Xương rồng tai thỏ hiện là loại cây cảnh đang được nhiều bạn trẻ khắp nơi trên thế giới yêu thích, ở Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Mục lục: 1. Ý nghĩa của xương rồng tai thỏ 2. Đặc điểm của xương rồng hình tai thỏ 3. Trồng loại xương rồng này thế nào? 4. Cách nhân giống cây 5. Cách chăm sóc xương rồng hình tai thỏ |
Xương rồng tai thỏ là loài cây thường thấy ở các khu vực hoang mạc và bán hoang mạc. Không những có vẻ ngoài đáng yêu, loại xương rồng này còn là một món ăn đặc sản ở Quảng Nam, một cây thuốc có giá trị trong những bài thuốc điều trị tiểu đường, béo phì, xơ vữa động mạch,…
Quen sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và đất đai cằn cỗi nên xương rồng hình tai thỏ dễ trồng, dễ chăm sóc và có thể sống trong thời gian dài.
1. Ý nghĩa của xương rồng tai thỏ
Nhắc đến xương rồng là nhắc đến hình ảnh của sự gai góc và mạnh mẽ. Hình tượng loài cây này được nhân hóa lên, đại diện cho những người có khả năng chịu đựng đáng nể phục, đối mặt với khó khăn và không ngừng vươn lên trong điều kiện khó khăn nhất.
Bên cạnh đó, cây xương rồng viết theo tiếng Tây Ban Nha còn có nghĩa là “Hãy đến và mang em đi”. Nó là hình ảnh tượng trưng cho những người giàu tình cảm, cứng rắn song không bao giờ thể hiện ra ngoài. Trong tình yêu, đó là một thứ tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, thủy chung song lại thầm kín và lặng lẽ.
2. Đặc điểm của xương rồng hình tai thỏ
Sở dĩ gọi là xương rồng tai thỏ vì cây có các nhánh cây mọc thẳng lên trông như những chiếc tai thỏ.
- Cây có dạng phiến hình ovan, thân cây có màu xanh. Cây phát triển từ một thân chính, thông thường chỉ mọc ra 2 nhánh như đôi tai thỏ. Cũng có trường hợp nhiều nhánh hơn nhưng ít.
- Trên mặt xương rồng có nhiều lớp gai nhỏ, xếp thành từng hàng, phủ đều khắp xung quanh mặt. Thân cây dự trữ rất nhiều nước.
- Trung bình, xương rồng hình tai thỏ có thể đạt đến chiều cao là vài mét.
- Hoa có màu vàng hoặc đỏ.
Hoa của cây xương rồng tai thỏ.
- Nếu sống trong điều kiện nhiệt độ mát hơn, cây phát triển to hơn thì cây có thể mọc lá chứ không còn bị tiêu biến thành gai.
- Là loài cây ưa nắng, sống và sinh trưởng tốt trong điều kiện khô hạn, ít nước.
3. Trồng loại xương rồng này thế nào?
Với đặc tính sinh trưởng và phát triển trong môi trường hoa mạc và bán hoang mạc, đất đai nghèo nàn cằn cỗi, ít được chăm sóc, tưới nước thường xuyên nên khi được thuần hóa, xương rồng hình tai thỏ dễ trồng và dễ chăm sóc, không yêu cầu quá cầu kỳ.
Chậu trồng
Đối với loại xương rồng này, nên chọn loại chậu có đường kính lớp hơn gấp 2 lần so với bề rộng của nhánh cây lớn nhất. Phần đáy chậu chắc chắn phải có lỗ thoát nước để đảm bảo độ thông thoáng.
Đất trồng
Cần trồng xương rồng tai thỏ trong đất có độ tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát khí; tránh những loại đất đặc quánh, ẩm ướt. Có thể trồng trong hỗn hợp của đất, đá, sỏi. Trước khi gieo hạt, đất cần được tiệt trùng để tránh mầm bệnh. Nếu cần, nên mua gói đất dinh dưỡng để sử dụng.
Hạt giống
Nên chọn những loại hạt giống tốt nhất để cây dễ dàng thích nghi trong điều kiện nhà hoặc ngoài vườn. Tốt nhất nên chọn mua ở các cửa hàng hạt giống uy tín.
Kỹ thuật trồng
Để trồng xương rồng hình tai thỏ, người trồng có thể dùng cây hoặc hạt giống để gieo. Nhưng thông thường sử dụng hạt giống là chủ yếu.
Đổ loại đất đã được chuẩn bị vào chậu trồng, san bằng, sau đó rắc đều hạt giống lên trên mặt đất. Rải một lớp sỏi nhỏ thật mỏng trên bề mặt đất vừa gieo hạt để giúp cân bằng nhiệt độ cho hạt giống phía dưới.
Sau đó, dùng bình xịt phun sương tưới đều một cách nhẹ nhàng trên bề mặt của chậu để tạo độ ẩm. Bọc kín miệng chậu bằng túi nilon, đều đặn tưới nước 2 – 3 ngày/ lần để duy trì độ ẩm. Khoảng 10 ngày, nếu được chăm sóc đúng cách thì hạt giống xương rồng tai thỏ sẽ bắt nảy mầm.
4. Cách nhân giống cây
Chuẩn bị đất
Có thể dùng cát sông, đất cát trắng, như vậy thì cây sẽ nhanh chóng phát triển hơn. Nhưng dù là trồng vào loại đất gì đều cần đảm bảo:
- Duy trì đất luôn ở trong thái tơi xốp, thoáng khí.
- Đất có chứa chất hữu cơ có mùn, không chứa muối
- Duy trì độ ẩm thích hợp: không được khô quá hay ướt quá.
- Đồng lời, lượng đất cát trong chậu cũng phải phù hợp, không nên quá dày.
Phương pháp nhân giống
Để nhân giống xương rồng tai thỏ, bạn có thể tiến hành vào mùa xuân, bằng hai phương pháp sau:
- Phương pháp ghép:
+ Chọn những nhánh cây khỏe mạnh, có sức sống tốt. Sau khi cắt nhánh đó ra, đợi cho vết cắt khô thì cắm vào chậu cát bằng gỗ, nhựa hoặc chậu xốp.
+ Sau khoảng 20 – 25 ngày thì cành sẽ bắt đầu mọc rễ. Khi cắm vào chậu, nên cắm sát vào cạnh chậu vì ở vị trí này thường thoáng khí, có lợi hơn cho quá trình mọc rễ.
+ Sau khi cắm, duy trì nhiệt độ 25 độ C, đặt nơi thoáng gió và trong bóng râm.
- Phương pháp gieo hạt:
+ Chọn những hạt giống tròn, đều đặn và tiến hành gieo trồng như thông thường.
+ Sau khoảng 10 ngày thì hạt giống sẽ bắt đầu nảy mầm. Giai đoạn này yêu cầu sự chăm sóc cẩn thận.
5. Cách chăm sóc xương rồng hình tai thỏ
Nước
Xương rồng là loại cây chịu hạn, không chịu được úng nước nên nhu cầu tưới nước cho nó cũng rất hạn chế. Mỗi tuần chỉ cần tưới một lần, mỗi lần tưới từ 30 – 40ml nước tùy vào kích thước chậu cây. Nếu trong điều kiện thời tiết mát mẻ, trời ẩm thì có thể không cần tưới cũng được.
Ánh sáng
Là loài cây ưa sáng nên đối với xương rồng tai thỏ, ánh sáng vô cùng cần thiết. Nếu được, nên để cây vào nơi có ánh sáng trực tiếp. Còn trường hợp trang trí ở văn phòng thì 2 – 3 ngày có thể cho cây ra ngoài tắm nắng một lần.
Nhiệt độ
Dù trong điều kiện khắc nghiệt nhất, nóng hoặc lạnh, xương rồng tai hình thỏ đều có thể chịu được và vẫn sinh trưởng.
Khả năng chịu đựng của cây trong khoảng từ 10 – 50 độ C. Song, thích hợp cho cây phát triển tốt nhất là từ 15 – 28 độ C. Nếu nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá cũng có thể làm cây yếu đi và có thể bị chết.
Phòng trừ sâu bệnh
Xương rồng tai thỏ có nguy cơ bị mắc một số loại bệnh như bệnh thối gốc (rất thường gặp và nguy hiểm), bệnh đốm than hay rệp sáp.
- Đối với trường hợp cây bị thối gốc, nguyên nhân có thể là do các vết thương gây ra trong quá trình chiết ghép hoặc xuất hiện trên gốc. Ban đầu sẽ xuất hiện các đốm thối màu đen, xám, các chấm mốc màu đỏ tím hoặc trắng.
Trong quá trình ghép cành, công cụ cần được khử trùng và nên chọn loại đất và phân không nấm bệnh để hạn chế nguy cơ mắc bệnh của cây. Đồng thời nên loại bỏ những cành/cây bị bệnh để tránh lây lan.
- Đối với trường hợp bệnh thán thư, thường gặp nhiều vào mùa hạ và đầu mùa đông, khi cây bắt đầu xuất hiện những đốm nhiều nước màu nâu nhạt do nấm đĩa gai gây ra. Để phòng bệnh, nên hạn chế tưới nhiều nước, để cây ở nơi khô ráo và thoáng khí.
- Rệp sáp dùng miệng chích hút nhựa cây, dần dần sẽ làm cây bị suy yếu và chậm phát triển. Để loại bỏ nguy cơ này, có thể sử dụng phương pháp thủ công, bắt bỏ chúng đi hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật.