Cà chua bi là loại quả giàu dinh dưỡng, nếu có thể tự trồng được ngay tại nhà thì còn gì bằng.
Dù đang sống ở thành phố, nhưng vì đam mê với trồng trọt, lại lo lắng rau, củ, quả ngoài thị trường không đảm bảo chất lượng nên chị Trịnh Hương (ở Hà Nội) quyết định thiết kế một khu vườn trên sân thượng để trồng các loại rau, củ, quả sạch. Đây cũng là nơi để chị Hương thư giãn mỗi ngày sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Mới đây, chị Hương khoe giàn cà chua bi sai chi chít, quả đỏ, quả xanh chen nhau mọc làm nhiều người không khỏi tròn mắt ngạc nhiên, ngưỡng mộ.
Cà chua bi là loại quả được yêu thích bởi giá trị dinh dưỡng cao và có nhiều lợi ích cho sức khỏe lẫn sắc đẹp. Loại quả này rất giàu vitamin K, A, C, canxi,... chứa nhiều chất chống oxy hóa. Do đó, việc có thể tự trồng được cà chua bi ngay tại nhà khiến dân tình thích thú và muốn học hỏi bí quyết.
Chị Trịnh Hương, chủ nhân của vườn cà chua quả sai chi chít.
Chị Hương chọn trồng cà chua bạch tuộc của Nga, có 2 loại quả dạng to và dạng quả bi.
Chị Hương tiết lộ, giống cà chua mà chị trồng là cà chua bạch tuộc, một loại giống leo giàn của Nga, sai quả và ăn rất ngon. Cà chua bạch tuộc có dạng quả to và quả bi.
Mẹ đảm Hà thành cho hay, cà chua bắt đầu ươm hạt vào giữa tháng 7 dương lịch, trồng vào giữa tháng 8 và kết thúc vụ vào cuối tháng 4 năm sau. Vì cà chua bạch tuộc phù hợp trồng vào mùa Thu Đông, không hợp mùa Hè nắng nóng.
“Năm ngoái mình chỉ trồng 2 cây cà chua bi vào 2 chiếc thùng xốp nhỏ, kích thước 40x30cm, cao tầm 45cm thôi nhưng cây sai quả khủng khiếp. Nếu ai có chậu càng to thì càng tốt, vì giống cà chua bi này rất khỏe, tạo tán rộng” - chị Hương chia sẻ.
Vụ cà chua vừa qua, chị Hương chỉ trồng 2 cây nhưng cho ra quả sai không tưởng.
Từ kinh nghiệm trồng thành công của mình, chị Hương không ngại “gạch đầu dòng” những bí quyết giúp cây cà chua khỏe mạnh, sai quả để chia sẻ cho mọi người cùng tham khảo như sau:
- Đất: Đất phải sạch, không mầm bệnh, đủ dinh dưỡng nuôi cây. Khi trồng cây phải thường xuyên quan sát, để ý thấy cây có biểu hiện bệnh là phải xử lý ngay. Nếu để bị nặng sẽ rất khó xử lý, dẫn đến cây khó phát triển và ra hoa, đậu quả.
Thành phần đất (cho một bồn to, chiều cao - chiều rộng - chiều dài tương đương: 50x50x80cm) gồm: 60% đất đã trồng vụ trước, còn lại 40% gồm: 1/2 bao phân bò, 1/2 phân trùn quế, 0,5kg vôi bột, 300gr phân lân, 1 ít trấu hun, 1kg vỏ trứng, 1 bát con phân gà viên, 1kg bột đậu tương, tất cả trộn đều ủ trong 3 tuần. Khi đất nguội thì trồng cây xuống, trước khi trồng lót một lớp phân rác khô ở đáy chậu để khi cây lớn sẽ đủ dinh dưỡng nuôi quả.
- Nắng: Nên trồng cây chỗ nắng cả ngày, thiếu nắng sẽ khó đậu quả.
- Cây giống: Chọn cây ươm khỏe, mập, khi trồng sẽ phát triển tốt và nhanh.
Để cây cà chua khỏe mạnh, sai quả, chị Hương phải cẩn thận từng khâu từ chuẩn bị đất, cây giống, phân bón, tỉa hoa, lá...
- Phân bón và chăm sóc: Cà chua không hợp phân gà vì phân gà rất nhiều đạm, do đó giai đoạn cây con chúng ta nên bón ít phân bà vì nhiều đạm quá sẽ bị sun lá. Thay vào đó nên bón trùn quế, phân bò hoặc phân rác. Khi cây ra hoa, đậu quả mới bón phân gà, lúc này quả ra nhiều, cần năng lượng, lượng đạm và canxi lớn để nuôi quả.
Không nên tưới quá nhiều nước cho cây cà chua, chỉ cần tưới đủ ẩm vì mùa Thu - Đông nắng không nhiều, đất không bị khô như mùa Hè. Nên tưới cây vào buổi sáng hoặc chiều mát, không tưới buổi tối. Cà chua bạch tuộc cần lượng canxi “khủng” để nuôi quả nên các bạn nhớ bón đủ canxi cho cây. Canxi có nhiều trong vỏ trứng, vỏ tôm, cua...
Khi cây đã đậu quả, chúng ta bỏ qua việc tưới bằng nước máy, thay bằng nước phân rác pha loãng cùng 1 ít phân trùn hoặc tro bếp để cung cấp dinh dưỡng nuôi quả. Tưới phân cá, phân đậu tương hoặc phân gà 1 lần/tuần. Cứ 15-20 ngày bón phân bổ sung 1 lần.
Không nên tỉa lá cà chua khi chưa đậu quả, chỉ tỉa lá già, lá bệnh. Khi cây đậu quả nhiều, nếu lá xum xuê quá thì mới tỉa bớt cho thoáng và để tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Không nên tỉa trơ trụi lá, trừ khi lá bị bệnh nhiều quá mới tỉa hết lá bệnh đi.
Thành quả của chị Hương khiến nhiều người xuýt xoa.
- Tạo tán: Chúng ta nuôi một thân chính và chọn một nhánh khoẻ ngay chùm hoa đầu tiên. Các nhánh và hoa còn lại ngắt hết đi để dưỡng cây lên giàn cho nhanh, cứ ra hoa là ngắt. Khi cây bò tới giàn thì sẽ bắt đầu phân các nhánh con, các bạn không ngắt nhánh mà chỉ ngắt hết hoa đi thôi. Đợi khi tán rộng theo ý mình rồi thì mới để hoa đồng loạt. Lúc này giàn rất nhiều nhánh con, cho ra nhiều hoa và sau này sẽ ra quả đồng loạt. Thời gian lên giàn tạo tán mất khoảng 1,5-2 tháng tuỳ theo giàn cao hay thấp và tùy các bạn để tán to hay nhỏ.
Khi thu hoạch quả xong, các bạn tỉa cành, lá già đi sau đó bón thêm phân thì cây lại ra nhánh và ra hoa tiếp, quả ra đợt thứ hai sẽ không nhiều bằng đợt đầu.
Giàn cà chua mà chị Hương trồng cho ra rất nhiều quả, gia đình chị thường cất tủ lạnh ăn dần, ăn sống hoặc chế biến thành các món: Salad, làm sốt cà chua, nấu kèm với các loại đồ ăn.
Ngoài cà chua, trên sân thượng nhà chị Hương còn trồng rất nhiều loại rau, củ, quả khác.
Hiện tại, vườn nhà chị Hương đang trồng mùa cà chua mới. Tuy nhiên, chị còn trồng rất nhiều loại rau, củ, quả khác trên sân thượng như: Cải Kale, súp lơ vàng, súp lơ xanh, cà trắng ngà voi Mỹ, dưa lê xanh, dưa lê da báo, dưa lê Hàn Quốc, dưa hấu Nhật, ớt Habanero, cà chua tím ruột đỏ Mỹ, mướp đắng Đài Loan, xà lách…
Vào thời điểm giãn cách xã hội do dịch Covid-19 này, việc đi lại, mua sắm khó khăn hơn bình thường nhưng gia đình chị Hương vẫn có nguồn rau sạch dồi dào phục vụ bữa ăn mỗi ngày.
Khu vườn trên sân thượng cung cấp nguồn rau sạch dồi dào phục vụ bữa cơm hàng ngày của gia đình chị Hương.