+7)

Hoa ngọc lan không chỉ có mùi hương quyến rũ, vẻ đẹp làm say đắm lòng người. Nó còn là loại cây nên trồng ở trong nhà vì có lợi cho phong thủy cũng như có những tác dụng tốt đối với sức khỏe con người.

Hoa ngọc lan là loài hoa đẹp, có mùi hương say đắm và quyến rũ nên được rất nhiều người lựa chọn trồng. Ngoài ra, loài cây này còn có những tác dụng về phong thuỷ và sức khỏe con người. Sau đây, hay cũng chúng tôi tìm hiểu về loài hoa này nhé.

Nguồn gốc và đặc điểm của hoa ngọc lan

Cây hoa ngọc lan có tên khoa học là Michelia champaca L, thuộc chi Mộc Lan. Đây là loài hoa vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ, được du nhập vào nước ta từ thế kỷ thứ 19 thông qua các nhà sư từ Ấn Độ. Hoa ngọc lan có vẻ đẹp nhẹ nhàng, say đắm và có mùi hương nồng nàn cho nên được rất nhiều người ưa chuộng và nuôi trồng. Ngoài ra, loài cây này còn được gọi với các tên khác như sứ ngọc lan, bạch ngọc lan, ngọc lan hoa vàng.

Hoa ngọc lan là loại cây thân gỗ, thẳng, vỏ cây màu trắng, bề mặt vỏ hơi nhám. Chiều cao thân cây trung bình từ 5m - 10m, nhiều cây có thể cao đến 20 mét nếu điều kiện thuận lợi. Lá cây có dạng vót nhọn, hình bầu dục, có màu xanh lá khi non và màu xanh đậm khi già. Hoa thường có từ 10 - 15 cánh hình thuôn dài xếp xen kẽ nhau theo dạng xoắn. Hoa có màu sắc rực rỡ từ trắng, vàng, xanh cho đến tím. Ở Việt Nam, phổ biến nhất vẫn là hoa màu trắng hay còn gọi là bạch ngọc lan.

Hình ảnh hoa ngọc lan đẹp quyến rũ

Hình ảnh hoa ngọc lan đẹp quyến rũ

Ở Việt Nam, hoa ngọc lan nở rộ nhất vào khoảng thời gian từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 8 hàng năm. Ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới, thời gian nở hoa kéo dài hơn, có thể đến hết tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau.

Phân loại hoa ngọc lan

Trên thế giới, chi ngọc lan có đến hơn 50 loài hoa khác nhau, có những cây thân bụi nhưng cũng có những cây thân gỗ. Ở Việt Nam hiện nay, phổ biến nhất là bạch ngọc lan và ngọc lan hoa vàng. Sau đây là một vài đặc điểm của từng loại.

1. Hoa ngọc lan trắng

Hoa ngọc lan trắng có tên khoa học là Michelia x Alba, tên tiếng anh là White Champaca hay còn được gọi với rất nhiều cái tên khác như bạch ngọc lan, bạch lan hoa, mộc lan trắng hay sứ trắng.

Đây là loài cây thân gỗ xanh, có chiều cao khi trưởng thành khoảng từ 10m - 15m, nhánh non khi mới ra có một lớp lông mao bao phủ. Lá cây có màu xanh non, hơi ngả vàng, luôn tươi tốt, có hình bầu dục thon và kích thước dài khoảng 15cm - 25cm, và rộng khoảng 4cm - 9cm.

Hoa có màu trắng, khi nở toả ra mùi hương rất thơm. Mỗi bông có khoảng từ 8 - 12 cánh, cánh hoa thon gọn, hơi cong và có nhiều nhị vàng ngắn. Do có mùi rất thơm nên thường được sử dụng trong chế tạo nước hoa.

2. Hoa ngọc lan vàng

Hoa ngọc lan vàng có tên khoa học là Michelia Champaca và tên tiếng anh là Yellow Champaca. Ở Việt Nam loài hoa này có nhiều tên gọi như Ngọc lan hoa vàng, ngọc lan ngà, mộc lan vàng.

Cây thuộc loại cây thân gỗ thường xanh, kích thước cây to lớn hơn so với cây ngọc lan trắng, chiều cao có thể đạt mức 35m. Lá cây xanh bóng, phiến là hình trái xoan thuôn hai đầu, kích thước lá dài khoảng 10cm - 20cm và rộng khoảng 4cm - 9cm. Là có lông ở cả 2 mặt và nhọn ở đầu lá.

Khi nở, hoa có màu ngả vàng hoặc cam, cánh hoa thẳng. Hoa cũng tỏa ra mùi thơm dễ chịu nhưng không thơm như hoa ngọc lan trắng. Nên khi chiết xuất làm nước hoa người ta thường sử dụng ngọc lan trắng hơn là ngọc lan vàng.

Ý nghĩa hoa ngọc lan

Hoa ngọc lan mang rất nhiều ý nghĩa cả về mặt tinh thần lẫn đời sống hàng ngày.

Trong phong thủy, hoa ngọc lan thường được sử dụng vào những dịp đặc biệt như tân gia nhà mới, khai trương hoặc tổ chức tiệc cưới. Chủ nhà sẽ bỏ những bông hoa này vào một bát nước trong vắt nhằm mục đích lấy may mắn và thuận lợi. Với ý nghĩa cho sự bền bỉ, trường tồn, sức sống mãnh liệt và mang lại sự may mắn cho gia chủ.

Hoa Ngọc Lan còn được xem là biểu tượng cho tấm lòng hiếu thảo, sự nhân từ, thánh thiện và bao dung.

Ngọc Lan cũng thường được sử dụng đặt tên cho con gái với mong muốn con luôn xinh đẹp, ngoan ngoãn, lễ phép và xinh đẹp.

Hoa ngọc lan có vẻ đẹp nhẹ nhàng, cuốn hút cùng hương thơm quyến rũ sẽ giúp thay đổi cho không gian sống của bạn thêm đẹp đẽ và thoải mái hơn.

Loài hoa này có mùi rất thơm, lưu giữ lâu nên còn là biểu tượng cho sự lưu luyến, ấn tượng khó phai khi được dùng làm quà tặng cho người khác giới.

Hoa ngọc lan có nhiều ý nghĩa trong phong thủy

Hoa ngọc lan có nhiều ý nghĩa trong phong thủy

Công dụng của hoa ngọc lan

Không chỉ là loài hoa có tác dụng trang trí không gian và mang ý nghĩa về phong thuỷ. Hoa ngọc lan còn có nhiều công dụng đối với ý học cổ truyền và hiện đại. Một số phải kể đến như:

- Hoa ngọc lan được y học đánh giá rất cao trong việc cải thiện lưu thông máu, chống viêm, hỗ trợ hệ tuần hoàn luôn khỏe mạnh.

- Hoa ngọc lan do có mùi hương rất thơm cho nên được sử dụng để chiết xuất làm nước hoa, mỹ phẩm cho chị em phụ nữ hoặc làm hương liệu.

- Cây ngọc lan được sử dụng trang trí cho nhà cửa, đường xá, lấy gỗ làm trang sức, mỹ nghệ, đồ thủ công,....

Cách trồng hoa ngọc lan giúp hoa nở đẹp

Thời điểm thích hợp nhất để trồng hoa ngọc lan là từ cuối tháng 4 đến hết tháng 10 dương lịch. Vì lúc đó độ ẩm còn cao, thời tiết lại đang mùa lạnh cho nên rất phù hợp để trồng các loại cây hoa.

1. Lựa phương pháp trồng

Có 2 phương pháp trồng hoa ngọc lan: Gieo hạt và chiết cành. Phương pháp trồng bằng hạt ít được sử dụng hơn do thời gian cây phát triển dài, lâu ra hoa. Trong khi đó, phương pháp chiết cành được sử dụng nhiều nhất. Do tỉ lệ thành công cao, thời gian cây phát triển ngắn hơn, nhanh đơm hoa.

2. Lựa chọn giống

Đối với phương pháp gieo hạt, nên chọn những hạt to, mập, màu sắc hạt đồng đều. Phương pháp giâm cành, chiết cành nên chọn cành bánh tẻ, to khỏe, mập mạp, cành lá không có sâu bệnh hại.

3. Đất trồng

Cây ngọc lan là loài cây ưa đất trung tính có độ pH ~7, có độ tơi xốp, nhiều mùn và chất dinh dưỡng, cùng khả năng thoát nước tốt. Bạn có thể mua đất tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp hoặc nhà vườn mua cây giống hoặc cửa hàng cây cảnh. Hoặc bạn có thể tự làm đất trồng với các nguyên liệu: 5kg phân chuồng ủ hoai + 2kg phân trùn quế + 0.2kg phân lân + 1 phần bột. Tiến hành trộn đều và ủ trong 14 ngày.

4. Cách trồng cây hoa ngọc lan đúng kỹ thuật

Loài hoa này có thể trồng bằng 2 phương pháp: gieo hạt và giâm cành. Sau đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn từng bước cụ thể với mỗi phương pháp.

- Cách trồng hoa ngọc lan bằng hạt:

Bước 1: Do vỏ hạt cứng, bạn có thể mài qua lớp vỏ hạt hoặc dùng dao tách vỏ sau đó xử lý hạt bằng nước ấm từ 40 đến 50 độ C trước khi gieo, rồi để nguội dần sau 12 giờ.

Bước 2: Tiến hành ủ hạt trong túi vải, sau khoảng 4 - 5 ngày hạt sẽ có hiện tượng nứt nanh.

Bước 3: Khi hạt đã bắt đầu nứt nanh, tiến hành mang những hạt này cho vào bầu đất để ươm hoặc đem gieo vào các khay cát. Sau đó lấp đất lên dày khoảng 1cm, phủ rơm rạ hoặc xơ dừa xung quanh.

Bước 4: Làm giàn che cho cây, sau 3 - 4 ngày gieo thì hạt sẽ bắt đầu nảy mầm.

- Cách trồng hoa ngọc lan chiết cành:

Bước 1: Chọn cành bánh tẻ, to khoẻ, không sâu bệnh.

Bước 2: Sau khi bạn lựa chọn được cành tốt để chiết, hãy cắt và tách một vòng vỏ cây rộng từ 0.4cm - 0.7 cm.

Bước 3: Quấn quanh chỗ cắt bằng 1 dây đay hoặc dây gai để ngăn cho các mép vỏ mọc lại dính với nhau.

Bước 4: Dùng xơ dừa hoặc rễ cây lục bình đặt lên chỗ cắt rồi dùng miếng nilon dài khoảng 30cm, rộng 15cm để bọc lại chắc chắn giúp giữ ẩm.

Bước 5: Khi cành cây đã ra rễ non và bắt đầu chuyển sang màu vàng thì bạn có thể cắt cành chiết khỏi cây mẹ rồi cấy vào túi bầu.

Cây ngọc lan được trồng phát triển xanh tốt

Cây ngọc lan được trồng phát triển xanh tốt

Kỹ thuật chăm sóc hoa ngọc lan

- Nước tưới: Hoa ngọc lan là loài cây ưa ẩm nên phải được tưới nước thường xuyên, nhất là vào mùa hè nắng gắt. Thời gian nên tưới trong ngày là vào sáng sớm hoặc chiều muộn vì khi đó nhiệt độ mát mẻ sẽ giúp duy trì độ ẩm tốt hơn.

- Bón phân: Lựa chọn đất trồng tốt ngay từ đầu sẽ giúp bạn không phải tốn công bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây. Trong trường hợp đất xấu, cần kết hợp bón phân NPK và phân chuồng hoai mục để đảm bảo dinh dưỡng cho cây. Từ đó tránh được nguy cơ vàng lá, sâu bệnh, cây xấu do thiếu chất. Liều lượng phân bón khoảng 150gr phân NPK kết hợp cùng khoảng 5 - 10kg phân chuồng hoai mục. Tần suất bón phân sau khoảng 3 tháng khi đưa cây ra chậu, sau đó cứ khoảng 5 - 6 tháng tiến hành bón phân một lần.

- Che nắng: Khi mới bắt đầu trồng cây, không nên để hoa ngọc lan trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, nhất là khi thời tiết vào hè. Bạn cần thiết kế giàn che nắng với độ che phủ khoảng 70% nhằm giúp cây được thoáng mát, không bị mất ẩm khi nhiệt độ môi trường lên cao.

- Cắt tỉa: Khi cây hoa vào giai đoạn phát triển tốt nhất, bạn cần tỉa bớt cành lá thừa bị khô héo, cành lá mọc xấu để giúp cây đẹp hơn, định hình tán lá và giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng phải loại bỏ cỏ dại mọc xung quanh định kỳ để ngăn nguy cơ sâu bệnh.

Sâu bệnh thường gặp trên hoa ngọc lan

Là một loài cây thân gỗ, phù hợp với khí hậu nóng ẩm nên cây gặp khá nhiều loại sâu bệnh gây hại. Sau đây là một số sâu bệnh gây hại cho hoa ngọc lan.

1. Bệnh Đốm Đen

Bệnh thường xuất hiện khi cây còn non, lá cây xuất hiện các đốm tím đen, sau đó dần lan rộng ra, ở giữa đốm màu trắng xám và có nhiều bột nâu xanh.

Có thể sử dụng một số biện pháp hóa học để phòng trừ bệnh đốm đen trên hoa ngọc lan như: phun thuốc Boocđô 1%, sau đó phun hợp chất lưu huỳnh vôi 0.3-0.4o Be hoặc Tuyet 0.1%, tần suất phun cứ 10 ngày phun 1 lần, phun khoảng 2 - 3 lần.

2. Bệnh Đốm Xám

Bệnh do bào tử nấm gây ra, bệnh thường xuất hiện từ đầu mùa hè đến hết tháng 10. Trên lá phần ngọn có các chấm nhỏ màu vàng, nâu rồi dần lan rộng ra và khô dần.

Ngoài việc chăm sóc cẩn thận, luôn giữ cho cây thông thoáng, sạch sẽ. Bạn có thể sử dụng các loại thuốc hoá học để phun như bệnh đốm đen.

3. Bệnh Đốm Than

Lá cây ban đầu xuất hiện các đốm nhỏ li ti, lớn dần thành đốm có màu nâu tím, giữa đốm có màu vàng xám và các đốm liền nhau tạo thành đốm lớn. Bệnh xuất hiện nhiều nhất là vào khoảng tháng 6 - 9, khi thời tiết có mưa nhiều.

Thường xuyên kiểm tra cây và tiến hành loại bỏ các lá bị bệnh. Tiến hành phòng trừ bằng cách phun thuốc Boocđô 1%. Khi cây có triệu chứng bệnh, tiến hành phun Daconil 0.2% và phun liên tục 2 - 3 lần cách nhau 10 ngày.

4. Rệp Đài Loan

Bệnh rệp đài loan thường gây hại cho hoa ngọc lan ở cành lá và chồi non. Biểu hiện là hình thành lớp bột màu trắng xám, rệp bắt đầu gây hại vào tháng 3, mạnh nhất vào tháng 4 và tháng 5 giảm dần ở tháng 6 và tháng 7 nhưng đến khoảng tháng 9 lại bắt đầu gây hại đến tháng 11.

Để phòng trừ bệnh rệp đài loan, bạn tiến hành phun thuốc Rogor, DDVP, Malathion 0.03% hoặc dùng chế phẩm Bacillus pha loãng 500 lần.

5. Rệp Sáp Cockerelli

Bệnh rệp sáp Cockerelli trên cây hoa ngọc lan khiến cho lá rụng sớm. Rệp sáp thường đẻ trứng vào cuối tháng 3, cuối tháng 6, cuối tháng 9.

Để phòng trừ bệnh, thường xuyên cắt tỉa cành lá giúp cây thông thoáng và tưới nước thường xuyên. Trong khoảng thời gian trứng nở nên phun thuốc Rogor 0.2%, Furadan để phòng rệp.

6. Ve Sáp Ngài Trắng

Bệnh Ve sáp ngài trắng thường hút nhựa ở cành non khiến cho cành chậm phát triển, lá non xoăn lại. Loài sâu bệnh hại này xuất hiện khi thời tiết bắt đầu ấm áp vào những tháng đầu năm hoặc khi trời bắt đầu mùa mưa.

Để phòng trừ bệnh này, bạn nên thường xuyên cắt tỉa cành dày và tiến hành phun thuốc DDVP 0.05% hoặc Malathion 0.1%.

Trên đây là toàn bộ những thông tin về loài hoa ngọc lan, từ đặc điểm, cách trồng, cách chăm sóc đến các bệnh thường gặp. Hy vọng với những thông tin trong bài viết này, bạn có thể tự mình trồng cây ra hoa đẹp.

Bài thuốc từ hoa ngọc lan
Theo Đông y, hoa ngọc lan có tính hơi ấm, vị đắng, cay, có tác dụng trị các chứng ho, tiểu khó, đầy hơi, buồn nôn, sốt, tăng huyết áp,...

Nhật Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hoa đẹp