Nếu không cẩn thận với những hạt li ti này và để chúng phát triển, bạn sẽ có nguy cơ bị tổn thương da, bỏng mắt.
Mùa hè đến, đối với nhiều gia đình có trồng cây nhãn, vải, quanh nhà hoặc nhà có vườn cây thì những hình ảnh này có lẽ không còn xa lạ. Thời điểm này, côn trùng đang hoạt động rất tích cực, chúng đẻ trứng và sinh sôi rất nhanh ở nhiều nơi.
Trứng bọ xít dính chặt vào quần áo.
Những viên nhỏ hình tròn xếp thành cụm ở trên thực chất là trứng của loài bọ xít hại nhãn vải rất phổ biến ở Việt Nam. Đây là một loài bọ xít trong họ Tessaratomidae, con trưởng thành có màu vàng nâu, mặt bụng bao phủ một lớp sáp màu trắng, chiều dài thân 25–30 mm, Chúng gây hại trên các cây nhãn và cây vải. Sâu non và sâu trưởng thành của bọ xít vải đều hại cây.
Các hình thức sinh trưởng của bọ xít hại nhãn, vải.
Loài bọ xít này thường hay đậu vào quần áo phơi ngoài sân nơi gần cây cối và đẻ nhiều trứng dính chặt lên đó. Trứng mới đẻ có dạng gần tròn, màu xanh nhạt, sau đó chuyển sang màu hồng tối. Khi sắp nở, trứng có màu xám đen. Trứng chưa nở sẽ không gây hại đến con người.
Tuy nhiên chỉ một vài ngày sau đó, nếu không kịp thời phát hiện và gỡ bỏ những đám trứng đi, bọ xít con sẽ nở ra rất nhiều. Chỉ cần vô tình chạm vào những con côn trùng non này, chất dịch màu vàng nhạt chứa axit của chúng tiết ra sẽ khiến bạn bị rát, rộp da, nguy hiểm hơn khi để dính vào mắt có thể gây mù mắt nếu không kịp thời rửa sạch.
Chất dịch màu vàng nhạt chứa axit do bọ xít tiết ra sẽ khiến bạn bị rát, rộp da.
Theo các chuyên gia, loài bọ xít này không chủ động tấn công người, bản thân chúng và trứng côn trùng không có độc tính. Nhưng khi trứng nở thành côn trùng non, chúng sẽ tiết ra chất độc nếu sợ hãi.
Bọ xít đang đẻ trứng.
Bọ xít trưởng thành và bọ xít non.
Do đó, tốt nhất khi rút quần áo từ ngoài trời vào, bạn nên kiểm tra cẩn thận cả hai mặt xem có trứng bọ xít dính vào không. Trong trường hợp chất tiết dính vào mắt gây bỏng rát, không được day, dụi mắt để tránh bị xước niêm mạc gây đau - rát tăng lên. Sau đó nhỏ nước mắt nhân tạo hoặc nhỏ nước muối sinh lý vào, nếu không có sẵn, có thể lấy muối ăn pha với nước (pha loãng để tránh xót) đổ đầy vào ca sau đó úp mắt vào và chớp mắt nhiều lần để rửa nước tiểu bọ xít.
Nếu mắt nhìn mờ, sưng đỏ hoặc xung huyết, cần đến bệnh viện chuyên khoa mắt để khám chữa kịp thời, tránh biến chứng ảnh hưởng đến thị lực của mắt.