Mới đây, vụ nổ toilet vô cùng hy hữu đã xảy ra tại Trung Quốc gây ra hậu quả nghiêm trọng khiến một người đàn ông phải khâu 40 mũi. Thực tế đã có nhiều vụ việc tương tự xảy ra ở nhiều nước. Chuyên gia sẽ lý giải việc bồn cầu phát nổ gây trọng thương và cách để ngăn chặn sự cố nguy hiểm này.
Các gia đình cần chọn vật liệu tốt để tránh làm nén xung quanh hố ga gây ra áp lực cho bể phốt dẫn đến nổ bồn cầu. Ảnh: T.L
Bị thương nặng vì nổ bồn cầu
Bồn cầu là một thiết bị vệ sinh thiết yếu trong mỗi gia đình. Trong quá trình sử dụng khó tránh khỏi những lúc bồn cầu và các thiết bị vệ sinh khác gặp sự cố, nhưng khi tai nạn xảy ra bởi các thiết bị vệ sinh này sẽ khiến nhiều người lo ngại.
Mới đây, sự việc bồn cầu đột ngột phát nổ, một người đàn ông 23 tuổi ở Tân Bắc, Thường Châu (Trung Quốc) đã bị thương nặng và phải khâu tới 40 mũi. Sáng hôm xảy ra sự việc, người đàn ông này theo thói quen vào nhà vệ sinh giẫm chân lên bồn cầu để chuẩn bị “giải quyết nỗi buồn”. Tuy nhiên, khi anh vừa mới đặt chân lên, chiếc bồn cầu đột ngột phát nổ khiến anh bị thương nặng.
Anh đã bị mảnh sứ găm vào lưng và cứa vào động mạch ở mông làm máu ra nhiều. May anh không gặp thương tổn ở vùng mặt và đầu, tuy nhiên anh đã phải trải qua ca phẫu thuật dài hơn 1 giờ với 40 mũi khâu nhiều chỗ.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp bồn cầu đột nhiên phát nổ mà ở nhiều nước cũng đã từng xảy ra sự việc tương tự. Trước đó, cũng tại Trung Quốc vào tháng 12/2015, một người phụ nữ họ Lý ở tỉnh Hồ Bắc bị thương nặng sau khi chiếc bồn cầu của một quán karaoke đột ngột phát nổ khi cô vừa ngồi xuống bệ. Cô bị một vết cắt sâu 7cm dưới da. Để điều trị, cô đã phải trải qua một ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ và đã được chăm sóc tích cực trong 48 giờ tiếp theo.
Còn vào tháng 10/2013, một người đàn ông có tên Michel Pierre, 58 tuổi ở Flatbush, Quận Brooklyn, New York (Mỹ) cũng đã bị thương vì bồn cầu nhà vệ sinh phát nổ khi ông đang giật nước. Ông Pierre bị thương và phải khâu 30 mũi trên mặt, cánh tay và chân do bị các mảnh sứ vỡ của bồn cầu văng vào người. Được biết, tòa nhà 16 tầng nơi ông ở hôm đó bị cắt nước. Khi ông vào giật nước để kiểm tra thì áp suất bị nén lại trong đường ống đã gây nổ. Năm 2001, một người đàn ông 32 tuổi ở Montabaur (Đức) đã chết trong khi đi cắm trại. Nguyên nhân là do nhà vệ sinh của khu cắm trại bị nổ vì khí gas rò rỉ từ bể tự hoại.
Đừng bao giờ bỏ khăn giấy vào bồn cầu Cắm chung bàn chải, cả gia đình có thể nhiễm khuẩn từ bồn cầu Cấm kị bồn cầu tránh xú uế xộc thẳng vào nhà |
“Quả bom” từ bồn cầu
PGS.TS Nguyễn Trường Luyện (Viện Vật lý kỹ thuật, ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, nguyên nhân của vụ nổ có thể do điều kiện kém vệ sinh và đường thông khí của bồn cầu bị chất thải bít kín khiến khí gas tích tụ trong bồn gây áp suất cao rồi phát nổ chứ không phải tự thiết bị vệ sinh làm từ gốm sứ phát nổ như nhiều người nghĩ.
Giải thích rõ hơn về điều này, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện cho biết, bể phốt là nơi chứa các chất thải dạng đặc và theo thời gian sẽ phân hủy thành các chất thải dạng lỏng rồi theo ống thoát nước ra ngoài.
Bồn cầu thường cấu tạo gồm 3 ngăn để xử lý chất thải để đảm bảo chứa đủ 3 quy trình chứa, lắng, lọc. Ngăn đầu tiên là phân và nước xuống sau đó phân hủy, vì là chất hữu cơ phân hủy thành khí (metan, NH3, CO2..) và bã men. Bã lắng xuống dưới đáy, còn nước trong ở bên trên có một ống thông chảy sang ngăn thứ 2. Nước này vẫn còn mùi thối, chưa trong nên cẩn thận thường xây thêm ngăn thứ 3 nữa. Những phần còn lại lắng đọng ở ngăn thứ 2, nước bên trong được chảy sang ngăn thứ 3 ra ngoài cống hoặc cho ngấm ra đất.
Trong quá trình phân hủy có các khí, đặc biệt là khí metan. Trong cấu trúc thường phải có một ống dẫn khí hay ống thông hơi nối từ bể phốt lên trên để các khí thoát ra. Khí áp suất lớn theo đường ống thoát lên cao ra ngoài để cân bằng khí áp trong bể. Nếu xây dựng bể phốt mà không có ống thoát hơi khí metan mà khí này lớn, áp suất cao hơn áp suất không khí bên ngoài sẽ phát nổ. Thành bể phốt chắc không sao nhưng thành không chắc có thể bị hỏng. Hoặc do đặt sai đường ống thoát khí vì nếu như đường ống thoát nước đặt chuẩn mà đường ống thoát khí bị tắc thì rất dễ xảy ra hiện tượng nổ bồn cầu toilet do nổ khí metan. Nếu không được phát hiện xử lí kịp thời, đây sẽ là “quả bom” nổ chậm trong nhà và gây nguy hiểm cho người dùng.
Bệ tiêu có thể là bệ tiêu bệt hoặc bệ tiêu xổm, được làm bằng các vật liệu như sứ tráng men hoặc granite ximăng lưới thép. Bệ tiêu được làm thật nhẵn để dễ cọ rửa và đẩy trôi phân dễ dàng. Bệ tiêu được nối liền với ống dẫn phân và được cấu tạo sao cho luôn luôn có nút nước kín. Nút nước này là chi tiết kỹ thuật quan trọng của nhà tiêu tự hoại, có tác dụng ngăn mùi hôi từ bể chứa phân thoát ra ngoài, đồng thời ngăn ruồi, nhặng và các côn trùng khác không tới sinh đẻ trong bể chứa phân.
Bệt có cấu trúc ống xoắn như hai hình chữ u lật ngược, khi đi đại tiện cần phải giật nước tạo áp suất lớn đẩy chất thải ấy qua hình chữ u lật ngược mới xuống bể phốt. Đáy hình chữ u mà giờ lật ngược thường cao hơn mực nước ở hố xí bệt để nó ngăn hơi thối bốc ra, khí metan bốc vào nhà vệ sinh. Nếu như cấu trúc này không chuẩn và áp suất khí metan bể phốt quá lớn, vượt giới hạn thì sẽ làm nổ.
Để tránh những nguy hiểm không đáng có, các chuyên gia khuyến cáo, khi thiết kế nhà vệ sinh cần phải tính toán trước như nhà có bao nhiêu người, ước lượng khối lượng sinh ra chất thải/tháng, tổng khí sinh ra trong quá trình phân hủy là bao nhiêu khối… Bể phốt phải tương ứng. Nếu khối lượng lớn mà bể phốt nhỏ thì rất nguy hiểm. Trong quá trình lắp đặt cần chú ý ống đường vào bể phải cao hơn đường ra ít nhất 10cm để ngăn sự trở lại của nước thải quay lại đường ống lên thiết bị vệ sinh và ngăn ngừa sự hình thành chất rắn và tiện cho việc hút bể phốt thông tắc về sau. Các gia đình cũng cần chọn vật liệu tốt để xây và tránh không nên đàm nén xung quanh hố ga quá chặt gây ra áp lực cho bể phốt dễ gây rạn nứt bể. Việc xây dựng đúng quy trình sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường do nước thải này gây ra và cũng giảm được tắc cống ngầm của đường nước. |