Căn hộ của vợ chồng chị Thùy Dương được bài trí thông minh với những gam màu tươi sáng khiến bất cứ ai nhìn vào cũng thích mê.
Năm 2013, vợ chồng chị Trần Thị Thùy Dương mua căn hộ chung cư tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Căn hộ có diện tích gần 100m2 thiết kế 2 phòng ngủ, 2 toilet bố trí vuông vức. Nội thất cơ bản gồm tủ bếp, tủ quần áo và thiết bị vệ sinh. “Đây là căn hộ thứ 2 mà gia đình mình ở. Với diện tích như trên thì 2 vợ chồng và 1 cậu con trai ở rất thoải mái. Việc bài trí căn nhà chồng mình cũng luôn tôn trọng quyết định và sở thích của vợ. Bản thân mình là người thích phong cách tối giản nên hạn chế mua sắm tối đa với phương châm những gì thật cần thiết, đảm bảo chất lượng cuộc sống thì nên đầu tư. Còn lại không nên sắm quá tràn lan tránh tốn tiền mà nhà chật, lại mất thêm công dọn dẹp. Thêm nữa, mình thấy tâm lý chung những ai về nhà mới đều rất ham mua đồ cùng 1 lúc nhưng theo kinh nghiệm của mình khó có thể tìm thấy các món đồ như ý cùng thời điểm nên cứ sắm từ từ thôi”.
Phòng khách được trang trí cùng một tone màu.
Chính vì thế, ngay khi nhận nhà chị Thùy Dương đã lên ý tưởng bài trí sao cho căn hộ thật giản dị mà vẫn không đơn điệu, nhàm chán. Cũng theo bà mẹ trẻ, ưu điểm không gian sống của gia đình mình chính là gọn, ít tiền, thoáng đãng, dễ thay đổi khi chán.
Dưới đây là một vài kinh nghiệm được chị Thùy Dương chia sẻ:
Nguyên tắc chung của trang trí: Nhà nhỏ - ít đồ - đồ size nhỏ - cùng tone màu.
1. Giấy dán tường
- Căn hộ của gia đình rộng gần 100m2 nhưng thiết kế chung của các căn hộ chung cư là khép kín nên chị Dương vẫn cảm thấy nhỏ. Chính vì thế, chị đã chọn giấy dán tường sáng màu và có sọc đứng, việc này sẽ tạo cảm giác trần nhà được đẩy lên một chút. Chị cũng đưa ra lời khuyên cho các chị em là hãy tham khảo những chủ cửa hàng có mắt thẩm mỹ sẽ tư vấn tốt hơn, đỡ bị rối mắt trong lúc chọn giấy dán tường.
Giấy dán tường sáng màu và có sọc đứng sẽ tạo cảm giác trần nhà được đẩy lên.
- Đối với tường bị thấm nên xử lý triệt để và phân biệt loại thấm. Nếu là thấm do rò rỉ đường nước thì phải kêu thợ. Nếu thấm dạng sàn đọng nước như nhà nhà chị chỉ cần chịu khó đợi 1 năm nhà tự thoát hết hơi là được. Lúc chủ đầu tư giao nhà, vợ chồng chị phát hiện 1 góc tường có vết thấm và yêu cầu xử lý. 1 tuần sau họ báo xử lý xong rồi thì nhận nhà. Vì tính là thay đổi màu tường thì phải làm từ khi chưa có đồ đạc, nên vợ chồng chị Dương cho dán tường luôn. Sau khi dán xong khoảng 1 tháng các vết thấm lại xuất hiện, làm đốm đen nổi xung quanh khu vực thấm. Giấy cũng bong ra và giờ thì chỗ đó chị Dương tự làm cây thông trang trí để dán vào.
2. Rèm cửa/khăn bàn/thảm chùi chân/ga giường
- Chị Dương chia sẻ rèm cửa cũng như giấy dán tường, cần có sự tương đồng, tránh quá nhiều màu chỉ được cái rối mắt. Nhà chị hướng Đông Bắc, nắng đến 9h sáng là hết nhưng chị vẫn chọn rèm chống nắng chống nóng vì dày, không lọt ánh sáng khi cần. Cửa ban công chị đẩy sào treo rèm lên sát trần, cảm giác trần cao thêm 1 chút. Rèm ban công phải may vừa sát đất nhưng không được dài đến mức gãy chân rèm nhìn rất luộm thuộm. Nếu sào lên sát trần thì chẳng có vải rèm nào đủ để may chấm đất, phải nối. Lúc đó, chị phải dặn thợ may phối vải cho khéo, không để lộ liễu quá mất thẩm mỹ. Về chất liệu chị Dương chọn loại ưng nhất, đắt tiền tý cũng được.
- Khăn bàn: Muốn độc, lạ và rẻ chỉ có mua vải khúc. Trong hình là 1 tấm vải khúc chị mua với giá 60.000 đồng. Loại này trông khá giống các hình chị xem của nước ngoài, lạ mắt và độc nên chị rất ưng.
Thảm chùi chân cũng là tone màu xanh lá.
- Thảm chùi chân nên mua đồng bộ với tone đồ trang trí. Bản thân chị Dương chọn tone phòng khách màu xanh lá nên thảm chùi chân, thảm lót ghế sofa, vật tự trang trí đều cùng 1 tone. Kiểu trang trí theo tone màu này khá linh động, khi nào chán màu này, chị có thể sắm 1 bộ khác màu cam chẳng hạn, lúc đó nhà sẽ khoác 1 màu mới, đỡ nhàm chán, đỡ tốn tiền, đỡ phí.
- Ga giường: 1 cái giường đẹp nhưng ga giường không cùng tone màu, gối con gối mẹ mỗi màu khác nhau sẽ làm cho giường, thậm chí là nguyên phòng ngủ trở nên xấu đi. Từ khi có nhà riêng, chị Dương chỉ dùng 1 chất liệu may ga giường là phi bóng. Loại ga này ít tạo ma sát làm đứt tóc và cảm giác rất êm ái, mát lạnh, cất cũng rất gọn gàng, không chiếm nhiều diện tích như hàng cotton. Theo kinh nghiệm cá nhân, chị chọn may 2 bộ, chăn – ga đồng màu nhưng vỏ gối khác màu và may gần 1 chục cặp. Các màu này khi phối với nhau rất hợp, ví dụ: ga xám - gối tím đậm/xanh coban/cam nhạt/hồng tím… cho nên cảm giác nhà chị có 1 chục bộ, chứ không phải 2 bộ ga giường.
3. Sàn nhà
Với tiêu chí tiết kiệm nên sàn gỗ phòng ngủ chị không thay. Nhưng nếu có điều kiện, bà mẹ trẻ cho hay sẽ thay loại không thấm nước và có màu tối, trông sang hơn và dễ phối màu nội thất.
4. Tủ
- Khi giao nhà đã có sẵn tủ quần áo và tủ bếp bên dưới nhưng chị Dương cho thay luôn tủ bếp vì đó là gỗ thấm nước, mà chắc chắn nơi gần nước (chỗ rửa chén) thì không thể dùng loại này được. Bên cạnh đó, bà mẹ ở Vũng Tàu cũng đóng thêm 1 cái kệ bếp treo, chất liệu gỗ công nghiệp không thấm nước.
- Tủ kín hay hở, có kính hay không, vấn đề này chị Dương có tham khảo vài trang kinh nghiệm cho rằng cạnh tủ và vật dụng là những thứ góc cạnh, theo phong thủy không tốt cho gia chủ. Hơn nữa, bản thân chị có tật sợ đồ, tủ đóng là tủ kín, đồ bên trong có lộn xộn thế nào, đóng tủ lại tất cả đều tươm tất, sạch sẽ.
Tủ bếp được làm cách trần 15 phân.
- Một lưu ý đáng ghi nhớ là chị em đừng tham đóng tủ bếp cao đụng nóc để đựng được nhiều đồ hoặc khỏi bị bụi trên nóc tủ. Cái này tùy từng gia chủ, như căn hộ của vợ chồng chị Dương thì ít đồ, không tiếp khách ăn uống tại nhà nên không có nhiều đồ bếp. Các tủ trên quá cao, phải đứng trên ghế nên hầu như chị Dương không để đồ gì ở trên cùng cả và cũng không có ai đứng lên đó để nhìn thấy bụi. Việc đóng tủ kịch trần cũng khiến không gian thêm chật chội, không thông thoáng bằng tủ cách trần 15 phân.
5. Thiết bị điện tử
- Đây là đồ sử dụng lâu dài, bao gồm: Máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh, TV, quạt... Gia đình chị Dương chọn đồ có thương hiệu và cũng tham khảo mọi người. Máy giặt chị chọn loại 8kg, có thể tự giặt chăn hè, rèm cửa, gối, gấu bông. Quạt điện chị chọn mua của Mitsubisi 2 triệu/cây vì bền và rất bền, mẫu mã đẹp, gió quạt phát ra cảm giác dễ chịu. TV là thứ mà theo chia sẻ, chị muốn bán nhất vì không mấy khi sử dụng. Và đặc biệt trong phòng ngủ không có TV, thời gian xem TV thay bằng thời gian đọc sách và trò chuyện buổi tối cùng chồng con.
- Bếp ga là thứ chị Dương cho rằng sai lầm nhất khi mua sắm. Chị dùng bếp âm, đẹp nhưng nhanh hỏng. Loại 3 triệu hay 5 triệu đều mau hư như nhau cả. Hiện chị đang dùng bếp quang loại đơn hơn 2 năm rồi, chưa thấy hư hỏng gì, nấu rất nhanh.
Bộ bàn ăn vợ chồng chị chọn loại 4 ghế nhỏ gọn.
6. Ghế sofa/bộ bàn ăn/giường
- Đồ có kích thước lớn nên chọn màu sáng, chẳng hạn ghế sofa. Thử hình dung 1 bộ ghế sofa màu đỏ theo tone chủ nhà muốn trang trí thì sau này muốn đổi phong cách sẽ phải thay cả bộ sofa, khá tốn tiền và cũng không cần thiết phải tốn như vậy. Còn nếu là 1 bộ màu kem, có tấm lót màu xanh, gối tựa màu xanh thì khi chán màu này, có thể thay vỏ gối và tấm lót ngồi màu cam chẳng hạn, hoặc thậm chí là 1 cái chăn lông dày tiệp màu là đã có 1 diện mạo mới cho căn nhà.
Do đó, chị Dương đóng loại nệm tốt, bọc vải màu kem nhưng cũng chỉ xài 5 năm đã lún rồi, nếu đóng nệm cao su mới sẽ bền hơn. Lưu ý là nhà có con nhỏ nên sắm vài miếng nylon loại lót cho em bé sơ sinh để lót bên dưới tấm trải ghế, chống tè dầm. Chị cũng không sắm bàn đi kèm vì nhà nhỏ và cũng không có nhu cầu để đồ lên bàn.
- Bộ bàn ăn vợ chồng chị chọn loại 4 ghế. Kinh nghiệm của chị là nên sắm đồ theo đầu người, đừng sắm cho khách vì nhà nhỏ cần không gian thoáng.
Chiếc giường được đặt đóng và chị Dương chọn may 2 bộ, chăn – ga đồng màu nhưng vỏ gối khác màu và may gần 1 chục cặp.
- Giường chị đặt đóng và cũng có giá trị cao nhất trong các món đồ gỗ. Sơn công nghệ mới nên bóng sáng rất đẹp. Nhà nhỏ nên chị tận dụng tối đa, đóng kèm 4 hộc tủ giường, đựng chăn ga gối màn là chính. Cái giường này chị xác định đi đâu cũng đem theo bởi nó rất chắc chắn. Đứng lên đi không nghe tiếng, cũng không rung rinh. Bản thân chị thích màu trắng nên hay sắm đồ dùng màu trắng và cũng vì đồng màu tạo sự đồng nhất.
7. Ban công/cây cảnh/sào phơi đồ/song an toàn
- Ban công là nơi ngắm cảnh và thư giãn, gần như là sân vườn của nhà trên cao. Chị Dương tìm được gỗ lót ban công loại chuyên dùng cho outdoor và sauna, chịu nước và nắng. Chị rất hài lòng vì trông sang và sạch hẳn lên, mà giá cả cũng hợp lý, chỉ gần 1 triệu cho nguyên cái ban công. Con trai chị sáng chiều tối, rảnh ra ngồi đọc truyện, chơi tự do...
- Thừa nhận là 1 người “sát cây”, nghĩa là trồng cây gì cũng chết, nên chị Dương trồng cây hoa tím dại và dây trầu bà, dù rất ít chăm sóc, ngày tưới 2 lần, có khi quên mất, nhưng cây vẫn sống tốt.
- Sào phơi đồ: Nên chọn loại cây inox đơn giản, dễ dùng. Chị cho hay loại kéo lên kéo xuống cũng tiện nhưng không phù hợp với khu vực miền biển gió to. Về sào phơi đồ chị có thêm 2 sợi dây cước để phơi chăn màn và áo thun. Chị dùng dây cước vì trong, nhỏ và chắc, nhìn xa không thấy có 2 sợi dây, tạo cảm giác gọn gàng.
- Song an toàn: Bây giờ có loại cáp làm rất đẹp, cảm giác thoáng hơn hẳn song inox chị chọn lại có tính thẩm mĩ cao.
Ban công là nơi con trai chị sáng chiều tối, rảnh ra ngồi đọc truyện, chơi tự do...
8. Trang trí nhà
Đây là sở thích của bà mẹ trẻ, bản thân chị thích tự làm đồ trang trí, có thể thay đổi khi chán và cũng rẻ. Chị hay tham khảo các trang pinterest/youtube với từ khóa: DIY home decoration và thấy có nhiều thứ hay ho. Hơn nữa, thường xuyên ngắm nhìn những tấm hình nhà đẹp, chị cảm thấy level thẩm mỹ của mình cũng lên được 1 chút về khoản phối màu và cân đối kích thước.
Căn hộ của vợ chồng chị Dương tuy không lộng lẫy nhưng thoáng đãng, đủ ánh sáng và nhẹ nhàng. Một phần vì căn hộ này có thiết kế không gian phù hợp, phòng nào cũng hưởng ánh sáng và khí trời tốt nên cảm thấy rất dễ chịu. Chị Dương cũng mong rằng những kinh nghiệm mà bản thân vừa mới chia sẻ sẽ hữu ích với rất nhiều người.