Cây Vạn Niên Thanh có tác dụng thanh lọc không khí cực tốt và có nhiều ý nghĩa trong phong thủy nên thường được đặt ở phòng khách, nơi làm việc hoặc làm quà tặng.
Đặc điểm cây Vạn Niên Thanh
Cây Vạn Niên Thanh có tên khoa học là Dieffenbachia Amoena, có xuất xứ từ vùng đất Colombia, Brazil, thuộc họ Ráy, là loại cây thân thảo có rễ ngắn, mập, nhiều đốt và có nhiều rễ con. Loài cây này nổi bật nhờ những tán lá rộng, rậm, mặt dưới màu xanh nhạt, mặt trên màu xanh đậm.
Hình ảnh của cây Vạn Niên Thanh
Cây có hoa mọc thành từng bông màu xanh. Quả của cây Vạn Niên Thanh mọng nước và có hình cầu tương tự như quả Quất. Cây có thể trồng trong đất ẩm hoặc nước. Trông môi trường đất ẩm, Vạn Niên Thanh cho lá to, dày, bóng. Trong môi trường nước, cây cho lá hẹp, cành trắng và vươn dài.
Tác dụng của cây Vạn Niên Thanh trong đời sống
Cây Vạn Niên Thanh thuộc loại cây cảnh dễ trồng, dễ chăm sóc nhất và vẫn sinh trưởng, phát triển tốt trong môi trường thiếu ánh sáng, thiếu không gian. Cây cũng thuộc top cây có khả năng thanh lọc không khí, bài trừ độc tố, khử bớt chất độc của hiệu ứng nhà kính và rất thích hợp đặt ở văn phòng làm việc, phòng khách, phòng ngủ, trước thang máy. Vì thế, không gian nơi có cây Vạn Niên Thanh luôn có cảm giác dễ chịu, thoải mái, trong lành, dễ thở.
Cây Vạn Niên Thanh thường được trồng trong văn phòng, nơi làm việc
Ý nghĩa cây Vạn Niên Thanh trong phong thuỷ
Theo quan niệm phương Đông, cái tên Vạn Niên Thanh của cây có nghĩa là “100 năm” - tượng trưng cho sự cát tường, trường tồn, bền vững với thời gian. Chính vì thế, cây giúp mang lại tài lộc, may mắn, thịnh vượng cho gia chủ và được sử dụng làm quà tặng tân gia, khai trương. Ngoài ra, trồng cây Vạn Niên Thanh trong nhà còn giúp gia đình ấm êm và hạnh phúc.
Cây Vạn Niên Thanh hợp tuổi gì, hợp mệnh nào?
Cây Vạn Niên Thanh là loài cây hợp với những người mang tuổi Thìn. Các nam thanh nữ tú tuổi Thìn nên đặt một chậu Vạn Niên Thanh ở hướng Đông Nam trong nhà hoặc trên bàn làm việc để luôn gặp thuận lợi, bình an, hóa giải sát khí và mang đến tài lộc, may mắn, sự sung túc.
Cây Vạn Niên Thanh hợp với người mệnh Kim, Thủy và với người tuổi Thìn
Ngoài ra, cây Vạn Niên Thanh có lá màu trắng xanh, cho nên rất phù hợp với những người mang mệnh Kim hoặc mệnh Thủy. Nếu như những người thuộc hai cung mệnh này trồng cây sẽ giúp gặp dữ hóa lành, sự nghiệp công danh sẽ trên đà thăng tiến.
Cách trồng và chăm sóc cây Vạn Niên Thanh
Cây Vạn Niên Thanh có thể trồng trực tiếp trong đất hoặc nước. Đối với môi trường nào, cây cũng rất dễ trồng và chăm sóc. Hãy chú ý một số yếu tố sau đây sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
1. Lựa chọn đất trồng
Bạn chuẩn bị đất có độ tơi xốp tốt và trộn thêm trấu, đất, xơ dừa, phân với tỷ lệ: trấu 1/5 + đất 2/5 + 1/5 xơ dừa + 1/5 phân ủ sẵn. Sau cùng, bạn bón thêm phân lót với lượng 100g cho 10 kg đất.
2. Lựa chọn chậu và cách trồng
Bạn chọn chậu sứ hoặc chậu đất tùy vào sở thích cá nhân, đưa đất đã chuẩn bị sẵn vào đáy chậu với chiều cao bằng khoảng chiều cao của chậu trừ đi chiều cao của bầu cây + (5cm – 7cm). Tiếp theo, đưa bầu cây Vạn Niên Thanh vào chậu đất thấp hơn miệng chậu khoảng 3cm - 5 cm. Chú ý bầu cây và đất phải bằng phẳng và không bị nghiêng. Sau cùng, bạn tưới đẫm nước và chờ cây phát triển.
Trồng cây Vạn Niên Thanh trong chậu đúng cách
3. Nơi đặt chậu cây
Cây Vạn Niên Thanh nên đặt ở những nơi mát mẻ, có bóng râm và thoáng đãng. Cây không chịu được ánh sáng trực tiếp từ Mặt Trời quá mạnh, cho nên bạn chỉ cho cây tắm nắng vài lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng từ 2-4 tiếng.
4. Thay chậu
Cây Vạn Niên Thanh cần thay chậu khoảng 2 năm/lần. Khi thay chậu, bạn có thể kết hợp cắt bỏ trụi lá của cây để cây ra lá mới.
5. Nước tưới
Bạn nên tưới nước 2 lần/ngày khi thời tiết bước vào mùa Xuân Hè. Còn lại chỉ cần tưới từ 3-4 lần/tuần là đủ. Chú ý tưới dưới dạng phun vào lá cây Vạn Niên Thanh để giúp lá có thể hấp thụ nước, duy trì độ xanh tươi.
6. Bón phân
Cây Vạn Niên Thanh cần bón phân trong giai đoạn đầu khi mới trồng. Sau này khi cây đã phát triển, sinh trưởng tốt, bạn cần hạn chế bón phân để giữ nguyên hình dáng cho cây, tránh việc phát triển quá mức.
7. Phòng sâu bệnh
Cây Vạn Niên Thanh có thể bị sâu bọ tấn công ở mặt dưới của lá gây ra tình trạng đốm trắng trên lá, cho nên bạn cũng cần chú ý làm sạch bề mặt lá hàng tuần bằng cách phun thuốc ngừa sâu bệnh hoặc cắt bỏ những lá bị bệnh để không lây lan cho những lá khác.
Cây Vạn Niên Thanh có độc không?
Nhược điểm lớn nhất của Vạn Niên Thanh là có phần nhựa cây khá độc. Bạn cần hạn chế để trẻ nhỏ đứng gần cây, bứt cành bẻ lá, vì nhựa cây khi vô tình dính vào da sẽ gây dị ứng, bỏng, rát. Nếu không may dính phải nhựa cây vào da, bạn có thể hơ nóng bằng máy sấy để tránh ngứa. Nếu dính nhựa vào mắt, miệng thì bạn súc miệng, rửa mắt bằng nước ấm.
Cây có độc tố cho nên cần phải lưu ý khi sử dụng