Là khi ngồi trước cửa tiệm, nhấp môi uống một ngụm latte nóng và nhìn những con người thời thượng lả lướt đi qua.
Liền kề với MSpace và một nơi không ai có thể bỏ qua khi đến đây - Barbetta Republic. Nếu nói vì sao con người ta có thể lịm đi trong một khoảng không gian đẹp và cá tính đến từng milimet, thì Barbetta đích thị là một minh chứng hoàn hảo thay cho câu trả lời. Mọi món đồ trang trí được giăng trên trần nhà hoặc nằm im lìm trong góc phòng cũng đều khiến giới điệu mộ nghệ thuật phải nghiêng đầu suy ngẫm, tò mò và thích thú khi phát hiện ra sự thật.
Ví như một chiếc máy hút gió được dùng để làm chao đèn, thanh giảm sốc xe máy làm thành chân ghế, biển số xe ốp viền quầy bar với hàng trăm chiếc ly úp ngược tỏa ra ánh sáng. Buồn cười nhất là cái toilet nhuốm màu hồng được ốp sàn từ những viên đá hoa tưởng chừng như tuyệt chủng từ chục năm về trước. Sẽ là chây lì nếu như cố nán lại Barbetta từ sáng đến tối, nhưng đến một lần để rồi trở lại thêm nhiều lần nữa là điều không có gì khó hiểu.
Barbetta Republic - điểm nhấn nổi bật của Zone 9.
Thanh cảnh trong buổi sớm mai.
Căn phòng không thể lý tưởng hơn để tụ tập hội nhóm.
Bí ẩn một chút là không gian trưng bày nghệ thuật Tadioto với cánh cửa gần như chẳng mấy khi mở. Chủ của nó chính là nhà văn/dịch giả Nguyễn Quý Đức, người nổi tiếng với danh hiệu "trùm đồ cổ" và cũng là một kiến trúc sư danh tiếng tại Hà Nội. Sự góp mặt của ông tại Zone 9 là một điều quý giá cho các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận dễ dàng hơn.
Trái ngược với những địa điểm kể trên, Nhà Sàn Collective là không gian nghệ thuật duy nhất không xen lẫn giá trị thương mại bên trong nó. Nằm im lìm trên tầng 3, nhiều người chỉ thực sự biết đến sự tồn tại của Nhà Sàn khi vô tình bước chân lên đây, để rồi nhanh chóng bị cuốn vào không gian đầy mê hoặc của những người trẻ yêu thích sự sáng tạo.
Nhà Sàn Collective mang không gian triển lãm đến gần hơn với người trẻ.
Những món đồ khó tìm thấy được trưng bày tại Nhà sàn.
Một trong 3 người sáng lập nên Nhà Sàn Collective là nghệ sỹ đương đại Phương Linh, nơi được chị và những người bạn bỏ tiền túi để thuê địa điểm và tổ chức những buổi triển lãm, sắp đặt nghệ thuật. Mới đây nhất, triển lãm tái hiện không gian thời bao cấp của Nhà Sàn thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng, dù rằng chủ yếu mọi người "mách nhau" đến đây qua con đường truyền miệng.
Bất ngờ hơn nữa là các triển lãm của Nhà Sàn có sự phối hợp giúp đỡ của các bảo tàng tại Hà Nội, nơi mà nhiều người vẫn cho là vắng vẻ, khô khan. Nỗ lực đem những giá trị nghệ thuật đến gần hơn với công chúng của Nhà Sàn Collective cho thấy nhiệt huyết vô bờ bến của những người trẻ, chắc chắn Nhà Sàn sẽ trở thành một "bảo tàng" thu nhỏ nhưng đủ lớn để làm thay đổi thói quen thưởng thức công chúng.
Có lẽ giờ chưa đến lúc người ta tận hưởng buổi sáng ở Zone 9 theo cách an nhàn trên hè phố ngắm người qua lại, hoặc ý nghĩ đó chỉ là giả định, bởi thực tế người ta không ví nơi này là Paris thu nhỏ chỉ bởi cách con người hưởng thụ nó. Zone 9 là nơi tập hợp những cá tính, những gam màu rất khác trong một sân chơi chung có tên gọi là nghệ thuật, và mọi cá thể góp phần làm ra thế giới "Paris tí hon" này đều là những người lao động nghiêm túc và miệt mài góp lại thành một bức tranh lung linh, tráng lệ. Đó chẳng phải là những gì người ta nghĩ ngay đến Paris của một thời "Hội hè miên man" đấy hay sao?
Mời các bạn xem thêm các công trình kiến trúc hay khác: