Đây là một trong những loại cây phong thủy rất được ưa chuộng trồng trong nhà, văn phòng hoặc đặt trên bàn làm việc để chiêu tài, hút lộc cho người sở hữu.
Cây “thuận buồm xuôi gió” thường được biết đến bởi những cái tên khác như hoa lan ý, bạch môn, vỹ hoa trắng, cây huệ hòa bình,… và tên khoa học của nó là Spathiphyllum Wallisii, thuộc họ Araceae (Ráy). Cây có nguồn gốc ở các vùng nhiệt đới Nam Mỹ và một số khác ở Đông Nam Á, hiện được nhiều người chọn trồng trong nhà, sân vườn hay văn phòng làm việc.
Sở dĩ cây có tên là thuận buồm xuôi gió là do đặc điểm của loài hoa này. Cụ thể, cây mọc thành từng bụi, cao khoảng 40-50cm, cuống lá mọc từ gốc lên, lá có màu xanh thẫm bóng mượt. Hoa màu vàng, thuôn dài và xung quanh được bao bọc bởi một chiếc mo hoa màu trắng, trông giống như cánh buồm nên mới có cái tên là “thuận buồm xuôi gió”.
Trong phong thủy, loài cây này mang lại nhiều vượng khí cho gia chủ, xua đuổi những điều xui xẻo, giúp cân bằng trường khí trong nhà. Nhờ đó, gia chủ sẽ có cuộc sống yên bình, tránh xích mích giữa các thành viên trong gia đình, đồng thời gặp nhiều may mắn hơn, làm việc gì cũng hanh thông, sự nghiệp thăng tiến.
Là cây cảnh phong thủy nên cây lan ý hợp với tất cả các mệnh, đặc biệt là người mệnh Thủy và mệnh Kim, nhất là khi trồng thủy sinh. Bởi theo quan niệm ngũ hành, Kim sinh Thủy sẽ rất hợp nhau. Trong khi đó, màu trắng là màu bản mệnh của người mệnh Kim.
Không chỉ mang ý nghĩa cát lành, cây lan ý còn có tác dụng thanh lọc không khí, loại bỏ bụi bẩn và độc tố như Formaldehyde, Benzene, Trichloroethylene, Xylene và Toluene. Bên cạnh đó, loại cây này có thể hấp thụ sóng điện tử phát ra từ tivi, máy tính, điện thoại,…
Cây thuận buồm xuôi gió rất dễ trồng và dễ nhân giống nhờ cây có khả năng sinh trưởng mạnh. Tuy nhiên nhiều người vẫn ca cẩm rằng cây lan ý họ trồng rất còi cọc hoặc chỉ có là mà không ra hoa. Thực ra, nếu đáp ứng được những điều kiện sau đây thì cây lan ý sẽ nở hoa hết đợt này đến đợt khác:
- Đảm bảo đủ ánh sáng cho cây
Mặc dù cây lan ý sống được cả ở ngoài trời, trong bóng râm và trong nhà, nhưng bạn vẫn phải đảm bảo đủ ánh sáng cho cây. Lan ý rất khó nở hoa nếu không nhận được ánh sáng trong thời gian dài.
Ánh sáng quá mạnh cũng dễ gây cháy lá. Vì vậy, đặt cây ở nơi có ánh sáng tán xạ là tốt nhất. Vào mùa hè không nên đặt gần cửa kính kẻo bị cháy lá.
- Duy trì đủ chất dinh dưỡng cho cây
Nếu trồng lan ý trong chậu, bạn cần thay đất thay chậu thường xuyên cho cây, nếu không chất dinh dưỡng trong đất sẽ dần cạn kiệt, không có lợi cho việc ra hoa.
Mỗi năm thay chậu một lần có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng, có lợi cho quá trình sinh trưởng và ra hoa của cây. Ngoài ra, bạn thỉnh thoảng bạn nên bón thêm phân cho cây. Nếu trồng thủy canh, hãy pha dung dịch dinh dưỡng với nước sạch rồi đặt cây vào chậu thủy tinh sao cho nước vừa ngập rễ, mỗi tuần thay nước một lần.
- Phun thuốc kích thích ra hoa
Ngoài đáp ứng đủ những điều kiện trên, ngoài ra bạn cũng có thể thông qua can thiệp nhân tạo để kích thích cây lan ý ra hoa. Cụ thể, pha loãng axit gibberellic với nước theo tỷ lệ 1:1000 ~ 15000 rồi phun lên lá. Sau khoảng 7-9 tuần là cây có thể nở hoa.