Mèo Tam thể đúng như tên gọi của loại mèo này với bộ lông có 3 màu sắc nổi bật. Dưới đây là thông tin về đặc điểm, tập tính và ý nghĩa của loài mèo này.
Mèo Tam thể không phải là một giống mèo (hay nòi mèo) thuần chủng, tên gọi của loài mèo này là một cách phân loại mèo dựa trên màu lông với 3 màu khác nhau, thông thường là các màu vàng/nâu vàng/trắng, đen/nâu đen và trắng. Ba màu này xuất hiện trên lông thành từng mảng, màu trắng thường chiếm phần lớn diện tích, còn lại các màu có thể là vàng - đen; nâu vàng - nâu đen...
Những con tam thể hầu như đều là con cái, và rất hiếm khi mèo Tam thể là mèo đực, nếu là mèo đực thường chúng sẽ bị vô sinh.
Nguồn gốc mèo Tam thể
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, mèo Tam thể là loài mèo nhà, chúng di cư đến nhiều nơi bằng nhiều cách khác nhau và được tìm thấy nhiều ở các thành phố cảng biển dọc theo Địa Trung Hải ở Pháp, Ý và có nguồn gốc từ Ai Cập. Ngoài ra, loài mèo này cũng rất phổ biến ở Việt Nam.
Những giống mèo cũng được gọi là mèo Tam thể do sở hữu bộ lông 3 màu như mèo Maine Coon, mèo Anh lông ngắn, lông dài hay mèo Ba Tư...
Đặc điểm ngoại hình của mèo Tam thể
Mèo Tam thể không có đặc điểm hình dáng mang tính đặc trưng riêng do không phải một giống mèo cụ thể. Chính vì thế mà đặc điểm ngoại hình để nhận biết loại mèo này thông qua màu sắc bộ lông 3 màu, phổ biến nhất là đen – trắng – xám, đen - trắng - cam,...
Tính cách của mèo Tam thể
Do mèo Tam thể không phải là một giống mèo, vì vậy tính cách và hành vi cụ thể của loài mèo này tùy thuộc vào những giống mèo có xuất hiện bộ lông 3 màu. Giống như nhiều loài mèo khác, mèo Tam thể sẽ phát triển tính cách độc đáo của chúng theo nhiều yếu tố, chẳng hạn như xã hội hóa và kinh nghiệm sống.
Bạn có thể kiếm được một chú mèo dễ thương, hiền lành, thích ở bên bạn và muốn trở thành người bạn đồng hành trung thành của bạn.
Bạn cũng có thể nhận được điều ngược lại: Một con mèo ngổ ngáo, lanh lợi và rất nghịch ngợm…
Phân biệt mèo Đồi mồi và mèo Tam thể
Mèo Tam thể khá giống với mèo Đồi mồi (mai rùa), chúng rất giống nhau về mặt di truyền. Mèo Đồi mồi cũng có ba màu. Tuy nhiên, cách thể hiện màu sắc qua bộ lông lại khác nhau giữa hai loài mèo này.
Hình ảnh mèo Đồi mồi hay mèo mai rùa
Mèo Tam thể có bộ lông là các mảng màu tách biệt nhưng phải có mảng màu trắng còn các màu khác như cam, đen, nâu, xám… sẽ phân bổ đan xen. Mèo đồi mồi không có màu trắng, màu sắc lông của chúng được trộn lẫn thay vì thể hiện các mảng màu cụ thể.
Hình ảnh mèo Tam thể
Tại sao mèo Tam thể thường là mèo cái?
Trên thực tế, có tới 99.9% mèo Tam thể là giống cái do cấu tạo nhiễm sắc thể độc đáo quyết định sự khác biệt về màu sắc trong bộ lông của chúng.
Các nhiễm sắc thể giới tính (X và Y) xác định mèo sẽ là đực hay cái. Những mảng lông màu đen và cam đặc trưng cho những con mèo này là kết quả của hiện tượng di truyền được gọi là "bất hoạt nhiễm sắc thể X".
Ở mèo, gen quy định màu lông nằm trên nhiễm sắc thể X. Gần như tất cả mèo tam thể đều là giống cái, vì chúng có hai nhiễm sắc thể X. Mèo tam thể đực quý hiếm có một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y.
Tuy nhiên, cứ 3000 con mèo Tam thể thì có 1 con đực sinh ra do dị tật di truyền được gọi là hội chứng Klinefelter. Do đó, những con đực thường rất khỏe mạnh nhưng bị vô sinh. Xác suất để sinh ra một con mèo Tam thể đực có khả năng sinh sản chỉ có 1 trong 1000 con mèo.
Ý nghĩa của mèo Tam thể
Những con mèo có màu sắc này được cho là mang lại may mắn trong văn hóa dân gian của nhiều nền văn hóa. Ở Đức, từ để chỉ con mèo Tam thể là "Glückskatze" hoặc "mèo may mắn". Ở Hoa Kỳ, chúng đôi khi được gọi là mèo tiền. Mèo Tam thể cũng được chọn là mèo của tiểu bang Maryland của Hoa Kỳ vì màu trắng, đen và cam của chúng giống với màu của chim vàng anh Baltimore (loài chim của bang).
Ở Nhật Bản, các hình Maneki-neko mô tả mèo Tam thể, mang lại may mắn; Các thủy thủ Nhật Bản thường có một con mèo hoa để bảo tránh gặp những điều xui xẻo khi đi biển.
Ở Việt Nam, những chú mèo con Tam thể được sinh ra cũng là điềm báo mang lại sự may mắn, cuộc sống tốt đẹp hơn và công việc thuận lợi, tiền tài, công danh mở rộng.
Sức khỏe và tuổi thọ
Mèo Tam thể có sức sống mãnh liệt, tuổi thọ của chúng có thể lên đến 12 -16 năm. Những con tam thể đực có tuổi thọ ngắn hơn so với những con tam thể cái do tình trạng di truyền Hội chứng Klinefelter ở mèo tam thể đực.
Mèo tam thể đực được sinh ra do dị tật di truyền thường kém khỏe mạnh hơn nhiều so với con cái. Mèo đực thường có hàm lượng khoáng chất trong xương thấp, làm tăng nguy cơ gãy xương, có thể gây đau khớp, bệnh tim và tiểu đường và các khả năng nhận thức bị ảnh hưởng.
Cách nuôi mèo Tam thể
1. Thức ăn cho mèo Tam thể
Mèo tam thể nuôi khá đơn và không cầu kỳ về thức ăn. Những loại thực phẩm mà mèo này thích ăn có thể kể đến như: Cá, thịt lợn, gan động vật, sữa, đồ khô cho mèo, pate và một vài loại rau củ…
Cần chú ý đến từng giai đoạn phát triển của mèo mà cung cấp lượng dinh dưỡng phù hợp. Không quá nhiều và cũng không quá ít.
2. Chăm sóc bộ lông
Vì mèo Tam thể có bộ lông màu mè khá đặc biệt nên bạn cần chịu khó chải chuốt cho chúng hàng tuần để loại bỏ lông chết, tắm cho chúng thường xuyên để bộ lông luôn mượt mà và màu sắc thêm rực rỡ.
3. Vệ sinh tổng thể
Mỗi tháng, bạn nên đưa mèo Tam thể đến trung tâm chăm sóc thú y để vệ sinh tổng thể phần tai, cắt móng, kẽ móng chân, tầm soát các loại bệnh và kiểm tra sức khỏe về da của chúng để chúng có sức khỏe tốt nhất, không mắc các bệnh truyền nhiễm cho người.
Giá mèo Tam thể là bao nhiêu?
Hiện nay, giá mèo Tam thể khá đa dạng, tùy thuộc vào giống loài mà giá có sự thay đổi. Cụ thể, đối với mèo Tam thể đực có thể trạng tốt, có thể sinh sản bình thường khá là hiếm nên chúng có giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Mèo tam thể cái thì tùy giống và ngoại hình, giá dao động từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng.