Mảnh vườn nhỏ chừng 40-50m2 của gia đình chị Vân mùa nào cũng rực rỡ các loài hoa hồng ngoại đua nhau khoe sắc.
Để làm đẹp mảnh đất con trồng cỏ Nhật phía sau nhà, chị Hồng Vân (quận Hải An, Hải Phòng) đã trồng thêm những những khóm hoa hồng ngoại. Khu vườn sau nhà giờ đây có đủ sắc xanh của cỏ lá, sắc thắm của những bông hoa hồng.
Tình yêu bất ngờ với hoa hồng
“Cách đây 2 năm, mình có trồng thử mấy cây hồng nho nhỏ, không ngờ khi nở hoa ông xã và các con lại thích như vậy! Chiều chiều, mình và con gái mang ghế ra vườn ngồi ngắm trời, ngắm vườn, mẹ con thủ thỉ, cảm giác bình yên lạ lùng”, chị Hồng Vân chia sẻ. Thế là từ đó, chị và cả nhà đều say một tình yêu với hoa hồng.
Gia đình chị Hồng Vân rất thích trồng và ngắm hoa hồng
Mỗi tuần ghé chợ hoa, khu vườn gia đình chị Vân có thêm vài cây hồng, cây chanh, cây ớt... Chẳng mấy chốc, bãi cỏ đã chen chúc và đầy màu sắc. Chị cho biết, chị đã trồng thêm hồng ngoại và một số cây hồng cổ, rồi hoa mua tím, nguyệt quế, mai hoàng yến, hoa nhài , ngọc lan, phong lữ... Tuy nhiên, hoa hồng vẫn là loài chủ đạo trong khu vườn. Ngoài những giống hồng đào, hồng nhung hoặc hồng leo đỏ được trồng trên đất vườn, các loại hồng ngoại và tỉ muội được chị trồng vào chậu. “Mùa này hoa bắt đầu đẹp. Nhà mình còn kê một bộ bàn ghế nhỏ để có thể ngắm hoa, thưởng trà, thấy niềm vui cũng thật giản dị!”, chị Vân tâm sự.
Tận tình với hoa hồng
Khí hậu Việt Nam nóng và ẩm không phù hợp với đa số giống hoa hồng ngoại. Vì vậy, để có được những cây hoa hồng đẹp quả thực không đơn giản. Chị cho biết, cây hoa hồng rất dễ mắc các loại sâu bệnh, bọ trĩ và nấm. Cây cần sự chăm sóc thường xuyên như cắt cành, bón phân, phun thuốc phòng bệnh và trị bệnh tận gốc.
“Nhiều giống hồng ngoại ở nước ngoài màu sắc rất đẹp, bông to và sai hoa nhưng khi về Việt Nam sẽ bị thay đổi màu sắc, dáng hoa và gần như không thể có được những giàn hoa như ta thường thấy hình trên các website quảng cáo ”, chị Vân cho hay.
Hoa hồng ngoại rất dễ mắc các loại sâu bệnh, bọ trĩ và nấm
Kể về quá trình trồng hoa hồng, chị Vân chỉ rõ, nên trồng hồng bằng đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Có thể trộn đất với phân NPK hoặc phân vi sinh, lót dưới đáy chậu bằng than hoa và xơ dừa, trộn thêm trấu hun nếu cần thêm độ xốp. Chậu hoa hồng cần đặt ở chỗ có ánh nắng. Không được tưới cây, bón phân hoặc phun thuốc vào lúc nắng gắt hay khi trời tối. Có thể tận dụng nước vo gạo, nước rửa tôm cá, bã sữa đậu nành hoặc bã cua đồng ngâm để bón cây thay cho phân bón rất tốt.
Đối với mỗi loại sâu bệnh hoặc nấm trên cây hoa hồng chị Vân có cách trị bệnh khác nhau. Chị kể: “Khi cây bị bệnh thì tùy vào từng loại sâu bệnh hay nấm để chữa trị. Để tránh nhờn thuốc, mình thường xuyên dùng thay đổi thuốc trừ sâu và trị nấm. Không nên dùng 1 loại duy nhất để tránh nhờn thuốc. Ngoài phân bón, thỉnh thoảng mình có dùng gói rong biển pha loãng rồi phun để giúp cây tăng trưởng tốt hơn”.
Hồng ngoại có tên Mango Koster nở hoa chúm chím
Từng cánh hoa tỉ muội đào bé dần vào trong
Hồng tỉ muội cam và...
... tỉ muội đỏ được trồng trong chậu và đặt nơi có ánh nắng
Hồng ngoại Jubilee khoe sắc theo nắng
Hồng cổ bói nụ đơm hoa
Hồng cam chùm có mùi hương lạ lùng
Từng góc chụp hoa đẹp lung linh
Tóc tiên cánh hồng nhụy vàng
Mai hoàng yến đẹp đẹp trong veo
Phong lữ rủ đậm sắc màu
Hoa rẻ quạt 6 cánh màu nghệ
Hoa lồng đèn rực tím từng bông
Hoa súng trong "ao nhỏ" đa dạng sắc màu
Khóm sống đời nằm gọn trong góc vườn