Không gian sống được trang trí như một phòng tranh nhỏ, thay đổi theo mùa phù hợp với cảm xúc.
Với diện tích sử dụng lên đến 140m2, trên tầng cao một chung cư cao cấp ven sông Sài Gòn, không gian sống ấy được chủ nhân tận dụng vừa là chốn đi về, vừa là một phòng tranh nho nhỏ, nơi chị thể hiện thú vui sưu tầm và trưng bày bộ sưu tập phong phú cho bạn bè thưởng lãm.
Điểm ấn tượng đầu tiên ngay khi đặt chân vào ngôi nhà ấy, đó là một tổng thể đơn giản, nhưng đem lại một cảm giác thực sự thoải mái, thư giãn bên các tác phẩm nghệ thuật hội hoạ và nhiếp ảnh được chủ nhân sưu tầm nhiều năm qua.
Trong góc nhìn trang trí nội thất, có thể xác nhận ngôi nhà phần nào là nơi thể hiện cá tính nổi bật của chủ nhân. Ở căn hộ phòng tranh này lại có chút khác biệt, chủ nhân là một người thích dịch chuyển, sống theo lối sống hiện đại, khi ở Việt Nam, lúc tận Canada hay đang lang bạt nơi nào đó bên đất Mỹ. Cuộc sống bay bổng, phóng khoáng và tự do, hừng hực với những đam mê khám phá. Những tính cách ấy lại hoàn toàn không thể hiện rõ trong ngôi nhà hiện tại của chị.
Phòng khách nối kết chung với phòng ăn, đem lại cho ngôi nhà sự rộng thoáng hợp lý và cảm giác thư giãn. Từng góc trang trí nội thất được chủ nhân chăm chút cẩn trọng, làm nổi bật vẻ đẹp của các tác phẩm hội hoạ.
Có thể thấy, giữa một không gian rất Tây, bỗng lạc loài vài nét chấm phá nho nhỏ là những món đồ cổ xưa, khi là cái ghế cũ mang phong cách đồ gỗ Minh, khi cái trường kỷ mặt đá tam sơn gợi mở về một đời sống phong lưu của những phú hộ sành điệu thế kỷ trước. Từng góc nhà, từng mảng tường, đều thấy ở đó những điểm nhấn thú vị như thế.
Chủ nhân chia sẻ: “Nói chung mọi người đa phần đều thích đồ mới, hiện đại, sang trọng, bởi vậy ở không gian trưng bày trong nhà của mình, có người nhìn vào sẽ thấy thích, có người không, bởi là sự phối hợp cũ mới lẫn lộn. Nhưng với mình, cái cũ bao giờ cũng có những giá trị nhất định mà cái mới chưa chắc thay thế được”.
Điểm nhấn của ngôi nhà là những hiện vật trang trí nội thất được chủ nhân sưu tầm từ các chuyến đi khắp đó đây.
Sự tỉ mỉ, chăm chút cho từng mảng miếng trong trang trí nội thất của ngôi nhà dễ đem lại một hình dung chủ nhân là người sống rất nội tâm, với các gam màu trầm, và trung tính, chứ không phải là sự phô trương bằng các gam màu mạnh, hiện đại, sôi nổi và tưng bừng như vẻ ngoài quen thuộc mà mọi người dễ cảm nhận ở chủ nhân ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên.
Gia chủ tâm sự: “Ở ngoài đời, tôi là một người hiện đại, nhưng khi về nhà, tôi đơn giản chỉ là một người nội trợ”. Một lối suy nghĩ đậm phong cách Á Đông ấy ảnh hưởng đến trang trí cho không gian sống, bên cạnh những hiện vật sưu tầm cổ xưa, các tác phẩm hội hoạ cũng được sắp đặt và sử dụng các khung tranh cũ kỹ, mục đích để hợp với tổng thể ngôi nhà và tôn giá trị vẻ đẹp của tác phẩm.
Không gian trưng bày được thể hiện tối giản nhưng tiện nghi và hữu dụng.
Mỗi khi săn tìm được một tác phẩm đẹp, mua được tấm tranh ưng ý, gia chủ muốn trưng bày trong ngôi nhà của mình để chia sẻ vẻ đẹp ấy với mọi người, do vậy bộ sưu tập tranh luôn được thay đổi, làm mới theo thời gian, theo chủ đề, và theo cả cảm xúc trong từng thời điểm nhất định. Nhìn vào bố cục trưng bày tranh, có thể nhận ra điểm đặc biệt là sự tiết chế tối đa trong trang trí, khắp các mảng tường trong nhà đều treo tranh, nhưng không quá dày gây rối mắt, mỗi bức tranh đều có vị trí riêng được sắp đặt hài hoà và hợp lý với không gian sống.
Bên cạnh các tác phẩm tranh ảnh, còn là những hiện vật trang trí nội thất được sưu tầm từ những chuyến đi đó đây, tất cả được bố cục trong một tổng thể không gian không bị giới hạn bởi cách sắp đặt, phòng khách thiết kế mở, nối liền với phòng ăn, mọi thứ đều có thể dịch chuyển, thay đổi sao cho phù hợp và tiện ích với nhu cầu sử dụng. Bởi thế, nhìn vào không gian sống của chị, có gì đấy nó cứ thiêu thiếu, nhưng nếu chú ý kỹ hơn, sẽ thấy từng mảng miếng bố cục ấy được phân chia kỹ lưỡng, tạo sự vừa vặn, hợp lý, đơn giản mà hiệu quả.
Sự tương phản về màu sắc, cũ – mới, cổ điển – đương đại đem lại cho không gian trưng bày của ngôi nhà thêm một nét chấm phá thú vị, độc đáo.
Chốn đi về hay phòng tranh tại gia này chỉ là một bước đệm, chủ nhân đang ấp ủ và hình thành việc xây dựng một phòng triển lãm có không gian lớn hơn, mang tính chuyên nghiệp, và hiện đại hơn, nhà là không gian sống, còn phòng triển lãm sẽ là chuyện làm nghề, bởi chủ nhân mong muốn khi phòng trưng bày hình thành, hy vọng đó sẽ cầu nối để các nghệ sĩ, hoạ sĩ trẻ Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với ngành nghề hội hoạ, nhiếp ảnh ở các nước trong khu vực và quốc tế.
Không gian trưng bày các tác phẩm được tập trung một cách có chủ ý theo từng bộ sưu tập và cảm xúc của chủ nhân.
Xem thêm không gian sống đẹp: